Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 84/2016/NĐ-CP tiêu chuẩn điều kiện kiểm toán viên tổ chức kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng

Số hiệu: 84/2016/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 01/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2016/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

 

1. Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận

 
Nghị định số 84/2016 quy định điều kiện đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích cho công chúng như sau:
 
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
 
- Có vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (với chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài) từ 6 tỷ đồng trở lên và phải duy trì vốn chủ sở hữu thường xuyên không thấp hơn 6 tỷ;
 
- Có từ 10 kiểm toán viên hành nghề đủ điều kiện trở lên;
 
- Có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam ít nhất 24 tháng kể từ ngày được xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu;
 
- Đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiểu 200 đơn vị từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm hộp hồ sơ;
 
- Đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp;
 
- Có hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp;
 
- Không thuộc các trường hợp không được xem xét, chấp thuận;
 
- Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn.
 
Tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán ngoài các điều kiện trên còn phải đáp ứng các điều kiện khác tại Nghị định 84.
 

2. Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận

 
Ngoài các điều kiện theo Luật Kiểm toán độc lập thì kiểm toán viên hành nghề kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng còn phải đáp ứng các điều kiện tại Nghị định số 84 năm 2016, như sau: Có tên trong danh sách kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề kiểm toán trong kỳ chấp thuận và phải có tối thiểu 24 tháng thực tế hành nghề kiểm toán tại Việt Nam từ ngày được xác nhận đủ điều kiện hành nghề đến ngày nộp hồ sơ.
 

3. Các trường hợp tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được xem xét, chấp thuận theo Nghị định 84/NĐ-CP:

 
- Tổ chức kiểm toán có các hành vi sau:
 
+ Đang bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
 
+ Không sửa chữa, khắc phục kịp thời các sai phạm theo kiến nghị của cơ quan thẩm quyền;
 
+ Có những khiếu kiện về kết quả kiểm toán và có kết luận là sai phạm;
 
+ Có chất lượng kiểm toán không đạt yêu cầu trong năm được xem xét;
 
- Kiểm toán viên hành nghề phụ trách hồ sơ kiểm toán có chất lượng không đạt yêu cầu trong năm được xem xét;
 
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề có những hành vi sau:
 
+ Bị xử phạt hành chính hành vi liên quan đến kiểm toán trong năm xem xét;
 
+ Giả mạo, khai man hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán;
 
+ Không giải trình, giải trình không đạt hoặc không cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
 
+ Không thông báo, báo cáo theo quy định;
 
+ Bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán trong thời gian chưa quá 24 tháng kể từ ngày bị hủy bỏ;
 
 
Nghị định 84/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/7/2016.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI KIỂM TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ, TỔ CHỨC KIỂM TOÁN ĐƯỢC CHẤP THUẬN KIỂM TOÁN CHO ĐƠN VỊ CÓ LỢI ÍCH CÔNG CHÚNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật kiểm toán độc lập ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Luật chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về tiêu chuẩn, Điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, Điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

2. Đơn vị có lợi ích công chúng, ngoại trừ tổ chức tín dụng không phải là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng không thực hiện niêm yết, chào bán chứng khoán ra công chúng.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xem xét tiêu chuẩn, Điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Tổ chức kiểm toán” là doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. “Tổ chức kiểm toán được chấp thuận” là tổ chức kiểm toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thực hiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng.

3. “Kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận” là kiểm toán viên hành nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thực hiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng.

4. “Kỳ chấp thuận” là kỳ mà tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, được tính theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12.

Điều 4. Đơn vị có lợi ích công chúng

1. Đơn vị có lợi ích công chúng là các đơn vị được quy định tại Điều 53 Luật kiểm toán độc lập.

2. Đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, gồm: Công ty đại chúng quy mô lớn theo quy định của pháp luật về chứng khoán, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ và các công ty quản lý quỹ.

3. Đơn vị có lợi ích công chúng khác, gồm:

a) Công ty đại chúng, ngoại trừ các công ty đại chúng quy mô lớn quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (trừ các doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Khoản 2 Điều này);

c) Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận

1. Tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng phải có đủ các Điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực;

b) Có vốn Điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam) từ 6 tỷ đồng trở lên và phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 6 tỷ đồng;

c) Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Nghị định này;

d) Có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 24 tháng tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán;

đ) Đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiểu 200 đơn vị được kiểm toán tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký.

Trường hợp tổ chức kiểm toán đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ thì phải có thêm Điều kiện là đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm (hoặc báo cáo soát xét báo cáo tài chính) cho tối thiểu 10 đơn vị có lợi ích công chúng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký;

e) Có hệ thống kiểm soát chất lượng được xây dựng phù hợp với quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;

g) Đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính;

h) Không thuộc các trường hợp không được xem xét, chấp thuận theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

i) Nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán theo quy định tại các Điều 9 và 10 Nghị định này.

2. Tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, ngoài việc phải đáp ứng các Điều kiện quy định tại các Điểm a, b, e, g, h và i Khoản 1 Điều này, phải có đủ các Điều kiện sau đây:

a) Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 15 người trở lên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

b) Có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 36 tháng tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán;

c) Đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiểu 250 đơn vị được kiểm toán tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký.

Trường hợp tổ chức kiểm toán đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ thì phải có thêm Điều kiện là đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm (hoặc báo cáo soát xét báo cáo tài chính) cho tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký.

Điều 6. Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận

Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại Luật kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận phải có các tiêu chuẩn sau:

1. Có tên trong danh sách kiểm toán viên đủ Điều kiện hành nghề kiểm toán trong kỳ chấp thuận được Bộ Tài chính công khai tại thời Điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.

2. Có ít nhất 24 tháng thực tế hành nghề kiểm toán tại Việt Nam tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ Điều kiện hành nghề kiểm toán đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.

Điều 7. Các trường hợp tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được xem xét, chấp thuận

1. Các trường hợp không được xem xét, chấp thuận bao gồm:

a) Tổ chức kiểm toán đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập;

b) Tổ chức kiểm toán không sửa chữa, khắc phục kịp thời các sai phạm theo kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tổ chức kiểm toán có những khiếu kiện về kết quả kiểm toán và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận là có sai phạm;

d) Tổ chức kiểm toán có chất lượng kiểm toán không đạt yêu cầu theo kết quả kiểm tra hoặc kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong năm được xem xét;

đ) Kiểm toán viên hành nghề phụ trách hồ sơ kiểm toán có chất lượng kiểm toán không đạt yêu cầu theo kết quả kiểm tra hoặc kết luận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong năm được xem xét;

e) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề kiểm toán và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong năm được xem xét;

g) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề giả mạo, khai man trong việc kê khai các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán;

h) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không giải trình, giải trình không đạt yêu cầu hoặc không cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán trong thời gian chưa quá 24 tháng kể từ ngày bị hủy bỏ;

k) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.

2. Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm d, đ, g và h Khoản 1 Điều này thì sau 12 tháng, kể từ ngày có kết luận, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, mới được xem xét, chấp thuận.

Điều 8. Xử lý đối với các hợp đồng kiểm toán đã ký trong trường hợp không được chấp thuận

1. Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được chấp thuận trong kỳ nào thì không được tiếp tục thực hiện các hợp đồng kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo khác đã ký và không được ký thêm các hợp đồng kiểm toán mới với đơn vị có lợi ích công chúng trong kỳ đó, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận trong kỳ trước nhưng không được chấp thuận trong kỳ sau thì chỉ được tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm đã ký với đơn vị có lợi ích công chúng trong kỳ sau nếu thỏa mãn tất cả các Điều kiện sau:

a) Đã thực hiện trong kỳ được chấp thuận việc soát xét báo cáo tài chính bán niên cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc đối tượng bắt buộc phải soát xét báo cáo tài chính bán niên;

b) Phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng.

Điều 9. Hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng

1. Đơn đăng ký thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

3. Danh sách kiểm toán viên hành nghề đề nghị chấp thuận, trong đó nêu rõ thời gian (số tháng) thực tế hành nghề kiểm toán tại Việt Nam tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ Điều kiện hành nghề kiểm toán.

4. Báo cáo tình hình tài chính và tình hình hoạt động của tổ chức kiểm toán trong năm trước liền kề, bao gồm:

a) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán;

b) Danh sách báo cáo kiểm toán theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 hoặc Điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định này;

c) Tình hình tổ chức, hoạt động và kinh nghiệm kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán;

d) Các vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính của tổ chức kiểm toán (nếu có);

đ) Các biến động lớn trong năm tài chính ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức kiểm toán (như tăng, giảm thành viên góp vốn; tăng, giảm vốn Điều lệ);

e) Các biến động lớn trong năm liên quan đến kiểm toán viên hành nghề (như tăng, giảm kiểm toán viên hành nghề, các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên hành nghề);

g) Bản mô tả về việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.

5. Bản sao chứng thực hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đang còn hiệu lực trong trường hợp tổ chức kiểm toán không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

6. Trường hợp đăng ký từ lần thứ hai trở đi, tổ chức kiểm toán không phải nộp các tài liệu quy định tại Khoản 2, Điểm c, Điểm g Khoản 4, Khoản 5 Điều này nếu không có thay đổi so với lần đăng ký gần nhất.

Điều 10. Xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề

1. Từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 20 tháng 10 hàng năm, tổ chức kiểm toán nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định này cho Bộ Tài chính để được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Trường hợp tổ chức kiểm toán đăng ký kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì đồng thời nộp 01 bộ hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Trong quá trình xem xét, nếu hồ sơ chưa đúng theo quy định thì trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ cơ quan có thẩm quyền chấp thuận yêu cầu tổ chức kiểm toán hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức kiểm toán phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 05 tháng 11. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận có văn bản thông báo cho tổ chức kiểm toán.

3. Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trước ngày 15 tháng 11 hàng năm trên trang, cổng thông tin điện tử của mình. Tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề có tên trong danh sách này được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán trước ngày 20 tháng 11 hàng năm trên trang, cổng thông tin điện tử của mình. Tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề có tên trong danh sách này được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này.

4. Căn cứ danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận, đơn vị có lợi ích công chúng lựa chọn tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề để ký hợp đồng thực hiện kiểm toán cho đơn vị mình. Danh sách tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng và danh sách tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán được cập nhật khi có quyết định thay đổi của cơ quan có thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).M

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số 84/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN KIỂM TOÁN CHO ĐƠN VỊ CÓ LỢI ÍCH CÔNG CHÚNG

Năm ...

Kính gửi: ……………………………………….

1. Tên Công ty: ...............................................................................................................

2. Địa chỉ: .......................................................................................................................

3. Điện thoại:……………………… Fax:……………………… Email: ..............................

4. Loại hình doanh nghiệp (TNHH, hợp danh, tư nhân) ................................................

5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư) số:……… ngày: ……… do (tên cơ quan): ………… cấp

6. Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán số:……. ngày……… do: ……… cấp

7. Thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam (tính đến ngày nộp đơn): ... tháng

8. Vốn Điều lệ, vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán tại thời Điểm kết thúc năm tài chính gần nhất (hoặc vốn chủ sở hữu thực góp tại thời Điểm đăng ký): ……………

9. Số lượng kiểm toán viên hành nghề đề nghị chấp thuận:... người.

10. Số lượng báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm đã phát hành từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ: ……

Công ty ... có đăng ký thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán không?

□ Có.

□ Không.

Công ty và các kiểm toán viên hành nghề của Công ty có đủ tiêu chuẩn và Điều kiện theo quy định tại Nghị định số .../2016/NĐ-CP ngày .../.../2016 của Chính phủ về tiêu chuẩn, Điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiềm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Các tài liệu gửi kèm theo đơn, gồm:

(1) Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

(2) Danh sách kiểm toán viên hành nghề đề nghị chấp thuận.

(3) Báo cáo tình hình tài chính và tình hình hoạt động kinh doanh của tổ chức kiểm toán trong năm trước, bao gồm:

a) Báo cáo tài chính năm... đã được kiểm toán;

b) Danh sách báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính đã phát hành tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký;

c) Danh sách báo cáo kiểm toán (hoặc báo cáo soát xét) báo cáo tài chính đã phát hành cho đơn vị có lợi ích công chúng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm nộp hồ sơ đăng ký (đối với tổ chức kiểm toán đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ);

d) Tình hình tổ chức, hoạt động và kinh nghiệm kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán;

đ) Các vi phạm pháp luật của tổ chức kiểm toán (nếu có);

e) Các biến động lớn trong năm tài chính ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức kiểm toán;

g) Các biến động lớn trong năm liên quan đến kiểm toán viên hành nghề (do tăng, giảm kiểm toán viên hành nghề, các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên hành nghề...).

h) Bản mô tả về việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng.

(4) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có).

Công ty …… cam kết rằng các thông tin cung cấp trong đơn này và các tài liệu kèm theo là đúng sự thật. Nếu sai Công ty xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

……, ngày ... tháng ... năm ...
Giám đốc Công ty
(Chữ ký, họ và tên, đóng dấu)

Ghi chú: Trường hợp đăng ký từ lần thứ 2 trở đi nếu không có thay đổi thì không phải nộp tài liệu quy định tại Điểm (1), (3d) và (3h).

Decree No. 84/2016/ND-CP dated July 1, 2016, on eligibility requirements for practicing auditors and auditing firms accredited to provide audit services for public interest entities
Văn bản này đang cập nhật Nội dung => Bạn vui lòng "Tải về" để xem.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 84/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


27.986

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.130.149
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!