ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1392/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
14 tháng 04 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM NUÔI DƯỠNG
NGƯỜI TÂM THẦN HOÀI NHƠN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số
103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt
động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Quyết định số
368/QĐ-UBND ngày 03/02/2016 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 46/TTr-SLĐTBXH ngày 03/3/2020
và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 227/TTr-SNV ngày 10/4/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và
hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và
bãi bỏ các quy định liên quan trái với Quyết định này.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ,
Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Trung tâm
Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K12, K20.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN
HOÀI NHƠN
(Kèm theo Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 14/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị
trí, chức năng
1. Trung tâm Nuôi dưỡng người
tâm thần Hoài Nhơn (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có tư cách pháp nhân, có trụ sở,
con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của
pháp luật, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về chuyên môn, nghiệp
vụ, tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh
tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bảo trợ xã hội trực thuộc Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo quy định
của pháp luật.
2. Trung tâm thực hiện chức
năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần và cung cấp các dịch
vụ công tác xã hội (phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi và phát triển) cho cá nhân,
gia đình, nhóm và cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở Trung tâm đặt tại
thôn Phụng Du 1, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Điều 2.
Nhiệm vụ
1. Xây dựng kế hoạch, dự án, đề
án, chương trình hoạt động dài hạn, ngắn hạn và hằng năm phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ của Trung tâm và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
2. Tiếp nhận, quản lý, trợ
giúp, nuôi dưỡng và chăm sóc y tế cho người bị tâm thần phân liệt (mức độ khuyết
tật đặc biệt nặng), đã qua điều trị dài ngày, được cơ quan y tế có thẩm quyền
giám định là mãn tính và có hành vi nguy hiểm cho xã hội; người mắc bệnh tâm thần
lang thang, không nơi cư trú được tập trung theo Đề án giải quyết tình trạng
người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
3. Tiếp nhận, nuôi dưỡng người
tâm thần tự nguyện đóng góp kinh phí (Đề án xã hội hóa).
4. Nâng cao nhận thức cộng đồng
và cung cấp các dịch vụ xã hội: Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền;
thực hiện công tác tư vấn, tham vấn cho đối tượng, nhóm đối tượng, gia đình tại
Trung tâm và cộng đồng.
5. Tổ chức hoạt động phục hồi
chức năng, lao động trị liệu; trợ giúp người tâm thần trong các hoạt động tự quản,
văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của từng
nhóm đối tượng.
6. Tạo điều kiện cho người tâm
thần đủ điều kiện hoặc thân nhân gia đình tự nguyện xin ra khỏi Trung tâm trở về
với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
7. Cung cấp dịch vụ về công tác
xã hội đối với người tâm thần đang nuôi dưỡng tại Trung tâm và hỗ trợ việc chăm
sóc người bệnh tâm thần tại gia đình và cộng đồng.
8. Quản lý tổ chức bộ máy, biên
chế, nhân lực, thực hiện các chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động
thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp quản
lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
9. Quản lý, sử dụng nhà đất,
tài chính, tài sản, cơ sở vật chất và trang thiết bị, ngân sách được phân bổ và
nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
Điều 3.
Quyền hạn
1. Được tổ chức vận động các
đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ vật chất và tinh thần cho người tâm
thần tại Trung tâm theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện các hoạt động dịch
vụ có thu sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, SỐ LƯỢNG
NGƯỜI LÀM VIỆC VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
Điều 4. Cơ
cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm: Giám đốc
và không quá 02 Phó Giám đốc.
a) Giám đốc là người đứng đầu
Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
b) Phó Giám đốc là người được
Giám đốc phân công phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm
trước Giám đốc về lĩnh vực công tác được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một
Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Trung tâm và chịu
trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về kết quả điều hành của mình.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm,
điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện
các chế độ chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của
pháp luật và theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp
vụ
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Nghiệp vụ;
c) Phòng Y tế;
d) Phòng Chăm sóc - Nuôi dưỡng;
đ) Phòng Tư vấn sức khỏe tâm thần.
3. Việc thành lập mới, sáp nhập,
chia tách, giải thể, đổi tên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm do
Giám đốc Trung tâm quyết định trên cơ sở đề án được Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội phê duyệt.
4. Giám đốc Trung tâm quy định
cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và trách nhiệm của
người đứng đầu của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm.
Điều 5. Số
lượng người làm việc
1. Số lượng người làm việc của
Trung tâm được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm
vụ, khối lượng công việc được giao và do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội quyết định trong tổng số lượng người làm việc của Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội được UBND tỉnh phê duyệt. Việc bố trí số lượng người làm việc phải
đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp vị trí việc làm, chức danh chuyên môn và tỉ lệ
viên chức lãnh đạo, hành chính không vượt quá 35% so với tổng số biên chế được
giao cho đơn vị.
2. Hằng năm, căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, Trung tâm xây dựng kế hoạch điều chỉnh số lượng người làm việc theo
khối lượng công việc, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện
nhiệm vụ được giao.
3. Việc tuyển dụng, quản lý, sử
dụng biên chế và hợp đồng lao động thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước
và theo Bộ luật Lao động.
Điều 6. Cơ
chế tài chính
1. Trung tâm thực hiện cơ chế tự
chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016
của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực
sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
2. Trung tâm có trách nhiệm quản
lý, sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm, chống tham nhũng,
chống lãng phí và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kế toán theo quy định hiện
hành của Nhà nước.
Chương
III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Chế
độ làm việc
1. Trung tâm làm việc theo chế
độ Thủ trưởng.
2. Giám đốc Trung tâm phân công
và quy định trách nhiệm giải quyết công việc của Phó Giám đốc, Trưởng các phòng
chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm.
Điều 8. Mối
quan hệ công tác
1. Đối với Cục Bảo trợ xã hội
trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Trung tâm có mối quan hệ phối hợp
chặt chẽ để triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác của Trung tâm
trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của Cục Bảo
trợ xã hội về chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp công tác chuyên ngành.
2. Đối với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội:
a) Trung tâm chịu sự quản lý trực
tiếp và toàn diện của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Giám đốc
Trung tâm có trách nhiệm báo cáo với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
về chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, quý, tháng và kết quả thực hiện để
theo dõi và chỉ đạo.
b) Trung tâm có mối quan hệ phối
hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao và theo Quy chế làm việc
của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Đối với Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố: Trung tâm phối hợp tổ chức
thực hiện thông tin về hoạt động hỗ trợ, cung cấp dịch vụ xã hội về chăm sóc, bảo
vệ và hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho người tâm thần. Khi người tâm
thần đủ điều kiện hoặc gia đình tự nguyện bảo lãnh về sống thử tại cộng đồng,
tham gia cùng địa phương để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan: Trung tâm có trách nhiệm quan hệ phối hợp chặt chẽ, tạo điều
kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hoàn thành
tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9.
Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Trung tâm chịu
trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Trung tâm theo đúng
Quy chế này và các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến hoạt động của
Trung tâm.
2. Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện
Quy chế này đối với Trung tâm.
Điều 10. Sửa
đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy
chế, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Trung
tâm có trách nhiệm báo cáo đề xuất Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
trình Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho
phù hợp./.