ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2022/QĐ-UBND
|
Yên
Bái, ngày 05 tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIẾP CÔNG DÂN CỦA CƠ QUAN TRỰC THUỘC CƠ QUAN
CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUÔC ỦY BAN NHÂN
DÂN CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày
18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11
tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tố cáo ngày 12 tháng 6
năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5
năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP
ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Tiếp công dân;
Căn cứ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP
ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Khiếu nại;
Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày
10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ
chức thi hành Luật Tố cáo;
Căn cứ Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy
trình tiếp công dân;
Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP
ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn
khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 06/TTr-TTr
ngày 29 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiếp
công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Yên
Bái.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 4 năm 2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ
trưởng cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Yên
Bái; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh Yên
Bái và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái (đăng tải);
- Các Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCD(V), NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Huy Tuấn
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TIẾP CÔNG DÂN CỦA CƠ QUAN TRỰC THUỘC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
VÀ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Kèm theo Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND
ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Yên Bái)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quyết định này quy định về tiếp
công dân của các cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái
gồm:
a) Các Chi cục và tổ chức tương đương
(cơ quan hành chính nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng) trực
thuộc sở và cơ quan ngang sở;
b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện gồm: các phòng và cơ quan tương đương phòng thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện (không bao gồm Văn phòng cấp ủy và chính quyền cấp huyện).
2. Các nội dung về tiếp công dân
không được quy định tại Quy định này thì thực hiện theo Luật Tiếp công dân năm
2013, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu và công chức trong các cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Công dân, cơ quan, tổ chức, cá
nhân đến trực tiếp hoặc gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi
tiếp công dân.
Điều 3. Nguyên
tắc tiếp công dân
1. Việc tiếp công dân phải tuân thủ
quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Tiếp công dân, Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
2. Việc tiếp công dân phải được tiến hành
tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Việc tiếp công dân phải bảo đảm
công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục theo quy định, thuận tiện; giữ bí mật và
bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách
quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử
trong khi tiếp công dân.
4. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi
cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định
của pháp luật.
5. Người tiếp công dân được từ chối
tiếp người đến nơi tiếp công dân đối với các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật
Tiếp công dân.
Chương II
TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 4. Địa điểm
tiếp công dân
Người đứng đầu cơ quan trực thuộc cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện căn cứ vào điều kiện trụ sở của cơ quan mình để bố trí địa
điểm tiếp công dân theo đúng quy định tại Điều 19 Luật Tiếp công dân và Khoản 2
Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ Quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.
Điều 5. Bố trí
người tiếp công dân
Người đứng đầu cơ quan trực thuộc cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện căn cứ vào đội ngũ công chức do mình quản lý trực tiếp để
phân công nhiệm vụ cho công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên
môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có
khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, có trách nhiệm đối với
nhiệm vụ được giao để thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm
tiếp công dân. Việc phân công nhiệm vụ tiếp công dân phải thực hiện bằng văn bản.
Điều 6. Hình thức
tiếp công dân
1. Tiếp công dân thường xuyên
Cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn
vị mình trong giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần.
2. Tiếp công dân định kỳ, đột xuất
a) Người đứng đầu cơ quan trực thuộc
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện tiếp công dân định kỳ mỗi tháng ít nhất 01 (một) ngày. Nếu
ngày tiếp công dân định kỳ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì việc tiếp công dân được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
b) Ngoài việc tiếp công dân định kỳ,
người đứng đầu cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tiếp công dân đột
xuất trong các trường hợp sau:
- Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều
người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc
ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét
kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản
của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng
đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
- Tiếp công dân theo yêu cầu, đề nghị
của cấp có thẩm quyền.
Điều 7. Quy trình
tiếp công dân
Thực hiện theo Thông tư số
04/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
Quy trình tiếp công dân và một số quy định như sau:
1. Khi công dân đến khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo
quy định, trừ các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân; yêu cầu
công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu,
giấy ủy quyền (nếu có). Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân
phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp
luật về tố cáo.
2. Trường hợp công dân đến khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn. Trường hợp công dân không thể tự viết
đơn thì người tiếp công dân phải ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung
trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày
thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác
nhận vào văn bản.
3. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình
thì người tiếp công dân tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, chứng cứ có
liên quan để xử lý theo quy định của
pháp luật.
4. Trường hợp ý kiến trình bày trực tiếp
của công dân về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm
quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình thì người tiếp công dân hướng dẫn
công dân viết đơn gửi đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cấp dưới trực tiếp,
nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân tiếp
nhận đơn, báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình giải quyết hoặc đề nghị Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
6. Trường hợp công dân trình bày nhiều
nội dung vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh
thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
7. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc hướng dẫn công dân viết đơn phải
được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc được nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tiếp
công dân.
Điều 8. Trách nhiệm
của người tiếp công dân
1. Khi tiếp công dân, người tiếp công
dân phải bảo đảm trang phục gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu,
đeo thẻ công chức theo quy định; sử dụng trang phục ngành, biển tên, cầu vai, cấp hàm (nếu có)
đúng quy định; có tư thế, tác phong nghiêm túc, lịch sự.
2. Có thái độ đúng mực, tôn trọng
công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc
ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
3. Giải thích, hướng dẫn cho người đến
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ
trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có
hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
4. Trực tiếp xử lý hoặc phân loại,
chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công
dân.
5. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi
tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản
về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự
phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
Điều 9. Trách nhiệm
của Thủ trưởng cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Ban hành nội quy, quy chế tiếp
công dân; bố trí địa điểm thuận lợi, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp
công dân; phân công công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên; thực hiện
đúng chính sách, chế độ đãi ngộ đối với người tiếp công
dân theo quy định; bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân của cơ
quan, đơn vị mình.
2. Phải trực tiếp tiếp công dân theo
quy định để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc
thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công
dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
3. Việc tiếp công dân của người đứng
đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp
công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý
công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân. Ý kiến chỉ đạo của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân phải được lập thành văn bản và gửi cho các
cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu,
nội dung chỉ đạo; ấn định thời gian giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật
và cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải quyết phải gửi kết quả giải quyết
cho công dân được biết.
4. Tiếp nhận, xử lý và chỉ đạo giải quyết
kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền
giải quyết của mình hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị cấp dưới
trực tiếp, nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết theo quy định của
pháp luật.
5. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các
cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực hiện các quy định
của pháp luật về công tác tiếp công dân.
Chương III
TRÁCH NHIỆM TIẾP,
XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH ĐÔNG NGƯỜI VÀ ĐIỀU KIỆN
ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 10. Tiếp và
xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một
nội dung và nhiều nội dung
1. Trường hợp có nhiều người cùng khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại địa điểm tiếp công dân thì
người tiếp công dân yêu cầu những người này cử đại diện để trình bày, ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản ghi nhận nội dung
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đại diện phải là người khiếu nại,
người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh.
Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì
cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm
người đại diện, nhưng không quá 05 người.
2. Trường hợp nhiều người cùng đến
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung khác nhau thì người tiếp
công dân tiếp lần lượt từng người theo từng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh của công dân.
Điều 11. Tiếp và
xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp
gây mất an ninh trật tự
1. Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh phức tạp có nhiều người tham gia gây mất an ninh, trật tự tại
địa điểm tiếp công dân thì người tiếp công dân phải nhanh chóng nắm bắt tình
hình, nội dung cơ bản vụ việc, các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan và
những yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; báo cáo và xin
ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị Công
an địa phương (nơi đặt địa điểm tiếp công dân) phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự;
xử lý người có hành vi vi phạm; tổ chức tiếp công dân theo quy định.
2. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều người tham gia đã được các cấp có thẩm quyền
giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng công dân vẫn khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh đến cấp cao hơn thì người tiếp công dân có trách nhiệm báo cáo
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị cơ quan, đơn vị nơi có
thẩm quyền giải quyết trước đó và chính quyền địa phương có công dân khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh cử người phối hợp để giải thích, vận động, thuyết
phục công dân.
3. Khi nhận được đề nghị của Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp công dân thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được
đề nghị có trách nhiệm cử người phối hợp thực hiện theo quy định tại khoản 1,
khoản 2 Điều này.
Điều 12. Chính
sách chế độ đối với người tiếp công dân
1. Người làm công tác tiếp công dân,
xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng chế độ bồi dưỡng theo
quy định tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công
dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Nghị quyết số
56/2021/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái quy
định về mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn
bản quy phạm pháp luật; công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý
vi phạm hành chính; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận
pháp luật của người dân tại cơ sở; thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; bồi dưỡng
đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các chính sách khác theo quy định của từng cơ quan, đơn vị.
2. Thủ trưởng cơ quan trực thuộc cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán kinh phí hàng năm đối
với công tác tiếp dân theo quy định. Đồng thời, tạo điều kiện cho người làm nhiệm
vụ tiếp công dân tham gia các lớp tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách
nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng cơ quan trực thuộc cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện Quy định này.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo
thực hiện đúng theo nội dung của Quy định này và thường xuyên theo dõi, kiểm
tra các cơ quan thuộc quyền quản lý của mình thực hiện việc tiếp công dân, xử
lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đồng thời, chịu trách nhiệm báo
cáo định kỳ và đột xuất kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh về Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh theo quy
định.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện
Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, địa phương, đơn vị kịp
thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh và Ban Tiếp công dân tỉnh)
để xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp./.