HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
33/2022/NQ-HĐND
|
Bình Định, ngày
10 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN
NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN
2022-2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Công nghệ cao
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17
tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày
19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày
19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP
ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Quyết định số
01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một
số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Quyết định số
38/2020/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm
công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Xét Tờ trình số 175/TTr-UBND
ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết
Quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026; Báo cáo thẩm
tra số 102/BC-KTNS ngày 05 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách
Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ
họp.
QUYẾT NGHỊ
Điều 1.
Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách
khuyến khích, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn
tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026.
Điều 2.
Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng
nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XIII kỳ họp thứ chín thông qua ngày 10 tháng 12
năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2022./.
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2022-2026
(Kèm theo Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định một số
chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026, gồm các lĩnh
vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang
trại, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) tham gia đầu
tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi
và thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản xuất trồng trọt hữu cơ
là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản
phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia về trồng trọt hữu cơ.
2. Quy trình thực hành sản xuất
nông nghiệp tốt (VietGAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành gồm
những yêu cầu trong sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt để bảo đảm an toàn thực
phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất;
bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
3. Dự án chăn nuôi lợn ứng dụng
công nghệ cao trong Quy định này là dự án đáp ứng các tiêu chí tại khoản 2 Điều
3 Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng
trong nông nghiệp; bao gồm: ứng dụng công nghệ sản xuất vật nuôi an toàn theo
VietGAHP, công nghệ tự động hóa, bán tự động hóa trong quá trình chăn nuôi quy
mô công nghiệp.
4. Quy trình công nghệ ứng dụng
khí ni tơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu được thực hiện theo
Quyết định số 25/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Tổng cục
Thủy sản, về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực Thủy sản. Trong đó, máy sản
xuất khí ni tơ từ khí trời được thay bằng bình chứa khí ni tơ có sẵn nhằm đảm bảo
hiệu quả và phù hợp thực tế của địa phương.
Điều 4. Nguyên
tắc hỗ trợ
1. Việc hỗ trợ phải công khai,
minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.
2. Trong cùng một thời điểm, một
nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được
lựa chọn áp dụng một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Trong cùng một nội
dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì không được hưởng hỗ
trợ của ngân sách tỉnh và ngược lại.
3. Tổ chức, cá nhân được thanh
toán tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định và chịu
trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về nội dung hồ sơ cung cấp.
Điều 5. Thời
gian thực hiện
Từ năm 2022 đến hết năm 2026.
Chương II
NỘI DUNG, NGUỒN KINH PHÍ
HỖ TRỢ
Điều 6. Nội
dung hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu
cơ:
- Danh mục, quy mô diện tích trồng
trọt hữu cơ được hỗ trợ theo Quy định này, gồm:
+ Cây lúa: Diện tích sản xuất tối
thiểu liền vùng là 2,0 ha;
+ Cây ăn quả: Diện tích sản xuất
tối thiểu liền vùng là 1,0 ha;
+ Cây rau các loại: Diện tích sản
xuất tối thiểu liền vùng là 0,5 ha.
- Điều kiện hỗ trợ sau đầu tư
và phải đáp ứng đầy đủ các quy định:
+ Cam kết tổ chức sản xuất áp dụng
theo nguyên tắc và tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ;
+ Có dự án đầu tư sản xuất, các
nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Có cam kết bố trí vốn đối ứng
để thực hiện các hạng mục trong dự án được phê duyệt (ngoài phần hỗ trợ của
ngân sách nhà nước).
b) Hỗ trợ áp dụng quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP):
- Danh mục, quy mô diện tích áp
dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) được hỗ trợ theo
Quy định này, gồm:
+ Cây trồng cạn hàng năm: Diện
tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 3,0 ha;
+ Cây ăn quả: Diện tích sản xuất
tối thiểu liền vùng là 2,0 ha;
+ Cây rau các loại: Diện tích sản
xuất tối thiểu liền vùng là 1,0 ha.
- Điều kiện hỗ trợ sau đầu tư
và phải đáp ứng đầy đủ các quy định:
+ Cam kết áp dụng VietGAP trong
sản xuất, sơ chế sản phẩm;
+ Có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương
án tiêu thụ sản phẩm;
+ Có dự án đầu tư sản xuất, các
nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Có cam kết bố trí vốn đối ứng
để thực hiện các hạng mục trong dự án được phê duyệt (ngoài phần hỗ trợ của
ngân sách nhà nước).
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu
cơ:
- Hỗ trợ một lần 100% chi phí
thuê tổ chức chứng nhận để đào tạo, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu
chuẩn Việt Nam về trồng trọt hữu cơ (cấp lần đầu hoặc cấp lại) nhưng không quá
80 triệu đồng/dự án.
- Hỗ trợ 50% kinh phí mua phân
bón hữu cơ và 100% kinh phí mua các vật tư (thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc
có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học xử lý đất và xử lý phân hữu cơ) theo định
mức phê duyệt cho tổ chức, cá nhân để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận sản phẩm
phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về trồng trọt hữu cơ, cụ thể như sau:
+ Cây lúa: Hỗ trợ tối đa 03 vụ
liên tiếp nhưng không quá 10 triệu đồng/ha/vụ.
+ Cây rau các loại: Hỗ trợ tối
đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 12 triệu đồng/ha/vụ.
+ Cây ăn quả: Hỗ trợ tối đa 02
năm liên tiếp nhưng không quá 22 triệu đồng/ha/năm.
b) Hỗ trợ áp dụng quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP):
- Hỗ trợ một lần 100% chi phí
thuê tổ chức chứng nhận để đào tạo, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP (cấp lần
đầu hoặc cấp lại) nhưng không quá 60 triệu đồng/dự án.
- Hỗ trợ 100% kinh phí mua vật
tư (bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học, chế phẩm
sinh học xử lý đất và xử lý phân hữu cơ) theo định mức phê duyệt cho tổ chức,
cá nhân để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP, cụ thể như sau:
+ Cây trồng cạn hàng năm: Hỗ trợ
tối đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 4 triệu đồng/ha/vụ.
+ Cây rau các loại: Hỗ trợ tối
đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 5 triệu đồng/ha/vụ.
+ Cây ăn quả: Hỗ trợ tối đa 02
năm liên tiếp nhưng không quá 8 triệu đồng/ha/năm.
Điều 7. Nội
dung hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Có dự án phát triển chăn
nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Chăn nuôi lợn trang trại quy
mô vừa trở lên.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
Hỗ trợ một lần kinh phí sau đầu
tư cho các đối tượng thực hiện Dự án chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao với
những nội dung:
a) Lắp đặt hệ thống làm mát, kiểm
soát nhiệt độ tự động, bán tự động; lắp đặt hệ thống phân phối thức ăn, nước uống
tự động, bán tự động: Mức hỗ trợ là 50% chi phí nhưng tối đa không quá 150 triệu
đồng cho 01 dự án.
b) Xây dựng và chứng nhận
VietGAHP: Mức hỗ trợ là 100% chi phí nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng cho
01 dự án.
Điều 8. Nội
dung hỗ trợ lĩnh vực thủy sản
1. Điều kiện hỗ trợ
a) Hỗ trợ cho các tổ chức, cá
nhân, hộ gia đình có tàu cá đăng ký tại Bình Định (gọi tắt là chủ tàu cá), có
chiều dài lớn nhất của tàu từ 15 mét trở lên, hoạt động đánh bắt nghề câu cá ngừ
đại dương thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản
cá ngừ đại dương trên tàu câu theo quy định.
b) Thiết bị hỗ trợ để thực hiện
Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương
trên tàu câu lắp đặt trên tàu cá cho ngư dân phải là thiết bị mới 100%.
c) Chủ tàu cá bán tàu cho tổ chức,
cá nhân có hộ khẩu trong tỉnh yêu cầu chủ tàu cá mới phải
có cam kết tiếp tục sử dụng Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo
quản cá ngừ đại dương trên tàu câu.
d) Trường hợp bán tàu ra ngoài
phạm vi tỉnh Bình Định, chủ tàu cá phải hoàn trả 100% kinh phí được tỉnh hỗ trợ.
đ) Quản lý việc hỗ trợ đối với
thiết bị shocker được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản và hệ thống thiết bị tạo
bọt khí ni tơ nano trên mỗi thiết bị lắp đặt trên tàu theo số seri.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
Hỗ trợ một lần kinh phí sau đầu
tư cho chủ tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng
khí ni tơ nano trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương trên tàu câu theo quy định,
cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ 50% kinh phí mua mới
shocker được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản. Mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/tàu.
b) Hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo,
làm mới hầm bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ tạo bọt khí ni tơ nano. Mức
hỗ trợ tối đa 75 triệu đồng/tàu.
c) Hỗ trợ 50% kinh phí mua mới
hệ thống thiết bị tạo bọt khí ni tơ nano, bao gồm: Bình chứa khí ni tơ có sẵn,
máy tạo bọt khí ni tơ nano, hệ thống bơm tuần hoàn nước biển. Mức hỗ trợ tối đa
40 triệu đồng/tàu.
Điều 9. Nguồn
kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân
sách tỉnh để thực hiện các nội dung theo quy định của chính sách này. Ngoài ra,
các địa phương chủ động cân đối bổ sung ngân sách hỗ trợ; huy động, lồng ghép
các chương trình, dự án và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác để triển khai thực
hiện.
Điều 10.
Quy định phân cấp phê duyệt
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt tổng mức hỗ trợ cho từng dự án trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Sở Tài chính.
Điều 11.
Điều khoản thi hành
1. Trong trường hợp các văn bản
viện dẫn ở Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản
sửa đổi, bổ sung, thay thế.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung chính sách, Ủy ban
nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.