THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2024/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ MỨC HỖ TRỢ XÂY
DỰNG MỚI HOẶC CẢI TẠO, SỬA CHỮA NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, THÂN
NHÂN LIỆT SĨ VÀ TỶ LỆ PHÂN BỔ VỐN HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG, TỶ LỆ ĐỐI ỨNG
VỐN HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất
động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 29
tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách
mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu
đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08 tháng
8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức hỗ
trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách
mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ
lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định mức hỗ trợ để thực hiện xây
dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân
nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng
vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm:
1. Hộ gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 99
Nghị định số 131/2021/NĐ-CP hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là
nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính
sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số
22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người
có công với cách mạng về nhà ở).
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo,
sửa chữa nhà ở
Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung
ương và ngân sách địa phương) với mức sau:
1. Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây
mới nhà ở.
2. Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải
tạo, sửa chữa nhà ở.
Điều 4. Tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách
trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương
Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân
sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành
giai đoạn 2022 - 2025 theo nguyên tắc:
1. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân
sách địa phương được thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách trung ương
và khả năng cân đối ngân sách từng địa phương; đồng thời yêu cầu các địa phương
trong quá trình triển khai thực hiện dự toán ngân sách phấn đấu tăng thu, tiết kiệm
chi ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các
chính sách an sinh xã hội. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa:
a) 100% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa
phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương;
b) 80% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa
phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ
20% trở xuống;
c) 50% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa
phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ
trên 20% đến 60%;
d) Các địa phương còn lại do ngân sách địa phương
đảm bảo. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Cơ sở xác định địa phương nhận bổ sung cân đối
ngân sách từ ngân sách trung ương, địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu
phân chia về ngân sách trung ương: Giai đoạn 2023 - 2025, xác định theo dự toán
năm 2023 được Quốc hội quyết định.
Điều 5. Nguồn vốn thực hiện
1. Ngân sách nhà nước, gồm: Ngân sách trung ương hỗ
trợ từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đối
ứng.
2. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước,
tùy tình hình điều kiện thực tế, các địa phương có thể huy động các nguồn vốn hợp
pháp khác (ngân sách địa phương, xã hội hoá, dòng họ...) và đóng góp của hộ gia
đình được hỗ trợ để nâng cao mức hỗ trợ.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định này;
b) Đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổng hợp tình hình
thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
c) Kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và biện
pháp xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan phát sinh trong quá trình thực
hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
d) Tổng kết việc thực hiện Quyết định giai đoạn
2023 - 2025.
2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí vốn ngân sách trung ương
hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương theo đúng tỷ lệ và mức hỗ trợ
của Quyết định này;
b) Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán,
quyết toán nguồn vốn hỗ trợ của Quyết định này;
c) Xác định tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách
trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương của Quyết định này.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội cân đối, bố trí vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định này.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức, chỉ đạo các sở ngành, cơ quan có liên
quan, triển khai thực hiện theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP
và Quyết định này;
b) Bố trí nguồn vốn đối ứng theo quy định của Quyết
định này;
c) Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ một lần vào
cuối mỗi Quý gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
d) Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết
định này trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2025 và gửi văn bản
báo cáo tổng kết về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng
kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09
tháng 01 năm 2025 đến ngày 31 tháng 12 năm 2025.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|