ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2328/2015/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
10 tháng 08 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
BAN QUẢN LÝ VƯỜN QUỐC GIA BÁI TỬ LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP
ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị
sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP
ngày 16/10/2006, của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; Nghị định
số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống
rừng đặc dụng; Thông tư 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp
và phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP
ngày 24/12/2010;
Căn cứ Quyết định số
85/2001/QĐ-TTg ngày 01/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng khu bảo
tồn thiên nhiên Ba Mùn tỉnh Quảng Ninh thành Vườn quốc gia Bái Tử Long;
Căn cứ Quyết định số
858/2014/QĐ-UBND ngày 06/5/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp
quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ công chức, viên chức cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc
UBND tỉnh Quảng Ninh;
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU
ngày 03/3/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về đổi mới phương thức,
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy,
biên chế”; Quyết định số 1941-QĐ/TU ngày 20/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng
Ninh về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của Ban quản lý
Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Xét đề nghị của Giám đốc Vườn quốc
gia Bái Tử Long tại Tờ trình số 172/TTr-VQG ngày 16/6/2015 và đề nghị Giám đốc
Sở Nội vụ tại Tờ trình số 102/TTr-SNV ngày 27/7/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng:
Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long
là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện chức năng về quản lý, bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên
nhiên về rừng, biển, phát triển và bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên,
nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường kết hợp với các dịch vụ du lịch sinh
thái theo quy định của Chính phủ trong phạm vi ranh giới của Ban quản lý Vườn
quốc gia.
Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long
có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định; chịu sự chỉ
đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời
chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Tổ chức quản lý, bảo vệ tài
nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường của Vườn quốc gia bao gồm: Thực hiện
các biện pháp nhằm phát triển bền vững các nguồn tài nguyên sinh vật, tài
nguyên đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác; thực hiện các
biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn kịp
thời các hành vi xâm hại, phá hoại rừng, biển, cảnh quan và môi trường gây thiệt
hại đến Vườn quốc gia.
2. Lập quy hoạch bảo tồn và phát triển
Vườn Quốc gia bái Tử Long, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và
triển khai thực hiện sau khi được duyệt; tổ chức hệ thống thông tin, lưu trữ,
cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ rừng đặc dụng và kết nối trên toàn quốc theo quy định.
3. Khôi phục, bảo tồn và phát triển
các hệ sinh thái rừng, biển; bảo tồn tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia; bảo
tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa trong quần thể danh thắng Vịnh Bái Tử Long.
4. Phối hợp với các cấp chính quyền địa
phương và các cơ quan chức năng trong việc: Quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng,
tài nguyên biển; lập dự án đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng nông
thôn trên địa bàn vùng đệm để ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư, đồng thời
thiết lập quy chế trách nhiệm của cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình trong việc
bảo vệ, bảo tồn Vườn quốc gia; tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia
các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và tài nguyên tự nhiên,
các dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập, gắn sinh kế của người
dân với các hoạt động của Vườn quốc gia.
5. Tổ chức nghiên cứu khoa học khu hệ
thực vật rừng, khu hệ thực vật biển, khu hệ động vật rừng, khu hệ động vật biển
(nhất là các loài động, thực vật quý hiếm) nhằm bảo tồn và phát triển các loài
động, thực vật của Vườn quốc gia theo đúng các quy định về nghiên cứu khoa học
trong các khu rừng đặc dụng.
6. Tìm kiếm, lựa chọn các tổ chức và
cá nhân trong và ngoài nước hợp tác, tài trợ, đầu tư xây dựng, nghiên cứu khoa
học tại Vườn quốc gia báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo
đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
7. Phối hợp với các ngành có liên
quan: Xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án trên nguyên tắc không làm ảnh
hưởng xấu đến hệ sinh thái và tài nguyên rừng, biển; không làm thay đổi cảnh
quan thiên nhiên và môi trường của Vườn quốc gia; tạo nguồn thu để đầu tư cho
công tác quản lý, bảo vệ rừng, biển và phát triển Vườn quốc gia.
8. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền
giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng, biển, môi trường, cảnh
quan thiên nhiên cho cộng đồng dân cư đang sinh sống trong Vườn quốc gia và
vùng đệm.
9. Tổ chức triển khai thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ của dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Bái Tử Long theo Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự
án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Bái Tử Long.
10. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên
chế, cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật
và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
11. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy
định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế:
1. Lãnh đạo Ban gồm: Giám đốc và các
Phó Giám đốc.
Giám đốc là người đứng đầu Ban, chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động
của Ban. Phó Giám đốc là người giúp việc Giám đốc, phụ trách một hoặc một số
lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước
pháp luật về các lĩnh vực công tác được giao.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và
Phó Giám đốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chức
danh và quy trình quy định hiện hành.
2. Cơ cấu tổ chức:
a) Các phòng chuyên môn, tổ chức trực
thuộc:
- Văn phòng;
- Phòng Bảo tồn
biển, đất ngập nước;
- Phòng Khoa học
và Hợp tác quốc tế;
- Hạt kiểm lâm.
b) Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm
Dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia
Bái Tử Long quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ phối hợp
công việc của các tổ chức trực thuộc và quy định trách nhiệm của người đứng đầu
các tổ chức trực thuộc Ban theo quy định của pháp luật.
3. Biên chế: Biên chế, số lượng người
làm việc của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long được giao trên cơ sở vị trí
việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên
chế, tổng số lượng người làm việc của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự
nghiệp công lập của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4006/QĐ-UBND ngày 14/12/2006 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử
Long, Thủ trưởng các ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Long
|