BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3735/QĐ-BHXH
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC HỆ
THỐNG HẠ TẦNG THÔNG TIN TRONG NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Luật Công nghệ thông
tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật An toàn thông
tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng
ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định
89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số
64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng Công
nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược
phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định
hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-BHXH
ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành lập
Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số
345/QĐ-BHXH ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
thành lập đội ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành Bảo hiểm xã hội
Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số
2358/QĐ-BHXH ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt
Nam phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phiên
bản 2.0;
Theo đề nghị của Giám đốc
Trung tâm Công nghệ thông tin.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, triển
khai, vận hành và khai thác hệ thống hạ tầng thông tin trong ngành Bảo hiểm xã
hội Việt Nam.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay
thế Quyết định số 3582/QĐ-BHXH ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Tổng Giám đốc Bảo
hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy định về quản lý hoạt động công nghệ thông tin
trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 3.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Chánh Văn
phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội
Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, CNTT.
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thế Mạnh
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC HỆ THỐNG HẠ TẦNG
THÔNG TIN TRONG NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3735/QĐ-BHXH ngày 29 tháng 12 năm 2022 của
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về việc
quản lý, triển khai, vận hành và khai thác hệ thống hạ tầng thông tin tại các
đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố
(sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh) trực thuộc trung ương, Bảo hiểm xã hội
huyện, quận, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội huyện) trực thuộc
Bảo hiểm xã hội tỉnh (sau đây gọi chung là các đơn vị).
2. Các công chức, viên chức và
lao động hợp đồng trực thuộc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia khai thác,
sử dụng hệ thống hạ tầng thông tin chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ và từ viết tắt
1. Giải thích từ ngữ
a) Hệ thống hạ tầng thông tin
là tập hợp trang thiết bị (máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị bảo
mật, máy trạm, máy tính xách tay, các thiết bị đầu cuối), đường truyền dẫn kết nối
phục vụ chung hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
b) Hệ thống thông tin là tập hợp
phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập,
cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên mạng.
c) Người dùng là người sử dụng
hệ thống hạ tầng thông tin.
d) LAN (Local Area Network): Hệ
thống mạng nội bộ được thiết kế để kết nối các máy tính, mạng không dây trong một
phạm vi nhỏ.
đ) WAN (Wide Area Network): Hệ
thống mạng diện rộng được thiết kế để kết nối, truyền dữ liệu giữa BHXH tỉnh với
các BHXH huyện và giữa BHXH tỉnh với BHXH Việt Nam.
e) VPN (Virtual Private
Network): Mạng riêng ảo là cấu phần thuộc hạ tầng truyền thông kết nối máy tính
của cán bộ BHXH khi đi công tác, làm việc bên ngoài cơ quan vào hệ thống mạng nội
bộ của đơn vị qua đường truyền Internet, nhằm phục vụ truy cập vào các hệ thống
thông tin để làm việc từ xa.
g) Thiết bị mạng là thiết bị định
tuyến, chuyển mạch, proxy, cân bằng tải, tường lửa, tối ưu mạng...
h) Hạ tầng truyền thông là thiết
bị mạng, đường truyền dữ liệu phục vụ kết nối mạng LAN, Wifi, WAN, Internet,
VPN.
i) Thiết bị công nghệ thông tin
là các thiết bị bao gồm máy tính (máy chủ, máy trạm), thiết bị kết nối mạng,
thiết bị bảo đảm an toàn thông tin, máy in, máy quét, các thiết bị ngoại vi
khác đấu nối trực tiếp vào máy tính qua giao diện kết nối mạng, USB và phần mềm
hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ được cài đặt
trên máy tính.
k) Bộ phận công nghệ thông tin
là đơn vị tổ chức thực hiện quản lý, triển khai, vận hành hệ thống hạ tầng
thông tin tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh và BHXH huyện hoặc
người thực hiện việc quản lý, triển khai, vận hành hệ thống hạ tầng thông tin
trong ngành BHXH Việt Nam theo vị trí việc làm công nghệ thông tin thuộc các
đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh và BHXH huyện.
l) Quản trị viên (chuyên trách
hoặc kiêm nhiệm) là người quản trị mạng, quản trị hệ thống, quản trị cơ sở dữ
liệu, quản trị phần mềm, quản trị hạ tầng tại các Bộ phận Công nghệ thông tin.
m) Phòng máy chủ là phòng máy
chủ tại BHXH tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hoặc khu vực đặt các thiết
bị mạng tại BHXH huyện.
2. Từ ngữ viết tắt
a) BHXH: Bảo hiểm xã hội.
b) CNTT: Công nghệ thông tin.
c) ATTT: An toàn thông tin
d) CCVC: Công chức, viên chức
và lao động hợp đồng.
đ) SSO (Single Sign On): Đăng
nhập một lần.
e) AD (Active Directory): Hệ thống
quản lý tập trung dữ liệu người dùng.
Chương II
QUẢN LÝ HỆ THỐNG HẠ TẦNG
THÔNG TIN
Điều 3.
Yêu cầu về an toàn thông tin
Hệ thống thông tin phải được
thường xuyên giám sát, theo dõi bảo đảm các nguyên tắc về ATTT trong hệ thống
bao gồm:
1. Tính bí mật: Các thông tin
cá nhân của người dùng như thư điện tử, dữ liệu trên thư mục người dùng phải được
bảo đảm bí mật. Thông tin cá nhân không thể bị tiếp cận bởi những người không
có thẩm quyền.
2. Tính nguyên vẹn: Thông tin
chỉ có thể bị sửa đổi, xóa hoặc bổ sung bởi cá nhân chủ sở hữu thông tin.
3. Tính sẵn sàng: Thông tin
luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.
4. Tính không thể phủ nhận: Người
khởi tạo thông tin không thể phủ nhận trách nhiệm đối với thông tin do mình tạo
ra.
5. Tính xác thực: Xác định được
nguồn gốc của thông tin.
Điều 4. Quản
lý mật khẩu
1. Lãnh đạo Bộ phận CNTT có
trách nhiệm tiếp nhận mật khẩu quản trị hệ thống sau khi hệ thống được triển
khai lần đầu và bàn giao cho Quản trị viên có biên bản kèm theo.
2. Quản trị viên phải đổi mật
khẩu ngay sau khi tiếp nhận và báo cáo lãnh đạo Bộ phận CNTT, lưu vào nơi an
toàn (cho vào phong bì, để vào tủ có khóa). Việc đổi mật khẩu quản trị hệ thống
phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
3. Mật khẩu tài khoản người
dùng phải được giữ bí mật và chỉ bàn giao cho đúng người đăng ký tài khoản đó.
4. Mật khẩu phải đảm bảo độ phức
tạp về độ dài, nội dung và thời gian sử dụng:
a) Độ dài của mật khẩu:
- Đối với mật khẩu của người
dùng (sử dụng đăng nhập hệ thống, thư điện tử, ứng dụng nghiệp vụ, Internet,
máy tính cá nhân): Độ dài tối thiểu là 8 ký tự.
- Đối với mật khẩu quản trị hệ
thống (sử dụng cho việc quản trị các hệ thống mạng, bảo mật, máy chủ, thư điện
tử, ứng dụng nghiệp vụ): Độ dài tối thiểu là 12 ký tự.
b) Nội dung mật khẩu:
- Nội dung của mật khẩu không
bao gồm các từ dễ nhớ như tên, ngày sinh, số điện thoại.
- Nội dung mật khẩu quản trị hệ
thống phải bao gồm, kết hợp các loại sau: chữ cái in thường, chữ cái in hoa, ký
tự đặc biệt, số.
c) Thời gian sử dụng mật khẩu:
- Đối với mật khẩu của người
dùng: thay đổi định kỳ tối thiểu một lần trong 6 tháng.
- Đối với mật khẩu quản trị hệ
thống: thay đổi định kỳ tối thiểu một lần trong 3 tháng.
Điều 5. Kiểm
soát truy nhập và xác thực người dùng
1. Hệ thống AD
a) Việc quản lý, xác thực được
người dùng truy nhập trên hệ thống AD bảo đảm đầy đủ thông tin người dùng hệ thống
bao gồm họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, số điện thoại.
b) Cấp phát quyền truy cập, sử
dụng và khai thác ứng dụng, tài nguyên trên mạng phải bảo đảm chặt chẽ, đúng mục
đích sử dụng. Mỗi người dùng chỉ được cấp một tài khoản và được phân quyền đủ để
thực hiện nhiệm vụ được phân công.
c) Kiểm tra và loại bỏ kịp thời
tài khoản của người dùng đã chuyển công tác, nghỉ hưu, hết hạn sử dụng hoặc
không còn làm việc tại đơn vị trên hệ thống và cập nhật trên các tài liệu liên
quan.
d) Tạm dừng quyền sử dụng đối với
tài khoản của người dùng đã được đăng ký trên hệ thống nhưng không có hoạt động
từ 30 ngày trở lên.
đ) Giới hạn số lần cho phép
đăng nhập liên tục vào hệ thống là 5 lần. Sau 5 lần không đăng nhập thành công,
tài khoản sẽ bị khóa trong 30 phút.
e) Phát hiện và xử lý kịp thời
những trường hợp người dùng truy nhập bất hợp pháp hoặc thao tác vượt quá giới
hạn được giao.
2. Hệ thống SSO
a) Mỗi cá nhân được cấp một tài
khoản hệ thống SSO có định dạng theo nguyên tắc: Tên người dùng (không dấu) + họ
(viết tắt) + tên đệm (viết tắt) + @ + tên miền (vss.gov.vn) hoặc tên người dùng
(không dấu) + họ (viết tắt) + tên đệm (viết tắt) + @ + tên tỉnh (không dấu, viết
liền).tên miền (vss.gov.vn). Trường hợp tài khoản đã tồn tại trong hệ thống thì
bổ sung chỉ số (1, 2...) sau phần tên tài khoản (trước ký tự @). Trường hợp đặc
biệt phải báo cáo và thực hiện theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
b) Tài khoản hệ thống SSO sử dụng
để truy cập phần mềm nghiệp vụ, phần mềm nội bộ và được tích hợp với hộp thư điện
tử công vụ của Ngành.
c) Tài khoản cấp phát cho người
dùng phải thực hiện theo quy trình và được sự phê duyệt của Giám đốc BHXH tỉnh.
Người dùng thực hiện đăng nhập để thay đổi mật khẩu ngay khi được cấp tài khoản.
d) Sau 5 lần không đăng nhập thành
công, tài khoản sẽ bị khóa, phải liên hệ Quản trị viên để mở khóa.
đ) Thường xuyên kiểm tra, đánh
giá việc sử dụng tài khoản của cá nhân, tổ chức trong công việc. Hằng quý thống
kê danh sách cá nhân, tổ chức đang sử dụng tài khoản gửi về Trung tâm CNTT để tổng
hợp, rà soát.
Điều 6. Hệ
thống mạng nội bộ
1. Hệ thống mạng LAN tại BHXH
Việt Nam, BHXH tỉnh, BHXH huyện phải đảm bảo hiệu năng cho các ứng dụng, khả
năng sẵn sàng và có các giải pháp để đảm bảo an toàn hệ thống.
2. Hệ thống mạng LAN phải bảo đảm:
a) Diện tích chỗ làm việc từ
7-10m2 có tối thiểu một nút mạng (≥ 1Gbps) cho một người dùng, mỗi phòng làm việc
có tối thiểu 01 nút mạng cho máy in. Số lượng nút mạng (không kể số nút mạng
cho máy in và các thiết bị mạng khác) trong mỗi phòng bảo đảm dự phòng 10% tổng
số người dùng (tối thiểu 01 nút mạng dự phòng) tại thời điểm thiết kế. Các nút
mạng phải được lọc qua mô đun chống sét lan truyền theo tiêu chuẩn.
b) Hệ thống mạng hoạt động liên
tục, nhanh, ổn định và an toàn, đáp ứng được yêu cầu về thông lượng cho các ứng
dụng nghiệp vụ, hệ thống.
c) Có các giải pháp kiểm soát
việc truy cập mạng bảo đảm các quy định về ATTT.
d) Tuân thủ các tiêu chuẩn về bấm
dây, dán nhãn, chuẩn cáp mạng, cách thức đi dây, đấu nối, phân bổ nút mạng. Dây
mạng, dây điện không chồng chéo lên nhau, và phải được bảo vệ khỏi sự phá hoại
hoặc can thiệp trái phép. Hạn chế đi dây mạng xuyên qua những khu vực công cộng.
đ) Việc thiết kế lắp đặt phải bảo
đảm tính thẩm mỹ, kinh tế, khả năng mở rộng, thuận tiện trong quản lý, sử dụng
và khắc phục sự cố.
3. Hệ thống tủ mạng, dây mạng
phải được định kỳ bảo trì, tối thiểu một lần trong 6 tháng.
4. Khi lập dự toán xây dựng trụ
sở mới của các đơn vị phải bao gồm kinh phí cho việc thiết kế, thi công mạng
LAN.
5. Bộ phận CNTT có trách nhiệm
xây dựng yêu cầu kỹ thuật mạng LAN làm cơ sở thuê đơn vị tư vấn, thi công thực
hiện.
6. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật mạng
của các đơn vị phải bao gồm: tài liệu khảo sát và phân tích hiện trạng, tài liệu
thiết kế chi tiết. Nội dung tài liệu thiết kế chi tiết gồm: mô tả cách thiết kế;
dự trù vật tư thiết bị; bản vẽ sơ đồ thiết kế; danh sách nút mạng phân bổ theo
phòng; hồ sơ chi tiết của các nút mạng; mô tả phương án thi công.
7. Hồ sơ thiết kế mạng LAN của
các đơn vị phải được phê duyệt của cấp có thẩm quyền sau khi có kết quả thẩm định
thiết kế kỹ thuật của Trung tâm CNTT.
8. Thời hạn phê duyệt hồ sơ thiết
kế mạng LAN của các đơn vị là 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ Hồ sơ
thiết kế mạng.
9. Bộ phận CNTT có trách nhiệm
phối hợp giám sát việc thi công và nghiệm thu kỹ thuật mạng LAN bảo đảm tuân thủ
thiết kế đã được phê duyệt.
10. Bộ phận CNTT có trách nhiệm
lưu trữ 01 bộ hồ sơ thiết kế mạng, hồ sơ hoàn công, nghiệm thu mạng LAN.
Điều 7. Hệ
thống phòng chống mã độc
1. Duy trì, vận hành hệ thống
phòng chống mã độc giảm thiểu tối đa tác hại của việc lây lan, tấn công của các
loại mã độc và ngăn chặn kịp thời sự bùng nổ mã độc trong hệ thống mạng.
2. Tất cả các máy chủ, máy trạm
tại các đơn vị trong toàn Ngành phải được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc của
Ngành trang bị. Đối với các thiết bị chưa được cập nhật phiên bản mới nhất thì
không được kết nối vào mạng. Bộ phận CNTT có trách nhiệm cài đặt, cập nhật
phiên bản mới của phần mềm phòng chống mã độc cho toàn bộ người dùng trong cơ
quan.
3. Phần mềm phòng chống mã độc
phải luôn được cập nhật kịp thời các bản vá, các mẫu mã độc mới và phải được đặt
ở chế độ quét thường xuyên, quét khi có kết nối với các thiết bị ngoại vi (usb,
ổ cứng cắm ngoài,…).
4. Những máy tính được phát hiện
có mã độc phải được tách khỏi mạng và kịp thời xử lý tránh lây nhiễm sang các
máy tính khác.
5. BHXH Việt Nam quản lý tập
trung và áp dụng các chính sách của hệ thống phòng chống mã độc trong toàn
Ngành.
6. Hằng năm, Bộ phận CNTT tổ chức
bồi dưỡng, hướng dẫn người dùng phòng chống và xử lý các sự cố liên quan tới mã
độc.
Điều 8. An
toàn phòng máy chủ
1. Phòng máy chủ phải được bố
trí riêng, đặt gần Bộ phận CNTT và không đặt ở tầng một hoặc tầng cao nhất của
tòa nhà. Chỉ thiết kế một cửa ra/vào và không có cửa sổ.
2. Có nội quy sử dụng và các biện
pháp kỹ thuật, hành chính bảo vệ, kiểm soát ra/vào, ngăn chặn tiếp cận trái
phép trang thiết bị, đường truyền mạng.
3. Chỉ được đặt các thiết bị
đang hoạt động phục vụ vận hành hệ thống, tuyệt đối không đặt thiết bị khác: thiết
bị hỏng, thiết bị chờ thanh lý, chờ hủy, tài liệu, vật tư, vật dụng dễ cháy nổ.
4. Bảo đảm vệ sinh công nghiệp:
Môi trường khô ráo, sạch sẽ, không dột, không thấm nước, trang thiết bị lắp đặt
trên tủ kỹ thuật, không để ánh nắng chiếu rọi trực tiếp. Độ ẩm, nhiệt độ đạt
tiêu chuẩn quy định cho các thiết bị.
5. Phòng máy chủ tại BHXH tỉnh,
các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phải bảo đảm từ 20m2 trở lên và trang bị tối
thiểu các thành phần sau:
a) Hệ thống phòng cháy, chữa
cháy: Báo động bằng đèn còi, có khả năng phát hiện khói ở nồng độ tiêu chuẩn,
không bị ảnh hưởng do nhiễu, không bị tê liệt một phần hay toàn bộ do cháy gây
ra trước khi phát hiện cháy.
b) Hệ thống điện
- Nguồn điện độc lập với đường
điện của tòa nhà từ máy biến áp; cung cấp đủ nguồn cho các thiết bị, tự động ngắt
nguồn cấp đầu vào khi có sự cố.
- Nguồn điện dự phòng kết nối đến
máy phát điện của tòa nhà bảo đảm cho hệ thống hoạt động trong thời gian nguồn
điện chính gặp sự cố.
c) Hệ thống lưu điện: Cung cấp
nguồn ra ổn định cho các thiết bị trong phòng máy chủ và các thiết bị mạng đặt
phân tán trong tòa nhà.
d) Hệ thống tủ kỹ thuật: Loại tủ
Rack, tiêu chuẩn 42U-19 inch, có máng cáp phía trên tủ Rack để bảo đảm an toàn
cho hệ thống cáp mạng và thuận lợi trong việc xử lý sự cố.
đ) Hệ thống chống sét
- Dây mạng phải được nối qua
thiết bị chống sét.
- Thiết bị chống sét, các trang
thiết bị phải được nối tiếp đất.
- Dây nối và hố tiếp đất phải
được khảo sát và bố trí hợp lý, bảo đảm an toàn.
e) Hệ thống điều hòa làm mát
- Có hệ thống điều hòa làm mát
riêng, không sử dụng chung với hệ thống điều hòa của tòa nhà, có khả năng tự khởi
động sau khi đóng điện, có hệ thống dự phòng.
- Bảo đảm nhiệt độ từ 22oC đến
24oC, độ ẩm trung bình 40% đến 55%.
g) Hệ thống camera giám sát và
kiểm soát ra/vào
- Giám sát 24/7, theo dõi được
từ phòng Lãnh đạo BHXH tỉnh, Bộ phận CNTT, bộ phận bảo vệ.
- Ghi hình và lưu 7 ngày ở chế
độ phát hiện chuyển động.
6. Phòng máy chủ tại BHXH huyện
phải bảo đảm từ 7m2 trở lên và trang bị tối thiểu các thành phần:
- Bình phòng cháy, chữa cháy.
- Đường điện cấp độc lập với
tòa nhà.
- Điều hòa làm mát bảo đảm nhiệt
độ từ 22oC đến 24oC.
- Hệ thống chống sét và tiếp đất.
- Tủ Rack tiêu chuẩn 27U-19
inch.
- Hệ thống lưu điện.
- Hệ thống camera giám sát và
kiểm soát tại vị trí tủ Rack;
7. Các hệ thống phải được định
kỳ bảo trì, tối thiểu 6 tháng một lần.
Điều 9. Quản
lý thiết bị công nghệ thông tin
1. Bộ phận CNTT cập nhật tình
hình sử dụng thiết bị CNTT trên phần mềm quản lý thiết bị CNTT theo quy chế của
BHXH Việt Nam ban hành.
2. Thiết bị CNTT phải đặt tên
và dán nhãn. Nhãn thiết bị phải bao gồm các nội dung: mã thiết bị, tên thiết bị,
tên người dùng được giao quản lý và sử dụng, tên phòng. Mã thiết bị phải được
quản lý trên phần mềm quản lý thiết bị CNTT.
3. Thiết bị CNTT dùng chung phải
được bàn giao cho lãnh đạo phòng, BHXH huyện. Lãnh đạo phòng, BHXH huyện có
trách nhiệm quản lý theo dõi việc sử dụng thiết bị CNTT dùng chung tại đơn vị.
4. Các đơn vị đăng ký nhu cầu
mua sắm trang thiết bị CNTT hằng năm theo quy định tiêu chuẩn định mức trên phần
mềm quản lý thiết bị CNTT. BHXH Việt Nam phê duyệt, tổ chức mua sắm và bàn giao
cho các đơn vị đưa vào sử dụng.
5. Thiết bị hỏng còn bảo hành,
các đơn vị yêu cầu nhà cung cấp thực hiện chế độ bảo hành. Thiết bị hỏng đã hết
bảo hành, các đơn vị thực hiện phương án sửa chữa.
6. Trường hợp thiết bị hỏng là
thiết bị quan trọng (máy chủ, thiết bị mạng) các đơn vị phải báo cáo ngay BHXH
Việt Nam để có biện pháp khắc phục kịp thời bảo đảm duy trì hoạt động của hệ thống.
7. Thiết bị CNTT phải được bảo
trì định kỳ, tối thiểu một lần trong năm.
Điều 10.
Quản lý kết nối, trao đổi dữ liệu với đơn vị bên ngoài
1. Việc kết nối, trao đổi dữ liệu
với bên ngoài phải được BHXH Việt Nam phê duyệt và phải đáp ứng các tiêu chuẩn
về kết nối mạng, địa chỉ, cách thức truy cập, định dạng dữ liệu.
2. Việc kết nối không được ảnh
hưởng đến an ninh và hoạt động của hệ thống mạng của ngành, có các biện pháp
phòng chống xâm nhập bất hợp pháp từ bên ngoài.
Điều 11.
Quản lý kết nối Internet
1. Hạ tầng kết nối Internet phải
có các giải pháp bảo mật như thiết bị tường lửa, phát hiện xâm nhập, phòng chống
mã độc đảm bảo hệ thống không bị tấn công xâm nhập, lây lan mã độc từ bên
ngoài.
2. Người dùng tại các đơn vị trực
thuộc BHXH Việt Nam truy cập Internet thông qua điểm quản lý tập trung Internet
tại đơn vị. Người dùng tại BHXH tỉnh, BHXH huyện truy cập Internet thông qua điểm
quản lý tập trung Internet tại BHXH tỉnh.
3. Bộ phận CNTT chịu trách nhiệm
giám sát, kiểm tra nội dung và băng thông truy cập, ngăn chặn, đề xuất xử lý
các hành vi vi phạm.
Điều 12.
Quản lý dịch vụ truy cập mạng riêng ảo
1. Cá nhân có nhu cầu kết nối mạng
VPN phải đăng ký và cam kết mục đích sử dụng, bảo mật thông tin tài khoản, bảo
đảm ATTT bằng văn bản. Thời gian thực hiện cung cấp dịch vụ VPN tối thiểu 01
ngày làm việc sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký.
2. CCVC được cấp quyền sử dụng
dịch vụ VPN có trách nhiệm:
a) Bảo đảm an toàn máy tính kết
nối VPN theo quy định.
b) Bảo đảm an toàn, bảo mật
thông tin đối tài khoản truy cập VPN.
c) Trường hợp không còn nhu cầu
sử dụng hoặc nghi ngờ tài khoản có nguy cơ bị lộ lọt cần thông báo Quản trị
viên của đơn vị để khóa tài khoản kịp thời.
3. Lãnh đạo phòng, BHXH huyện
xác nhận việc sử dụng tài khoản VPN của các cá nhân đăng ký trình thủ trưởng
đơn vị phê duyệt.
Điều 13.
Quản lý bản quyền phần mềm
1. Các phần mềm, ứng dụng sử dụng
trong các đơn vị phải có bản quyền sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và
của BHXH Việt Nam.
2. Chỉ được cài đặt và sử dụng
các phần mềm mà BHXH Việt Nam đã trang bị hoặc có quyết định triển khai, các
đơn vị tự trang bị phần mềm bản quyền phải có văn bản phê duyệt của BHXH Việt
Nam, các phần mềm mã nguồn mở, phần mềm miễn phí phải tuân theo quy định của
BHXH Việt Nam.
3. Bộ phận CNTT tổ chức quản
lý, theo dõi sử dụng các bản quyền phần mềm tại đơn vị.
4. Không phát tán, chia sẻ phần
mềm có bản quyền của Ngành ra bên ngoài. Bộ phận CNTT tiếp nhận và chịu trách
nhiệm quản lý về kỹ thuật các phần mềm có bản quyền của Ngành tại đơn vị.
Điều 14.
Quản lý hồ sơ hệ thống
1. Danh sách các loại hồ sơ lưu
trữ:
a) Quy định về quản lý, triển
khai, vận hành hệ thống.
b) Quy trình quản lý và vận
hành các hệ thống quản lý người dùng, thư điện tử, sao lưu dữ liệu, phòng chống
mã độc và đĩa cài đặt.
c) Hồ sơ khảo sát, thiết kế và
thuyết minh kỹ thuật của mạng; sơ đồ thiết kế mạng logic, sơ đồ đi dây mạng vật
lý, thông số các thiết bị mạng.
d) Bảng thống kê danh sách các
nhóm, người dùng trong hệ thống AD, danh sách người dùng tại đơn vị, phiếu đăng
ký người dùng, phiếu đề nghị thay đổi thông tin của người dùng.
đ) Bảng thống kê danh sách thiết
bị tại đơn vị. Danh sách các thiết bị hỏng, sửa chữa, bảo hành. Biên bản bàn
giao thiết bị cho người dùng. Hồ sơ, tài liệu triển khai hệ thống của BHXH Việt
Nam.
e) Danh sách mật khẩu quản trị
hệ thống.
g) Tài liệu, biên bản kiểm tra,
đánh giá của đơn vị.
h) Báo cáo quản trị hệ thống,
nhật ký quản trị, hỗ trợ, xử lý các sự cố, thay đổi trong hệ thống, nhật ký
vào/ra phòng máy chủ, dữ liệu ghi hình hoạt động tại phòng máy chủ.
2. Hồ sơ của hệ thống CNTT được
lưu bằng văn bản, tập tin bản mềm trên máy tính đã được mã hóa, đặt mật khẩu và
phải được cập nhật khi có sự thay đổi.
Điều 15. Hỗ
trợ và xử lý sự cố về hệ thống
1. Bộ phận CNTT tổ chức một đầu
mối hỗ trợ (số điện thoại, hộp thư điện tử) tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ người dùng
tại đơn vị; thông báo cho các đơn vị trực thuộc các thông tin từ BHXH Việt Nam
hoặc các kế hoạch nhiệm vụ ứng dụng CNTT, ATTT.
2. Khi phát hiện có sự cố, Bộ
phận CNTT thực hiện các biện pháp cô lập và xác định nguyên nhân xảy ra sự cố
theo nguyên tắc hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống CNTT; đồng
thời phải thông báo cho người dùng và các bộ phận liên quan về tình hình sự cố.
Sau khi khắc phục sự cố, Bộ phận CNTT thông báo cho các bộ phận liên quan.
3. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng
của các sự cố, Bộ phận CNTT đánh giá và phân loại theo 3 mức: sự cố đặc biệt
nghiêm trọng, sự cố nghiêm trọng, sự cố thông thường.
4. Đối với các sự cố thông thường
(các sự cố liên quan đến máy tính xách tay, máy trạm, máy in, các sự cố không
gây ảnh hưởng đến hoạt động của nội bộ đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT,
BHTN), Bộ phận CNTT nhanh chóng xử lý sự cố. Trường hợp không xử lý được thông
báo với đầu mối hỗ trợ cấp trên để phối hợp giải quyết.
5. Đối với các sự cố nghiêm trọng
(các sự cố liên quan đến thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, máy chủ, đường truyền
dữ liệu, cơ sở dữ liệu, các sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp và làm ngưng trệ đến
toàn bộ hoạt động của đơn vị); sự cố đặc biệt nghiêm trọng (các sự cố liên quan
đến thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, máy chủ, đường truyền dữ liệu, cơ sở dữ liệu,
các sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp và làm ngưng trệ đến toàn bộ hoạt động của
Ngành) ngay sau khi phát hiện sự cố, Bộ phận CNTT cần đánh giá ảnh hưởng của sự
cố và báo cáo về BHXH Việt Nam để được hướng dẫn xử lý.
6. Bộ phận CNTT tại Trung ương
(Trung tâm CNTT) là đầu mối hỗ trợ cao nhất có trách nhiệm hỗ trợ xử lý sự cố
cho các đơn vị trong toàn Ngành. Bộ phận CNTT tại BHXH tỉnh có trách nhiệm hỗ
trợ BHXH huyện khắc phục các sự cố. Bộ phận CNTT tại BHXH tỉnh phải báo cáo
Trung tâm CNTT, Bộ phận CNTT tại BHXH huyện phải báo cáo BHXH tỉnh về các sự cố
tại đơn vị.
7. Yêu cầu đối với việc xử lý sự
cố cần tuân thủ các nguyên tắc
a) Các dữ liệu quan trọng phải
được sao lưu trước khi thực hiện xử lý sự cố.
b) Bảo đảm tuyệt đối an toàn
cho người và thiết bị hệ thống.
c) Ghi nhật ký sự cố kỹ thuật
phát sinh tại chỗ.
d) Thông báo thời gian dự kiến
khắc phục xong sự cố.
Điều 16.
Kiểm tra bảo trì hệ thống hạ tầng thông tin
1. Bộ phận CNTT tổ chức kiểm
tra việc tuân thủ các quy định về quản lý, triển khai, vận hành, khai thác sử dụng
hệ thống hạ tầng thông tin tại đơn vị theo các quy định tại Quy chế này tối thiểu
mỗi năm một lần.
2. Hằng năm, Bộ phận CNTT xây dựng
kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác quản lý, triển khai, vận hành, khai thác sử
dụng hệ thống hạ tầng thông tin tại các đơn vị trực thuộc.
3. Các nội dung kiểm tra:
a) Việc bảo đảm điều kiện môi
trường cho thiết bị, nguồn cấp, thiết bị vận hành an toàn, sạch sẽ.
b) Tình hình sử dụng thiết bị
CNTT, sử dụng ứng dụng hệ thống của ngành.
c) Hoạt động của hệ thống máy
chủ, máy trạm, các dịch vụ (Cập nhật các bản vá, bản sửa lỗi, dung lượng ổ cứng,
hiệu năng sử dụng...).
d) Tình hình phòng chống mã độc,
đánh giá hiệu quả (khả năng phát hiện và diệt) của các phần mềm phòng chống mã
độc.
đ) Kiểm tra công tác sao lưu,
lưu trữ, phục hồi dữ liệu.
e) Công tác cập nhật, lưu trữ hồ
sơ: ghi nhật ký, cập nhật thống kê, tổng hợp thiết bị, báo cáo,..
g) Việc tuân thủ các quy định
khác nêu tại quy chế này.
4. Các vấn đề phát hiện sau khi
kiểm tra phải được tổng hợp, đánh giá phân tích mức độ ảnh hưởng với hoạt động
của hệ thống và lập kế hoạch khắc phục xử lý.
5. Bộ phận CNTT thực hiện bảo
trì thường xuyên, bảo đảm hệ thống CNTT hoạt động liên tục, ổn định và an toàn.
6. Toàn bộ quá trình bảo trì phải
được ghi sổ nhật ký, cập nhật các thay đổi của hệ thống hạ tầng thông tin trong
những lần sửa chữa, nâng cấp, thay thế hoặc lắp đặt mới.
7. Các thiết bị CNTT phải được
thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời các hư hỏng, biểu hiện mất ổn định hoặc
quá tải. Cập nhật kịp thời các bản vá lỗi, lỗ hổng về an ninh.
8. Hằng năm trước ngày 5/12,
Các đơn vị báo cáo BHXH Việt Nam bằng văn bản toàn bộ tình hình quản lý, triển
khai, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng thông tin theo quy định của
ngành.
Chương
III
CÔNG TÁC TRIỂN KHAI, VẬN
HÀNH
Điều 17.
Công tác triển khai, vận hành hạ tầng mạng
1. Kiểm tra theo dõi hoạt động
các thiết bị mạng, hạ tầng truyền thông tại các đơn vị.
2. Lắp đặt, bổ sung các thiết bị
mạng, nút mạng đáp ứng nhu cầu phát sinh tại các đơn vị.
3. Lưu trữ và cập nhật các
thông tin mới, thông tin thay đổi vào hồ sơ quản trị mạng.
4. Định kỳ thay đổi mật khẩu quản
trị hệ thống mạng theo khoản 4 Điều 4 Quy chế này.
5. Triển khai bảo trì, đánh giá
hiện trạng hệ thống mạng tại đơn vị để lập kế hoạch nâng cấp hệ thống mạng hằng
năm.
6. Yêu cầu với Quản trị viên tại
các đơn vị
a) Hằng ngày:
- Kiểm tra tình trạng của các
thiết bị mạng (bao gồm thiết bị điều khiển mạng LAN không dây (wireless LAN
controller), điểm truy cập (access point)) vào đầu giờ làm việc buổi sáng.
- Theo dõi hoạt động của các
thiết bị mạng, hạ tầng truyền thông của đơn vị.
- Theo dõi tình trạng hoạt động
của các điểm truy cập, kiểm tra đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa các máy chủ xác thực,
số lượng người dùng đang kết nối hệ thống mạng không dây.
- Tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ
hạ tầng mạng từ người dùng và đầu mối hỗ trợ.
- Hỗ trợ hoặc xử lý sự cố về mạng,
trong trường hợp không tự khắc phục được phải báo cáo Lãnh đạo đơn vị và đầu mối
hỗ trợ cấp trên để phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
- Ghi nhật ký vận hành.
b) Hằng tuần:
- Kiểm tra chất lượng hạ tầng
truyền thông.
- Kiểm tra kết nối của các thiết
bị trong hệ thống mạng.
- Kiểm tra tình trạng và môi
trường hoạt động của các thiết bị, hệ thống mạng đặt tại phòng máy chủ và tại
các tầng của tòa nhà.
- Kiểm tra tình trạng dây mạng,
nguồn cấp cho thiết bị.
c) Hằng tháng: Báo cáo Lãnh đạo
đơn vị và Trung tâm CNTT về tình trạng hoạt động của hạ tầng mạng; các vấn đề cần
khắc phục, chỉnh sửa hoặc các đề xuất, kiến nghị.
Điều 18.
Công tác triển khai, vận hành hệ thống phòng chống mã độc
1. Tổ chức cài đặt phần mềm
phòng chống mã độc của ngành cho toàn bộ máy chủ, máy trạm, máy tính xách tay tại
đơn vị.
2. Cập nhật các mẫu mã độc mới
và bản vá của phần mềm phòng chống mã độc của ngành cho các máy chủ, máy trạm,
máy tính xách tay.
3. Cập nhật thường xuyên cơ sở
dữ liệu về mẫu mã độc mới và bản vá cho các phần mềm quản trị mã độc.
4. Tiếp nhận và thực hiện các
yêu cầu của BHXH Việt Nam về việc phòng chống mã độc.
5. Định kỳ thay đổi mật khẩu quản
trị hệ thống phòng chống mã độc theo khoản 4 Điều 4 Quy chế này.
6. Hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ,
đôn đốc đơn vị trực thuộc cập nhật mẫu mã độc cho máy trạm.
7. Triển khai rà soát, kiểm
tra, nâng cấp hệ thống phòng chống mã độc hằng năm.
8. Yêu cầu đối với Quản trị
viên tại các đơn vị
a) Hằng ngày:
- Kiểm tra hoạt động các dịch vụ
của hệ thống phòng chống mã độc. Cập nhật mẫu mã độc và bản vá mới nhất cho các
phần mềm phòng chống mã độc của ngành. Kiểm tra tình trạng kết nối các phần mềm
phòng chống mã độc trên máy chủ, máy trạm, máy tính xách tay đến máy chủ quản
trị mã độc và xử lý các trường hợp không kết nối được. Kiểm tra tình trạng nhiễm
mã độc, mã nguồn độc hại của các máy chủ, máy trạm, máy tính xách tay cài phần
mềm phòng chống mã độc vào đầu giờ làm việc mỗi buổi sáng.
- Khắc phục và xử lý các trường
hợp nhiễm mã độc. Đối với trường hợp nặng thì cách ly ra khỏi mạng.
- Tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ
liên quan đến phòng chống mã độc từ người dùng và đầu mối hỗ trợ.
- Hỗ trợ hoặc xử lý sự cố về mã
độc, trong trường hợp không tự xử lý được phải báo cáo BHXH Việt Nam và phối hợp
với các đơn vị liên quan xử lý.
- Ghi nhật ký vận hành.
b) Hằng tuần:
- Kiểm tra kết quả quét mã độc
đối với toàn bộ máy trạm cài phần mềm phòng chống mã độc.
- Xóa các tập tin bị nhiễm mã độc
trong thư mục lưu giữ.
- Kiểm tra lịch quét mã độc
trên các máy chủ, máy trạm.
c) Hằng tháng: Báo cáo Lãnh đạo
đơn vị và Trung tâm CNTT về tình trạng mã độc, phần mềm độc hại của các máy chủ,
máy trạm, máy tính xách tay; các vấn đề cần khắc phục, chỉnh sửa hoặc các đề xuất,
kiến nghị.
Điều 19.
Công tác triển khai, vận hành hệ thống an toàn thông tin mạng
1. Thiết lập đầy đủ các chế độ
kiểm soát ATTT mạng. Sử dụng các công cụ được trang bị, dò tìm và phát hiện kịp
thời các điểm yếu và các truy nhập bất hợp pháp vào hệ thống mạng. Thường xuyên
xem xét, phát hiện những kết nối, trang thiết bị, phần mềm cài đặt bất hợp pháp
vào mạng.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ người dùng
bảo vệ tài khoản, tài nguyên trên mạng và giải quyết kịp thời những sự cố truy
nhập mạng.
3. Kiểm tra và ngắt kết nối ra
khỏi mạng những máy tính của người dùng không tuân thủ các quy định về an ninh
mạng.
4. Thường xuyên thực hiện cập
nhật các bản sửa lỗi và bản vá cho hệ điều hành trên các máy chủ, máy trạm theo
yêu cầu của BHXH Việt Nam.
5. Tạo các chính sách ATTT mạng
(Policy), cấu hình dải địa chỉ cho từng vùng trong/ngoài (Internal, External)
và thực hiện tắt các dịch vụ không sử dụng theo yêu cầu của BHXH Việt Nam.
6. Phân quyền cho người dùng
theo các trang Web được phép truy cập hoặc theo thời gian sử dụng Internet.
7. Định kỳ thay đổi mật khẩu quản
trị ATTT mạng theo khoản 4 Điều 4 Quy chế này.
8. Triển khai rà soát, kiểm
tra, nâng cấp hệ thống ATTT mạng hằng năm.
9. Yêu cầu đối với Quản trị
viên
a) Hằng ngày:
- Kiểm tra hoạt động của các hệ
thống ATTT mạng: các thiết bị tường lửa; thiết bị kiểm soát truy cập mạng vào đầu
giờ làm việc buổi sáng.
- Theo dõi các kết nối ra ngoài
Internet, nội dung các trang Web truy cập.
- Theo dõi thông tin truy cập hệ
thống (log) để kịp thời ngăn chặn các truy cập bất hợp pháp.
- Tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ
liên quan đến sự cố ATTT từ người dùng và đầu mối hỗ trợ.
- Hỗ trợ hoặc xử lý sự cố về
ATTT, trong trường hợp không tự xử lý được phải báo cáo BHXH Việt Nam và phối hợp
với các đơn vị liên quan xử lý.
- Ghi nhật ký quản trị.
b) Hằng tuần:
- Kiểm tra, cập nhật các bản vá
sửa lỗi cho các máy chủ, máy trạm.
- Kiểm tra các cảnh báo từ hệ
thống phát hiện các mối nguy hại trong hệ thống.
- Kiểm tra các dải địa chỉ
trong các vùng được tạo và các chính sách ATTT đối với các dải địa chỉ.
c) Hằng tháng: Báo cáo Lãnh đạo
đơn vị và Trung tâm CNTT về tình hình bảo đảm ATTT mạng; các vấn đề cần khắc phục,
chỉnh sửa hoặc các đề xuất, kiến nghị.
Điều 20.
Công tác triển khai, vận hành phòng máy chủ
1. Theo dõi môi trường hoạt động
phòng máy chủ 24/7.
2. Định kỳ 6 tháng/lần bảo trì
các thiết bị bảo đảm an toàn phòng máy chủ.
3. Cấu hình các thông số hệ thống
lưu điện, các cảm biến (Sensor).
4. Yêu cầu đối với Quản trị
viên
a) Hằng ngày:
- Thực hiện theo dõi hoạt động
hệ thống điện cấp cho phòng máy chủ (hệ thống tủ điện trung tâm, hệ thống lưu
điện); hệ thống điều hòa không khí, hệ thống camera giám sát, hệ thống phòng
cháy chữa cháy, hệ thống chống sét, tiếp đất đường điện, đường mạng, hệ thống
làm mát cho tủ máy chủ, thiết bị mạng (Rack).
- Kiểm soát thiết bị và con người
vào ra phòng máy chủ.
- Theo dõi các log và các thư
điện tử cảnh báo của hệ thống an toàn phòng máy chủ.
- Ghi nhật ký phòng máy chủ, nhật
ký ra vào phòng máy chủ thông qua hệ thống camera giám sát và nhật ký vận hành.
b) Hằng tuần:
- Thực hiện kiểm tra hệ thống điện
cấp cho phòng máy chủ (hệ thống tủ điện trung tâm, hệ thống lưu điện); hệ thống
điều hòa không khí, hệ thống camera giám sát, hệ thống phòng cháy, chữa cháy; độ
ẩm, cáp điện, các đầu đấu nối, cửa ra vào, cửa sổ, khóa cửa; hệ thống chống
sét, tiếp đất đường điện, đường mạng; bảng hướng dẫn cho từng loại thiết bị, vị
trí của các thiết bị trong phòng máy chủ; hệ thống làm mát cho tủ máy chủ, thiết
bị mạng.
c) Hằng tháng:
- Thực hiện vệ sinh môi trường
phòng máy chủ và các thiết bị trong phòng máy chủ.
- Kiểm tra các thiết bị máy chủ,
thiết mạng, bảo mật, lưu trữ trong phòng máy chủ.
- Báo cáo Lãnh đạo đơn vị về
tình hình hoạt động của phòng máy chủ.
Điều 21.
Công tác triển khai, vận hành thiết bị công nghệ thông tin
1. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả
khai thác sử dụng thiết bị CNTT báo cáo Lãnh đạo đơn vị và BHXH Việt Nam (Trung
tâm CNTT).
2. Tổ chức tiếp nhận, cài đặt,
lắp đặt thiết bị tại đơn vị và bàn giao bằng văn bản cho người dùng.
3. Thu hồi thiết bị của người
dùng không sử dụng và nhập kho.
4. Tiếp nhận thiết bị hỏng từ
người dùng, gửi bảo hành, theo dõi đôn đốc thời gian bảo hành, bàn giao cho các
bộ phận liên quan sau khi bảo hành xong. Đánh giá chất lượng bảo hành của các
đơn vị cung cấp thiết bị.
5. Theo dõi các trường hợp hỏng
hóc và quá trình sửa chữa khắc phục. Kiểm tra thiết bị sau bảo hành.
6. Xóa toàn bộ dữ liệu nghiệp vụ
và dữ liệu người dùng trên thiết bị máy chủ, máy trạm, lưu trữ trước khi điều
chuyển thiết bị từ đơn vị này sang đơn vị khác hoặc khi thanh lý tài sản.
Chương IV
KHAI THÁC, SỬ DỤNG HỆ THỐNG
HẠ TẦNG THÔNG TIN
Điều 22.
Khai thác, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin
1. Người dùng tại các đơn vị có
trách nhiệm tiếp nhận và quản lý các thiết bị CNTT được cấp (máy tính để bàn,
máy tính xách tay, máy tính bảng, bàn phím, chuột, ổ DVD, thiết bị lưu điện,
máy in,...). Lãnh đạo phòng, BHXH huyện tiếp nhận các thiết bị CNTT dùng chung
của đơn vị và bàn giao cho một viên chức chịu trách nhiệm quản lý.
2. Người dùng mang thiết bị
CNTT (đặc biệt là máy tính xách tay) ra ngoài cơ quan chỉ sử dụng phục vụ công
việc của Ngành, không được làm việc riêng của cá nhân; không tự ý tháo lắp,
thay đổi các thành phần của thiết bị CNTT được cơ quan trang bị.
3. Người dùng sử dụng máy tính
xách tay đi công tác, hội họp, thanh tra, kiểm tra phải đăng ký thời gian sử dụng
và được sự đồng ý của lãnh đạo phòng, BHXH huyện, đồng thời phải tự lưu, bảo quản
dữ liệu của mình trước khi bàn giao lại cho người khác sử dụng.
4. Người dùng phải bàn giao lại
thiết bị CNTT cho đơn vị cũ khi chuyển vị trí công tác mới, nghỉ hưu. Đối với
máy trạm/máy tính bảng được cấp cho cá nhân thực hiện điều chuyển theo vị trí
công tác mới trong cùng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh và phải bảo
đảm tiêu chuẩn, định mức của BHXH Việt Nam.
5. Người dùng phải chịu trách
nhiệm bồi thường trong trường hợp thiết bị CNTT bị mất hoặc hỏng do lỗi của người
dùng.
6. Máy tính phải được cài đặt
và cấu hình các phần mềm theo quy định của BHXH Việt Nam và kết nối với hệ thống
AD. Người dùng lưu dữ liệu vào ổ đĩa khác với ổ đĩa của hệ điều hành Windows.
7. Người dùng phải sử dụng tài
khoản được cấp để đăng nhập vào máy tính. Không đăng nhập máy tính bằng tài khoản
quản trị, ngoại trừ các Quản trị viên. Giữ bí mật về mật khẩu tài khoản cá nhân
và định kỳ thay đổi mật khẩu theo khoản 4 Điều 4 Quy chế này.
Bộ phận CNTT quản lý mật khẩu quản trị máy trạm, mật khẩu cấu hình phần cứng
máy tính (BIOS), không cung cấp cho người dùng.
8. Thường xuyên quét mã độc
trên máy tính kết nối vào mạng. Hằng tuần, người dùng được cấp máy tính xách
tay phải kết nối vào mạng LAN để cập nhật cho phần mềm phòng chống mã độc. Kiểm
tra và diệt mã độc trên các thiết bị ngoại vi, thiết bị có khả năng lưu trữ dữ
liệu ngay khi cắm vào máy tính.
9. Sử dụng bộ phông chữ tiếng
Việt Unicode (UTF-8) thống nhất trong Ngành BHXH Việt Nam. Không được phép cài
đặt thêm ứng dụng ngoài danh sách ứng dụng triển khai của BHXH Việt Nam được
cung cấp bộ cài đặt trên hệ thống của Ngành. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng
ý của Bộ phận CNTT và Bộ phận CNTT có trách nhiệm cài đặt. Không tự ý gỡ bỏ các
ứng dụng đã được BHXH Việt Nam và Bộ phận CNTT cài đặt sẵn. Không thay đổi tên
máy trạm, thông số kỹ thuật mà Bộ phận CNTT đã cài đặt. Người dùng phải thoát
khỏi hệ thống (logout) ngay khi rời khỏi vị trí làm việc. Phải tắt máy tính, hệ
thống lưu điện và các thiết bị khác trước khi rời cơ quan.
10. Không cho người ngoài
Ngành, cơ quan mượn hoặc sử dụng máy tính để tránh thất thoát, lộ lọt thông
tin, dữ liệu.
11. Không cố ý sao chép, sửa đổi,
phá hoại các tập tin và dữ liệu trên máy tính không thuộc phạm vi quản lý.
12. Không dò tìm mật khẩu của
người khác.
13. Nghiêm cấm chơi các trò
chơi điện tử trên hệ thống máy tính do Ngành trang bị.
14. Khi thiết bị CNTT bị hỏng
hóc phải báo ngay cho đầu mối hỗ trợ để được xử lý.
15. Người dùng phải có ý thức
giữ gìn, bảo quản cẩn thận các thiết bị CNTT; hằng tháng vệ sinh các thiết bị
CNTT được cấp; không để các vật dụng cá nhân lên máy tính.
16. Người dùng không mang thiết
bị CNTT cá nhân bên ngoài kết nối trực tiếp vào mạng LAN của Ngành khi chưa
đăng ký sử dụng với Bộ phận CNTT và bảo đảm an toàn tối thiểu cho thiết bị máy
tính.
Điều 23.
Khai thác, sử dụng mạng máy tính
1. Chỉ đọc tin tức trên mạng
Internet ngoài giờ hành chính.
2. Có trách nhiệm bảo vệ hệ thống
mạng (LAN, WAN, Internet, VPN, WiFi) của đơn vị, cảnh giác với những mặt trái của
Internet. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bao che hoặc cho người khác sử dụng
trang thiết bị, mật khẩu của mình để thực hiện các hành vi phạm pháp.
3. Chịu sự kiểm tra, giám sát của
đơn vị và các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với các thông tin gửi lên hệ
thống mạng và chịu trách nhiệm về các thông tin đó.
4. Không truy cập vào những
trang Web không lành mạnh gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, xã hội.
5. Không gây cản trở, phá hoại
hoạt động của mạng máy tính, làm ảnh hưởng đến các hệ thống thông tin khác, hoặc
xâm phạm đến quyền lợi, danh dự của cá nhân khác.
6. Không sử dụng thiết bị truy
cập Internet khác tại đơn vị. Không sử dụng các công cụ, phần mềm và các biện
pháp kỹ thuật dưới mọi hình thức nhằm chiếm dụng băng thông đường truyền, gây tắc
nghẽn mạng.
7. Không sử dụng các phần mềm
điều khiển từ xa truy cập đến máy tính trong cơ quan ngoài giờ hành chính.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24.
Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm
xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện
1. Thực hiện công tác quản lý,
triển khai, vận hành hệ thống hạ tầng thông tin tại đơn vị bảo đảm hệ thống hoạt
động an toàn theo Quy chế này.
2. Bố trí các nguồn lực cần thiết
để thực hiện việc quản lý, triển khai, vận hành, giám sát, bảo đảm ATTT và xử
lý các sự cố trong hoạt động ứng dụng CNTT.
3. Kiến nghị BHXH Việt Nam bồi
dưỡng kiến thức CNTT, ATTT cho CCVC quản lý, triển khai, vận hành hệ thống hạ tầng
thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.
4. Chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ, kiểm
tra các đơn vị trực thuộc trong quá trình quản lý, triển khai, vận hành, khai
thác, sử dụng hệ thống hạ tầng thông tin.
5. Tuân thủ và thực hiện các
quy định về CNTT, ATTT và các quy định nêu trong Quy chế này.
Điều 25.
Trách nhiệm của Trung tâm Công nghệ thông tin
1. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị
triển khai, thực hiện các quy định trong Quy chế này.
2. Phối hợp các đơn vị liên
quan tổ chức các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức về CNTT cho viên chức CNTT tại
các đơn vị phù hợp với yêu cầu công việc được phân công.
3. Hướng dẫn các biểu mẫu báo
cáo theo Quy chế: nhật ký vận hành, báo cáo về tình trạng hoạt động của hạ tầng
mạng, báo cáo quản lý thiết bị CNTT, báo cáo tình hình bảo đảm ATTT… tại các
đơn vị.
4. Cung cấp bộ cài đặt trên hệ
thống của Ngành các phần mềm ứng dụng văn phòng thường xuyên được sử dụng như
trình duyệt Web, giải nén...
Điều 26. Tổ
chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách
nhiệm thi hành Quy chế này và có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo và giám sát
CCVC thuộc đơn vị mình thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung Quy chế này.
2. Đội Ứng cứu sự cố ATTT Ngành
thực hiện ứng cứu sự cố của các hệ thống hạ tầng thông tin tại các đơn vị theo
sự điều phối của BHXH Việt Nam.
3. Trong quá trình tổ chức thực
hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh kịp thời về BHXH Việt
Nam (qua Trung tâm CNTT) xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.
4. Đơn vị, CCVC tại các đơn vị
vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc
các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam./.