ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 221/QĐ-UBND
|
Đắk Nông, ngày 22
tháng 02 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NIÊN TỈNH ĐẮK NÔNG,
PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT, ĐI ĐẦU CỦA CÁC CẤP BỘ ĐOÀN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ, ỨNG
DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT, CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2023 - 2027
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01 tháng 11
năm 2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 định
hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 05 tháng 5
năm 2022 của HĐND tỉnh Đắk Nông về phát triển thanh niên tỉnh Đắk Nông giai đoạn
2022 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3
năm 2022 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số
09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm
2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản
Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông tại Tờ trình số 20-TTr/TĐTN-BTG ngày 15 tháng 02 năm
2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo
Quyết định này Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên tỉnh Đắk Nông,
phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong chuyển đổi số, ứng
dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại giai đoạn 2023 - 2027”.
Điều 2. Tỉnh đoàn Đắk Nông
có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện
có hiệu quả thiết thực Đề án; theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện hàng
năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bí thư Đoàn Thanh niên cộng
sản Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Báo Đắk Nông, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VX, KT, NN, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Văn Mười
|
ĐỀ ÁN
NÂNG
CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NIÊN TỈNH ĐẮK NÔNG, PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT,
ĐI ĐẦU CỦA CÁC CẤP BỘ ĐOÀN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ, ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT,
CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2023 - 2027
(Kèm theo Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông)
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều cơ
hội, cũng tiềm ẩn không ít thách thức đối với toàn nhân loại, với sự hội tụ
mang tính đột phá của nhiều công nghệ hiện đại mới, có tác động sâu sắc đến hệ
thống chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học
kỹ thuật, công nghệ hiện là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng là một xu hướng tất yếu khách quan và
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Công nghệ, các nền tảng số và năng
lực số của công dân trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát
triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương và mỗi cá nhân.
Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.509,27 km2,
dân số bình quân ước đạt 676.537 người[1], trong đó thanh thiếu niên (từ 10 - 30 tuổi)
là 217.723 người (chiếm khoảng 32,18% tổng dân số); quy mô kinh tế tiếp
tục mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đầu người
đã đạt mức trung bình các tỉnh Tây Nguyên và vượt khỏi nhóm tỉnh có thu nhập
bình quân đầu người thấp của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra là phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh
trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây
Nguyên thì nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này với Đắk Nông là thực hiện chuyển đổi
số một cách nhanh chóng, đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thực tế tại địa
phương. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là lực lượng nòng cốt, đi
đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Trong thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng
của chuyển đổi số, các cấp bộ Đoàn tỉnh Đắk Nông đã tích cực tuyên truyền nâng
cao nhận thức, tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên
nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Triển
khai nhiều công cụ trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để tạo ra các diễn đàn,
chương trình trực tuyến; hình thành quản lý nhóm kênh truyền thông trên mạng xã
hội... để hạn chế thông tin sai lệch đồng thời cung cấp thông tin chính thống.
Tổ chức triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến
thức, kỹ năng xử lý, sàng lọc thông tin trên không gian internet...
Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện chuyển đổi số một
cách đồng bộ, hiệu quả trong thanh thiếu niên vẫn còn rất nhiều những khó khăn,
hạn chế như:
- Chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi quá cao số
như: Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự, hạ tầng công nghệ thông tin,
xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh an toàn dữ liệu thông tin...
- Nhận thức, tư duy về vai trò của chuyển đổi số
trong các lĩnh vực của một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vẫn chưa đầy đủ
và chính xác.
- Các thể chế, chính sách về chuyển đổi số vẫn chưa
đồng bộ để đảm bảo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số.
- Hệ thống kết nối internet chưa đồng bộ, ở một số
địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa được kết nối
internet.
- Hệ thống lưu trữ dữ liệu và phát triển dữ liệu
thông tin điện tử chưa đáp ứng được hết nhu cầu khi thực hiện số hóa.
- Khả năng sử dụng thiết bị, dữ liệu số, phần mềm,
máy tính và các ứng dụng vào học tập, lao động và phát triển bản thân, giải quyết
các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống của thanh thiếu niên, đặc biệt là tại các vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh còn thấp, chủ yếu đang ở mức phục vụ các
nhu cầu đơn giản như đọc tin, tham gia mạng xã hội, giải trí,...
- Một số bộ phận thanh thiếu niên chưa có khả năng
khai thác dữ liệu, thông tin, nhận diện thông tin giả, sai lệch, xấu độc,...
khi tiếp nhận các thông tin đa dạng, đa chiều trên môi trường số dẫn đến việc
chia sẻ những nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp gây ảnh hưởng đến cộng
đồng.
- Một số bộ phận thanh niên không chỉ bị hạn chế về
kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh mà còn thiếu kiến thức, kỹ năng đảm bảo an
toàn, an ninh mạng và tự phòng vệ trên không gian internet.
- Các ý tưởng sáng tạo của thanh niên chưa được đưa
vào ứng dụng trong thực tế để thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm tạo ra các giá
trị có lợi cho cộng đồng. Một số sản phẩm của thanh thiếu niên trên mạng xã hội
được sáng tạo một cách sai lệch gây ảnh hưởng đến giới trẻ và cộng đồng.
Những hạn chế nêu trên có cả những yếu tố khách quan
và chủ quan, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là do nhận thức của cán bộ, đoàn viên,
thanh thiếu niên về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ; nguồn lực đầu tư cho công
tác chuyển đổi số chưa tương xứng; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình
độ công nghệ thông tin, khả năng số hóa cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên,
thiếu niên chưa được tổ chức một cách khoa học và thường xuyên; cơ sở vật chất
để thực hiện số hóa trong các đơn vị, tổ chức đoàn, trường học chưa đáp ứng được
nhu cầu thực thế; cơ hội tiếp cận với số hóa, internet tại một số địa phương
vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn hạn chế.
Từ những yêu cầu cấp bách đó, để kịp thời giúp
thanh thiếu niên và người dân nâng cao năng lực số, kịp thời thích ứng và phát
triển trong thế giới hiện đại và tương lai. Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt,
đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại góp
phần hình thành nên thế hệ công dân toàn cầu, tiên tiến, hiện đại thì việc xây
dựng Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên tỉnh Đắk Nông, phát
huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong chuyển đổi số, giai đoạn
2023 - 2027” là hết sức cần thiết.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định
một trong những nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030
đó là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng
khoa học và công nghệ”;
- Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 27 tháng 9 năm 2019 của
Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư;
- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01 tháng 11 năm 2021
của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 định hướng đến
năm 2030;
- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13 tháng 12 năm 2021
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII về nhiệm vụ năm 2022.
- Luật Thanh niên ngày 16 tháng 6 năm 2020;
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của
Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử
giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của
Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết
52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động
tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư;
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm
2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh
niên;
- Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm
2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam
giai đoạn 2021 - 2030;
- Quyết định số 1113/QĐ-BNV ngày 17 tháng 10 năm 2021
của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh
niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;
- Kế hoạch số 461-KH/TWĐTN-VPUBTN ngày 03 tháng 12
năm 2021 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chiến lược phát
triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;
- Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 05 tháng 5 năm 2022
của HĐND tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2030;
- Quyết định số 2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm
2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong
hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn
thông tin mạng tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm
2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông
giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm
2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Đắk
Nông giai đoạn 2021 -2030;
- Kế hoạch số 2091/KH-UBND ngày 30 tháng 11 năm
2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình
phát triển thanh niên tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm
2022 của UBND tỉnh về việc thành lập tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc
gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030;
- Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm
2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết
số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm
2025, định hướng đến năm 2030.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI
GIAN TRIỂN KHAI
1. Đối tượng
- Tổ chức đoàn thanh niên các cấp; cán bộ, đoàn
viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
- Các Sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông,
Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công
Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo
Đắk Nông; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội;
UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa.
2. Phạm vi: Đề án triển khai tại tất cả các
địa phương trong toàn tỉnh.
3. Thời gian triển khai: Giai đoạn năm 2023
- 2027.
IV. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
- Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên tỉnh Đắk
Nông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; là nền tảng quan trọng
góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi số của tỉnh; là yếu tố then chốt góp phần
xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Nông trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ tư và hội nhập quốc tế.
- Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên là nhiệm
vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực để
nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông đóng vai trò
là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên.
Nâng cao năng lực số phải là giải pháp bao trùm, xuyên suốt trong công tác Đoàn
và phong trào thanh, thiếu niên giai đoạn 2023 - 2027.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ thanh thiếu niên tỉnh Đắk Nông nâng cao nhận
thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập,
nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ...
trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công
nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai của tỉnh,
tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, phát huy
vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên đi đầu trong chuyển đổi số, góp phần thúc
đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của tỉnh, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh
trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây
Nguyên.
2.2. Mục tiêu cụ thể
1. Phối hợp duy trì và phát huy các Tổ công nghệ cộng
đồng cấp xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, bon...; 100% Tổ công nghệ số cộng đồng
các cấp lấy lực lượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt.
2. Hằng năm, 100% Đoàn cấp huyện tổ chức ít nhất 02
hoạt động nâng cao năng lực số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại;
tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện
đại cho đoàn viên, thanh thiếu niên.
3. Hằng năm, huy động ít nhất 2.000 lượt đoàn viên,
thanh niên tham gia hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa
bàn tỉnh.
4. Hằng năm, phối hợp hỗ trợ hoặc hướng dẫn ít nhất
10 thanh niên phát triển kinh tế, doanh nghiệp trẻ của tỉnh quảng bá, tiêu thụ
sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
5. Ít nhất 20% các hoạt động của Đoàn được thực hiện
trên môi trường số. Đến năm 2025, trên 70% thanh, thiếu niên được tiếp cận các
hoạt động nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại
do tổ chức đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện.
6. Đến năm 2027, Tỉnh đoàn và 100% Đoàn cấp huyện,
80% Đoàn cơ sở sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiệp; ứng
dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá chất lượng đoàn viên.
7. Đến năm 2027, tối thiểu 90% thanh niên là công
chức, viên chức và 70% thanh niên trên địa bàn tỉnh sử dụng tài khoản thanh
toán điện tử.
V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền nâng cao nhận
thức về chuyển đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức đoàn trong chuyển đổi
số
- Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; mức độ quan trọng, cấp thiết
của việc nâng cao năng lực số. Tuyên truyền lợi ích của việc chuyển đổi số,
năng lực số trong đời sống nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng lực số của thanh
thiếu niên.
- Xây dựng bộ ấn phẩm truyền thông số (infographic,
video clip, phóng sự...) trên mạng xã hội, website của do tổ chức đoàn quản
lý.
- Xây dựng bộ tài liệu, kênh truyền thông online về
năng lực số cần thiết cho cán bộ Đoàn, Hội và đoàn viên thanh niên tỉnh Đắk
Nông nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức liên quan tới chuyển đổi số.
- Xây dựng các phóng sự, chuyên mục, trò chơi,
chương trình cung cấp thông tin, định hướng, truyền cảm hứng với các hoạt động
tương tác tạo sự quan tâm của thanh thiếu niên và toàn xã hội đối với việc nâng
cao năng lực số cho thanh thiếu niên.
- Vận động sự tham gia của các nhân vật có ảnh hưởng
trong giới trẻ, doanh nhân trẻ thành đạt, có uy tín trong việc tuyên truyền,
nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số của thanh thiếu niên.
- Kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển
đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức đoàn trong chuyển đổi số thông qua
các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội như: Hội thảo, tập huấn, tư vấn định hướng nghề,
diễn đàn, sân chơi, sinh hoạt chi đoàn, chi hội...
- Hỗ trợ tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp, đoàn viên,
thanh niên tự thiết kế các ấn phẩm truyền thông trực tuyến nhằm chia sẻ thông
tin thuận lợi và hiệu quả.
2. Tổ chức các hoạt động nâng
cao năng lực số cho thanh thiếu niên
- Tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cung
cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường
số đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tự bảo vệ nội dung, dữ liệu cá nhân, quyền
riêng tư trên môi trường số cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, tác
nghiệp (họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến, ...); phát triển các nền tảng
trực tuyến trong tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện, cuộc thi... của
tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp. Xây dựng và vận hành các nền tảng số phục vụ
triển khai các phong trào.
- Tổ chức các đội hình trí thức trẻ, sinh viên tình
nguyện có chuyên môn hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm,
khai thác internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh, thiếu
niên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Vận hành hiệu quả nền tảng mạng xã hội của tổ chức
Đoàn, Hội nhằm ngăn chặn, hạn chế thông tin giả, xấu, độc, cung cấp thông tin
chính thống, chính xác. Vận động thanh thiếu niên triển khai cuộc vận động “Mỗi
ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” để lan tỏa các thông tin hữu
ích, tích cực, giảm các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
- Phối hợp bồi dưỡng nhận thức, kiến thức, kỹ năng về
thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho thanh
thiếu niên thông qua các hoạt động như: Tư vấn định hướng nghề nghiệp liên quan
đến thương mại điện tử; đào tạo nhân lực thương mại điện tử; xây dựng công cụ học
tập, thực hành thương mại điện tử.
- Phát triển các câu lạc bộ sáng tạo, các mô hình “không
gian số”, “không gian sáng tạo”, “không gian công nghệ”,...
trong các nhà trường nhằm tạo điều kiện để thanh, thiếu niên có môi trường thuận
lợi sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trên nền tảng công nghệ.
- Tổ chức, phối hợp tổ chức hoạt động kết nối, hỗ
trợ thanh niên hình thành, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
công nghệ. Nâng cao năng lực kết nối chuỗi tri thức: Từ ý tưởng, nghiên cứu,
phát triển đến thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo, công nghệ mới.
3. Tổ chức các hoạt động phát
huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong chuyển đổi số, tham gia
thúc đẩy thực hiện xã hội số
- Lựa chọn cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu,
có trình độ về công nghệ thông tin tham gia 100% Tổ công nghệ số cộng đồng các
cấp; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong tham gia
Tổ công nghệ số cộng đồng.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cài
đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ khai báo, theo dõi y tế như:
PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử; dịch vụ công trực tuyến, Chính quyền điện tử ...
- Hướng dẫn, tuyên truyền về kết quả thực hiện chuyển
đổi số của tỉnh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch
vụ, nền tảng do chuyển đổi số mang lại; hướng dẫn thanh, thiếu niên từ bậc
trung học cơ sở trở lên sử dụng các dịch vụ, nền tảng số để hướng dẫn cho phụ
huynh tham gia sử dụng khi có nhu cầu.
- Nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật,
công nghệ hiện đại của thanh niên là chủ các mô hình kinh tế, doanh nghiệp; hỗ
trợ tiếp cận thông tin về môi trường, quy hoạch, công nghệ, đất đai, cây trồng,
vật nuôi, thị trường... qua các nền tảng số để nâng cao năng suất và chất lượng
sản phẩm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ để tự động
hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung
ứng sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử kết nối, quảng bá,
tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số.
- Tham gia phát triển nguồn nhân lực có chất lượng
trong lĩnh vực thương mại điện tử. Phối hợp với các ngân hàng thương mại tích cực
hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên lập và sử dụng các tài khoản thanh toán
điện tử như mobile money, internet banking...
- Nâng cấp website Tỉnh đoàn, xây dựng các ứng dụng
nền tảng số, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức truyền tải
các chương trình, hoạt động của Đoàn Thanh niên.
- Ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, triển khai
và tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào “Học sinh 3 tốt”, “Học
sinh 3 rèn luyện” và “Sinh viên 5 tốt”. Tổ chức Cuộc thi ứng dụng
công nghệ trong tổ chức hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học
sinh, sinh viên. Xây dựng chương trình truyền thông để tuyên truyền mục đích, ý
nghĩa và các nội dung kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, sinh viên.
- Thực hiện mô hình “Chi đoàn số”, số hóa hồ
sơ sổ sách của Đoàn nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn vụ, ứng dụng chuyển
đổi số trong việc tổ chức các hoạt động của chi đoàn.
4. Tham gia đầu tư, nâng cấp hạ
tầng số, thiết bị số
- Tham gia triển khai các dự án phát triển hạ tầng
số, dịch vụ viễn thông, internet băng thông rộng, dịch vụ mạng di động (4G, 5G)
nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận với công nghệ số của thanh, thiếu niên trên địa
bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách giữa thanh, thiếu niên miền núi với thanh, thiếu
niên các khu vực phát triển.
- Đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị số hiện đại (thiết
bị điện tử, máy tính, các thiết bị tích hợp khác); nâng cấp hạ tầng số (viễn
thông, internet tốc độ cao, an toàn an ninh mạng, ...) của Tỉnh đoàn và tổ
chức đoàn các cấp đảm bảo cho việc điều hành tác nghiệp, vận hành hiệu quả các
diễn đàn, hoạt động trực tuyến dành cho thanh, thiếu niên.
- Tổ chức vận động, quyên góp hỗ trợ máy tính, thiết
bị thông minh, các gói cước internet giá rẻ, miễn phí hỗ trợ cho thanh, thiếu
niên có hoàn cảnh khó khăn học tập và tham gia các hoạt động trực tuyến.
5. Kiểm tra, giám sát, sơ kết,
tổng kết Đề án
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực
hiện Đề án, kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện.
- Tổ chức sơ kết thực hiện Đề án vào tháng 12/2025;
tổng kết thực hiện Đề án vào tháng 12/2027.
- Xây dựng, phát hiện gương điển hình để biểu
dương, khen thưởng.
(Có Danh mục nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục kèm
theo)
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách Nhà nước bảo
đảm. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Đề án căn cứ nguồn kinh
phí của đơn vị, bố trí thêm để triển khai các nội dung được giao.
2. Căn cứ nội dung Đề án và chức năng, nhiệm vụ được
giao, hằng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan lập dự toán chi tiết
kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước để
trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. UBND các huyện, thành phố bố trí ngân sách hằng
năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
4. Các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực huy động
các nguồn kinh phí hỗ trợ (xã hội hóa) từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong và ngoài tỉnh đóng góp nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án phù hợp với
điều kiện thực tế và theo đúng các quy định của pháp luật.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
- Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Đề án. Phối
hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
- Tuyên truyền, vận động các nguồn lực, phát huy nội
lực của tổ chức Đoàn Thanh niên trong triển khai thực hiện Đề án lồng ghép với
các hoạt động, chương trình, đề án khác do Đoàn Thanh niên quản lý để góp phần
thực hiện mục tiêu Đề án gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của tổ chức đoàn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Huyện đoàn, Thành đoàn xây
dựng Kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án trình UBND cùng cấp
phê duyệt.
- Định kỳ tổng hợp báo cáo và tổ chức sơ, tổng kết
đánh giá kết quả thực hiện Đề án. Bổ sung, điều chỉnh nội dung các hoạt động đảm
bảo phù hợp thực tế với điều kiện thực tế tại địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem
xét, quyết định.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham
mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm phù hợp với khả năng cân đối của ngân
sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp, hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức
tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu
niên; phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
- Ban hành văn bản hướng dẫn thành lập và chức
năng, nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường các nội
dung nâng cao năng lực số trong chương trình học tập chính khóa và ngoại khóa;
phối hợp tổ chức sân chơi, ngày hội trải nghiệm công nghệ, giờ ra chơi trải
nghiệm sáng tạo...
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp tuyên
truyền, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến chuyển
đổi số trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp
tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến
chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; phối hợp triển khai
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
7. Sở Công Thương: Chủ trì phối hợp với các
đơn vị liên quan hỗ trợ đưa các sản phẩm của thanh niên phát triển kinh tế,
doanh nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách liên
quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đưa sản phẩm của
thanh niên lên sàn thương mại điện tử; phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp của Đề án.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk
Nông: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền về
hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
tỉnh trong triển khai thực hiện các nội dung liên quan của Đề án.
11. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa
- Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa
phương bảo đảm cho việc thực hiện hiệu quả Đề án.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tích
cực phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên cùng cấp triển khai thực hiện có hiệu
quả Đề án.
- Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện,
thành phố Gia Nghĩa phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp triển khai các hoạt động
nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên tại địa phương.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa
bàn duy trì và phát huy tốt các Tổ công nghệ số cộng đồng để thực hiện tư vấn,
tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, hỗ trợ người dân trên địa
bàn tiếp cận các dịch vụ số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
- Phối hợp theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát,
đánh giá việc thực hiện Đề án tại địa phương.
Trên đây là Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh
thiếu niên tỉnh Đắk Nông, phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn
trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại giai đoạn
2023 - 2027”. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh) để xem xét, giải quyết./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ
CHO THANH THIẾU NIÊN TỈNH ĐẮK NÔNG, PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT, ĐI ĐẦU CỦA CÁC CẤP
BỘ ĐOÀN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ, ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT, CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
GIAI ĐOẠN 2023 - 2027
STT
|
Nhiệm vụ
|
Mô tả nội dung
|
Cơ quan chủ trì
thực hiện
|
Cơ quan phối hợp
thực hiện
|
Thời gian thực
hiện
|
1
|
Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án đến 10 đơn
vị Đoàn cấp huyện, thành phố, 100% cơ sở Đoàn
|
Tổ chức tuyên truyền, triển khai các nội dung của
Đề án đến đông đảo các cấp bộ Đoàn, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện, thành phố, cơ sở
đoàn toàn tỉnh
|
Năm 2023
|
2
|
Phối hợp duy trì và phát huy tốt các Tổ công nghệ
cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, bon,...
|
Phối hợp duy trì và phát huy tốt các tổ công nghệ
số cộng đồng
|
Sở Thông tin và Truyền thông
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; UBND các huyện, thành
phố, UBND các xã, phường, thị trấn
|
2023 - 2027
|
3
|
Xây dựng, phát hành bộ ấn phẩm truyền thông, bộ
tài liệu về năng lực số, ứng dụng công nghệ cần thiết cho thanh thiếu niên
|
Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số, an
ninh mạng...; phổ biến kiến thức, kỹ năng đảm bảo an ninh, an toàn trên môi
trường số, giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ với thanh thiếu
niên và người dân thông qua hệ thống các sản phẩm truyền thông số
(infographic, videoclip, phóng sự, poster...)
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin và Truyền thông
|
2023 - 2027
|
4
|
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, các
hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực số và ứng dụng khoa học kỹ thuật,
công nghệ hiện đại cho cán bộ đoàn các cấp, đoàn viên, thanh niên
|
Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức,
kỹ năng về chuyển đổi số, nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội,
phụ trách thiếu nhi của Tỉnh đoàn và cấp huyện, cấp xã; đoàn viên, thanh niên
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin và Truyền thông; tổ chức Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh cấp huyện, cấp xã
|
Hằng năm
|
5
|
Tổ chức các đội trí thức trẻ, sinh viên tình nguyện
nâng cao năng lực số, ứng dụng công nghệ cho thanh thiếu niên, người dân
|
Nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng CNTT, internet
và mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh thiếu niên các vùng khó
khăn, dân tộc thiểu số nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các
vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội. Tuyên truyền, vận động người dân, thanh niên sử dụng tài khoản
thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Giáo dục và Đào tạo; tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh cấp huyện, cấp xã
|
Hằng năm
|
6
|
Tổ chức Ngày hội Thanh niên chuyển đổi số
|
Tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn về chuyển đổi
số. Tuyên truyền, vận động người dân, thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán
điện tử, các dịch vụ công trực tuyến. Triển lãm các sản phẩm về chuyển đổi số
của thanh niên. Tuyên dương các cá nhân, tổ chức có thành tích trong thúc đẩy
chuyển đổi số trong thanh niên
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin và Truyền thông; tổ chức Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh cấp huyện, cấp xã
|
Năm 2024, 2026
|
7
|
Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hỗ
trợ chủ mô hình kinh tế nông nghiệp, các doanh nghiệp truyền thống nâng cao
năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại
|
Đào tạo cơ bản về chuyển đổi số cho Đoàn viên,
thanh niên, Hội viên, cán bộ Hỗ trợ khởi nghiệp địa phương, cho các chủ dự án
khởi nghiệp, cán bộ/nhân viên của các doanh nghiệp, Hợp tác xã thanh niên tại
các huyện, thành phố. Đào tạo chuyên sâu về Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp
khởi nghiệp/hợp tác xã thanh niên tiêu biểu có số lượng nhân viên trên 20 người
và có nhu cầu số hóa quy trình sản xuất và quản lý tại trên địa bàn toàn tỉnh
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ; tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
cấp huyện, cấp xã
|
2023 - 2027
|
8
|
Phối hợp hỗ trợ đưa sản phẩm của thanh niên phát
triển kinh tế và doanh nhân trẻ của tỉnh lên sàn thương mại điện tử
|
Hỗ trợ đưa sản phẩm của thanh niên phát triển
kinh tế, doanh nhân trẻ của tỉnh lên sàn thương mại điện tử
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin truyền thông, Sở Công thương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện, thành phố
|
2023 - 2027
|
9
|
Thực hiện mô hình “Chi đoàn số”
|
Số hóa hồ sơ sổ sách của Đoàn nhằm nâng cao chất
lượng công tác đoàn vụ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc tổ chức hoạt động của
chi đoàn
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Sở Thông tin và Truyền thông; tổ chức Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh cấp huyện, cấp xã
|
2023 - 2027
|
10
|
Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Đề án
|
- Kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện Đề
án: Hằng năm
- Sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án: Năm
2025
- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án, biểu
dương, khen thưởng: Năm 2027
|
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
|
Các đơn vị liên quan
|
- Kiểm tra, giám sát: Hằng năm.
- Sơ kết: Năm 2025.
- Tổng kết: Năm 2027
|
[1] Theo báo cáo thống kê chuyên ngành quý I năm
2022 về dân số - KHHGĐ ngày 31/3/2022 của Chi cục Dân số - KHHGĐ.