CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/2018/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm
ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật kinh
doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về
tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện
chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính;
Chính phủ ban hành Nghị định về bảo
hiểm nông nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về bảo hiểm
nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh
nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều
kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy
sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra
trong quá trình sản xuất.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất trong
ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân
sản xuất nông nghiệp).
2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ,
chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là
doanh nghiệp bảo hiểm), doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt
động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên
quan.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông
nghiệp.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp là tổ
chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm
và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp có thể đồng thời là người được
bảo hiểm nông nghiệp.
2. Người được bảo hiểm nông nghiệp là
tổ chức, cá nhân có đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy
sản được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
3. Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình
bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản,
theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường
cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
4. Đồng bảo hiểm nông nghiệp là việc
hai hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm với
bên mua bảo hiểm để bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm nông nghiệp với cùng
quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.
5. Tái bảo hiểm nông nghiệp là hoạt động
của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết
bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
Điều 4. Các loại
hình bảo hiểm nông nghiệp
1. Bảo hiểm đối với rủi ro định danh,
theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn
thất thực tế do các rủi ro được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm nông
nghiệp gây ra.
2. Bảo hiểm mọi rủi ro, theo đó khi xảy
ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do mọi
rủi ro gây ra, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được thỏa thuận
tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
3. Bảo hiểm đối với tổn thất về thu
nhập, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chi
phí sản xuất nông nghiệp để bù đắp cho tổn thất do các rủi ro được bảo hiểm gây
ra theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
4. Bảo hiểm theo chỉ số năng suất,
theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo mức
sụt giảm năng suất thực tế của một khu vực địa lý (huyện, xã,...) theo thỏa thuận
tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối
tượng bảo hiểm.
5. Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết,
theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo biến
động của chỉ số thời tiết (mưa, gió, hạn hán, ngập lụt, rét hại, mưa đá, sương
muối, động đất, sóng thần...) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp,
không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
6. Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám,
theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo sự
biến động của chỉ số viễn thám theo thỏa thuận tại hợp đồng
bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
7. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp
khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 5. Nguyên tắc
thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
1. Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện
theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia
bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
2. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông
nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ,
thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản
xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa
bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp
của Chính phủ.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Mục 1. QUY ĐỊNH CỤ
THỂ VỀ THỰC HIỆN BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Điều 6. Hợp đồng
bảo hiểm nông nghiệp
1. Ngoài các nội dung theo quy định tại
Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận
cụ thể và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân
và đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các
vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
b) Cách thức xác định số tiền bảo hiểm.
c) Các trường hợp áp dụng mức miễn
thường, giảm trừ số tiền bồi thường (nếu có).
d) Công tác giám định tổn thất; cơ
quan, tổ chức giám định tổn thất; chi phí giám định tổn thất.
đ) Xác định sự kiện bảo hiểm, căn cứ
bồi thường; các trường hợp bồi thường căn cứ vào công bố hoặc xác nhận thiên
tai, dịch bệnh của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các trường hợp bảo hiểm theo
chỉ số, thỏa thuận cụ thể về các chỉ số có liên quan trực tiếp đến tổn thất của
đối tượng bảo hiểm, cơ quan, tổ chức xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế
so với chỉ số được bảo hiểm; cách thức xác định số tiền bồi
thường.
e) Hình thức bồi thường; hồ sơ bồi
thường (trong đó thỏa thuận cụ thể các tài liệu bên mua bảo hiểm, người được bảo
hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm); thời hạn bồi thường.
g) Trách nhiệm của các bên trong công
tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo
hiểm theo quy định tại Nghị định này.
h) Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm,
người được bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật
trong sản xuất nông nghiệp (nếu có).
2. Hợp đồng bảo hiểm giao kết giữa tổ
chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và doanh
nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
Điều 7. Đồng bảo
hiểm nông nghiệp
1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực
hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm nhằm phân tán, chia sẻ
rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.
2. Trường hợp thực hiện đồng bảo hiểm
nông nghiệp:
a) Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp phải
ghi rõ tên và tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng
bảo hiểm; tên doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối thực hiện hợp đồng bảo
hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết
trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với bên mua bảo hiểm.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò
đầu mối có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao kết hợp đồng
bảo hiểm và thay mặt các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm khác giải
quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm
nông nghiệp.
Điều 8. Tái bảo
hiểm nông nghiệp
1. Trường hợp tái bảo hiểm trong nước,
doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải bảo đảm:
a) Đáp ứng các yêu cầu về vốn, biên
khả năng thanh toán và tuân thủ các quy định về nhận tái bảo hiểm theo quy định
tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Có chương
trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định
pháp luật.
2. Trường hợp tái bảo hiểm ra nước
ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về tái bảo hiểm
ra nước ngoài.
Điều 9. Bồi thường
bảo hiểm nông nghiệp
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh
nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo
hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp
bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường
của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại
thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp
bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được
bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận
tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
3. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp
bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Điều 10. Giải
quyết tranh chấp
1. Tranh chấp phát sinh trong việc thực
hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước hết được giải quyết trên cơ sở thương
lượng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, quy định của Luật kinh doanh bảo
hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp không giải quyết được bằng
thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại
Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật.
Điều 11. Quy tắc,
điều khoản, biểu
phí bảo hiểm nông nghiệp
1. Doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây
dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo
hiểm nông nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm,
các quy định pháp luật có liên quan và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính
trước khi triển khai.
2. Trường hợp thực hiện chính sách hỗ
trợ bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn
quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp trước khi triển khai. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê chuẩn
sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định
này.
Điều 12. Trách
nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm
nông nghiệp
1. Giải thích và cung cấp đầy đủ
thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ
thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khi bên mua bảo hiểm xác nhận
đã hiểu rõ các nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp.
2. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm
nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm
nguyên tắc số đông bù số ít và chủ động thực hiện phân tán, chia sẻ rủi ro
thông qua các phương thức đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp.
3. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi
ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định
tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
4. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, kịp
thời cử cán bộ tiếp cận đối tượng bảo hiểm và hướng dẫn người được bảo hiểm thực
hiện các biện pháp hạn chế tổn thất (nếu có). Chi trả các chi phí cần thiết, hợp
lý để hạn chế tổn thất.
5. Tổ chức công tác giám định tổn thất
để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất công khai, minh bạch theo thỏa thuận tại
hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật. Trường hợp bảo hiểm theo
chỉ số, thu thập công bố, xác nhận của cơ quan chức năng về
sự kiện bảo hiểm (nếu có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm); tổ chức công tác
xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm đã thỏa
thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
6. Trường hợp xác định tổn thất thuộc
trách nhiệm bồi thường, cử cán bộ hướng dẫn người được bảo hiểm các hồ sơ, tài
liệu cần cung cấp để phục vụ công tác giải quyết bồi thường.
7. Trả tiền bồi thường đầy đủ cho người
được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định
pháp luật.
8. Thực hiện các trách nhiệm khác
theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
Điều 13. Trách
nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng
bảo hiểm nông nghiệp
1. Bảo đảm có quyền lợi có thể được bảo
hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định pháp luật.
2. Cung cấp đầy đủ, trung thực thông
tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm (bao gồm cả trường hợp đối tượng bảo hiểm
bị thiệt hại) cho doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm
nông nghiệp sau khi đã hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm,
quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm
do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, giải thích.
4. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi
ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định
tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
5. Tạo điều kiện
cho doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra các điều kiện bảo đảm
an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
6. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp
bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn
của doanh nghiệp bảo hiểm để hạn chế tổn thất.
7. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp
bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn
thất, giải quyết bồi thường.
8. Thực hiện các trách nhiệm khác
theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
Mục 2. KIỂM SOÁT RỦI
RO, ĐỀ PHÒNG, HẠN CHẾ TỔN THẤT VÀ PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN BẢO HIỂM
Điều 14. Trách
nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống
gian lận bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm,
người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có
liên quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất
và phòng, chống gian lận bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính
sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17
Nghị định này.
Điều 15. Kiểm
soát rủi ro
1. Kiểm soát rủi ro trong bảo hiểm
nông nghiệp là quá trình nhận dạng, đánh giá, giám sát, quản lý những rủi ro tiềm
tàng, có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện bảo hiểm nông
nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện biện
pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi ro, trong đó quy định trách nhiệm
cụ thể của từng cá nhân và bộ phận trong việc thực hiện quy trình kiểm soát rủi
ro.
b) Định kỳ hàng năm thực hiện rà
soát, đánh giá lại, bảo đảm tính hiệu quả và hiệu lực của biện pháp kiểm soát rủi
ro và quy trình kiểm soát rủi ro.
3. Bên mua bảo hiểm, người được bảo
hiểm chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi
ro đối với đối tượng bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó cần
thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ và kiểm
dịch thực vật, bảo vệ môi trường; quy chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do cơ
quan có thẩm quyền ban hành và những quy định khác của pháp luật có liên quan
nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
4. Các cơ quan chức năng có liên quan
tổ chức triển khai, giám sát, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp
thực hiện công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tổ chức
thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất
nông nghiệp.
Điều 16. Đề phòng,
hạn chế tổn thất
1. Đề phòng, hạn
chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp là việc áp dụng các biện pháp để tránh,
hạn chế những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm.
2. Đề phòng, hạn
chế tổn thất trước hết là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động thực hiện phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống dịch bệnh và khắc phục thiệt hại sau
dịch bệnh theo quy định pháp luật; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về
việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất
theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).
3. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đề
phòng, hạn chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp theo quy định sau:
a) Các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn
thất bao gồm:
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền,
giáo dục; hỗ trợ công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ bảo
hiểm nông nghiệp của chính quyền địa phương;
- Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật
chất để đề phòng, hạn chế rủi ro;
- Hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm
mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng
bảo hiểm;
- Thuê các tổ chức, cá nhân khác giám
sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm được chi tối
đa 10% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp thu được để chi cho các biện pháp đề
phòng, hạn chế tổn thất quy định tại điểm a Khoản này.
4. Các cơ quan chức năng có liên quan
hướng dẫn thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất trong sản xuất
nông nghiệp, trong đó thực hiện giám sát phát hiện sớm và thông báo tình hình dịch
bệnh động vật, dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; hướng dẫn các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức chống dịch, thực
hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; chỉ đạo thực
hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch;
tổ chức công tác ứng phó thiên tai, hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; tổ
chức tuyên truyền về công tác đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động sản xuất
nông nghiệp.
Điều 17. Phòng,
chống gian lận bảo hiểm
1. Phòng, chống gian lận bảo hiểm
trong bảo hiểm nông nghiệp là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn
chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm
nông nghiệp nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm
chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện,
giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức công tác tuyên truyền phòng,
chống gian lận bảo hiểm.
3. Bên mua bảo hiểm, người được bảo
hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm. Trường hợp
phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm, kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo
hiểm và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Các cơ quan chức năng có liên quan
phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức
công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm tại địa bàn, bảo đảm ổn định trật tự xã
hội trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ
trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Chương III
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Điều 18. Đối tượng
bảo hiểm được hỗ trợ
1. Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau.
2. Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm.
3. Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm
thẻ chân trắng, cá tra.
Điều 19. Mức hỗ
trợ
1. Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc
diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
2. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không
thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
3. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo
mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học
công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông
nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo
hiểm nông nghiệp.
Điều 20. Rủi ro
được bảo hiểm được hỗ trợ
1. Rủi ro thiên
tai, bao gồm:
Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa
lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do
mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại,
mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác
nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Rủi ro dịch bệnh,
bao gồm:
a) Dịch bệnh động
vật:
- Dịch bệnh động vật trên cạn: Các bệnh
truyền nhiễm của động vật trên cạn theo danh mục bệnh động vật phải công bố dịch
(bao gồm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và
các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật) do cơ quan có thẩm quyền
ban hành theo quy định của pháp luật thú y.
- Dịch bệnh động vật thủy sản: Các bệnh
của động vật thủy sản theo danh mục bệnh phải công bố dịch do cơ quan có thẩm
quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.
b) Dịch hại thực
vật: Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại
nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch
thực vật.
Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác
nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 21. Địa bàn
được hỗ trợ
1. Địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính
theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông
nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định
tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
2. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có thể triển khai toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện,
xã. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được hỗ trợ, loại
cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ,
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn được hỗ trợ
tổ chức lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên các
phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và thông báo bằng văn bản cho Bộ
Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 22. Thực hiện
chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong từng thời kỳ
1. Căn cứ quy định tại Điều 18, Điều
19, Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này và khả năng cân đối ngân sách
trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cụ thể về đối tượng
tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi,
nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ
trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách
trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông
nghiệp được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phí bảo hiểm
nông nghiệp có đối tượng bảo hiểm và tham gia bảo hiểm cho rủi ro được bảo hiểm
theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 1 Điều này và thuộc
địa bàn được hỗ trợ theo công bố của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này.
Điều 23. Nguồn
kinh phí hỗ trợ
1. Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông
nghiệp được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được
bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
2. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương
cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thực hiện
theo quy định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân
sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Điều 24. Hồ sơ,
trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ
1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng
được hỗ trợ gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị xem xét, phê duyệt đối
tượng được hỗ trợ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Bản kê khai về cây trồng, vật
nuôi, nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 02 quy định
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Tài liệu chứng minh thuộc đối tượng
được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trường hợp đối tượng được hỗ trợ
là tổ chức sản xuất nông nghiệp.
2. Trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng
được hỗ trợ
a) Căn cứ Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy
định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp lập
hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này và
gửi (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức,
cá nhân thực hiện sản xuất nông nghiệp.
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, căn cứ Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn
được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp
xã rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đề nghị phê duyệt
đối tượng được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, căn cứ Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy
định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được
hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi và báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy
ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm định, tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân
sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, căn cứ Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí
bảo hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 03 quy định tại
Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Quyết định này được gửi đến Sở Tài
chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp
xã có liên quan.
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể
từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng
được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện niêm yết công khai danh sách tổ
chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm
nông nghiệp tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, thông báo trên hệ thống thông
tin, truyền thông của xã và sao gửi cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp
trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp yêu cầu.
3. Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban
nhân dân các cấp có liên quan tổ chức thực hiện công tác phê duyệt đối tượng được
hỗ trợ trong trường hợp có đề nghị phê duyệt mới của các tổ chức, cá nhân sản
xuất nông nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều này; đồng thời
thực hiện rà soát, điều chỉnh danh sách đối tượng được hỗ
trợ đã được phê duyệt đối với các trường hợp có thông báo theo quy định tại Khoản
4 Điều này.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông
nghiệp có tên trong Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ có
trách nhiệm rà soát, trường hợp không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc trường
hợp thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả điều
tra, rà soát hàng năm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hỗ
trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm
không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc thời điểm có hiệu lực của quyết định
công nhận hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách
nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 04 quy
định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết
thúc tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện
để Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh danh sách đối tượng
được hỗ trợ đã được phê duyệt theo quy định tại Khoản 3 Điều này và thẩm định hồ
sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ theo quy định tại điểm
b Khoản 2 Điều 26 Nghị định này.
Điều 25. Phương
thức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Việc hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện
thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 26 Nghị
định này khi đã thực hiện giao kết hợp đồng
bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Điều 26. Hồ sơ, trình
tự, thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
1. Hồ sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm
nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước do doanh nghiệp bảo hiểm lập và
bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị định này.
b) Bảng kê (kèm theo bản sao) hợp đồng
bảo hiểm nông nghiệp mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ký kết với tổ chức, cá nhân sản
xuất nông nghiệp theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trình tự và thủ tục chi trả phí bảo
hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, doanh nghiệp bảo hiểm lập hồ sơ
đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ quy định
tại Khoản 1 Điều này và gửi (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) đến Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận
được đầy đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, căn cứ Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 24 Nghị định này, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hoàn thành việc thẩm
định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định chi trả phí bảo hiểm
nông nghiệp được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ. Trường hợp
từ chối chi trả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thông
báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm và nêu rõ lý do.
c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định chi trả, Sở Tài chính căn cứ vào Quyết
định chi trả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lập lệnh chi tiền cho doanh nghiệp
bảo hiểm qua Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thực hiện
chuyển tiền về tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm mở tại
các ngân hàng thương mại.
d) Trường hợp chưa hoàn thành việc
chi trả cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính thông báo bằng văn bản
cho doanh nghiệp bảo hiểm và nêu rõ lý do.
Điều 27. Chấm dứt
việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
1. Trường hợp có sự thay đổi chính
sách dẫn đến thay đổi điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm
nông nghiệp, đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ
chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm
nông nghiệp theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp đã giao kết cho đến khi hết thời
hạn hiệu lực bảo hiểm.
2. Trường hợp thay đổi diện hộ nghèo,
cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát hàng năm của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp,
cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng mức hỗ trợ phí bảo hiểm
nông nghiệp theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp đã giao kết cho đến khi hết thời hạn hiệu lực bảo hiểm.
3. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm nông
nghiệp chấm dứt hiệu lực trước thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân sản xuất
nông nghiệp thực hiện hoàn trả lại ngân sách nhà nước số phí bảo hiểm nông nghiệp
đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng
bảo hiểm theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông
nghiệp chấm dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và hoàn trả lại ngân
sách nhà nước số phí bảo hiểm nông nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ
tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm kể từ thời điểm:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất nông
nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo
hiểm nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này (trừ trường hợp quy
định tại Khoản 1 Điều này).
b) Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nông
nghiệp trước thời hạn hiệu lực.
Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp
hoàn trả lại số phí bảo hiểm nông nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ
thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều
này.
5. Trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại điểm
a Khoản 4 Điều này, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp bảo
hiểm thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể
từ thời điểm không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ
chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân
cấp xã để thực hiện thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này và
doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện thủ tục hoàn phí bảo hiểm đã được ngân sách
nhà nước hỗ trợ. Thông báo ghi rõ thời điểm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp
không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xử
lý hậu quả pháp lý liên quan đến số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ
theo quy định tại Khoản 6 Điều này.
6. Trình tự, thủ tục hoàn phí bảo hiểm
đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
kết thúc tháng, doanh nghiệp bảo hiểm tổng hợp lại các trường hợp quy định tại
Khoản 4 Điều này, gửi văn bản thông báo (trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện)
đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị chi trả
phí bảo hiểm nông nghiệp.
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
nhận được văn bản thông báo của doanh nghiệp bảo hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm hoàn
thành việc thẩm định:
- Số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân
sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách nhà nước tương ứng với
thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có
liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (trong trường hợp ngân sách nhà nước đã chuyển
đủ phí bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp).
Chi phí hợp lý thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Số phí bảo hiểm mà ngân sách nhà nước
có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với thời gian đã
được bảo hiểm tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm (trong trường hợp
ngân sách nhà nước chưa chuyển đủ phí bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ cho tổ chức,
cá nhân sản xuất nông nghiệp).
Đối với trường hợp quy định tại điểm
a Khoản 4 Điều này, thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm được tính từ thời
điểm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với trường hợp quy định tại điểm
b Khoản 4 Điều này, thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm được tính từ thời
điểm chấm dứt hiệu lực bảo hiểm trước thời hạn.
Kết quả thẩm định phải được lập thành
văn bản và được lưu giữ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Căn cứ kết quả thẩm định, trong thời
hạn 10 ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo trình Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển trả cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc
yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển trả lại ngân sách nhà nước số phí bảo hiểm
theo quy định tại điểm b Khoản này.
Quyết định này được gửi cho các cơ
quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc
Nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đối tượng được hỗ trợ và
doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan.
d) Căn cứ quyết định của Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban
hành Quyết định, Sở Tài chính lập lệnh chi tiền cho doanh nghiệp bảo hiểm qua
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thực hiện chuyển tiền về
tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm mở tại các ngân hàng
thương mại hoặc ngược lại doanh nghiệp bảo hiểm đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước
cấp tỉnh để thực hiện thủ tục hoàn trả lại ngân sách nhà nước.
Điều 27. Chấm
dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Cùng với thời gian lập dự toán ngân
sách hàng năm, căn cứ vào số lượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc
đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu tham
gia bảo hiểm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến kinh
phí thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gửi Sở Tài chính tổng hợp, xác định rõ phần ngân sách địa phương phải cân
đối và phần ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định, báo
cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng với dự toán chi ngân sách địa phương theo quy
định của Luật ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân
sách nhà nước hàng năm theo quy định.
Điều 29. Phân bổ
dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí
1. Phân bổ dự toán
a) Hàng năm, căn cứ dự toán Thủ tướng
Chính phủ giao, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung có mục tiêu
từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ
bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
b) Căn cứ dự toán được Thủ tướng
Chính phủ giao và phần ngân sách địa phương tự đảm bảo: Sở
Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập phương
án phân bổ dự toán kinh phí, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ
trợ bảo hiểm nông nghiệp trong dự toán chi đã được duyệt.
2. Về quản lý và
quyết toán kinh phí
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm quản lý và sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trường hợp kết thúc năm, kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông
nghiệp không sử dụng hết (nếu có) được thực hiện theo quy
định của Luật ngân sách nhà nước. Trường hợp trong năm thiếu kinh phí, các địa
phương chủ động ứng trước kinh phí để chi trả cho doanh nghiệp bảo hiểm; đồng
thời gửi văn bản về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem
xét bổ sung từ ngân sách trung ương (đối với các địa phương được ngân sách
trung ương hỗ trợ). Kết thúc thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm
nông nghiệp, số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ còn dư (nếu có), đề nghị địa
phương hoàn trả ngân sách trung ương.
b) Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông
nghiệp được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của từng cấp
ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật
và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 30. Điều kiện
doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai
chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu sau:
1. Được triển khai nghiệp vụ bảo hiểm
nông nghiệp theo Giấy phép thành lập và hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn,
khả năng thanh toán theo quy định, có quy trình của doanh nghiệp bảo hiểm về
khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm nông nghiệp, quy trình kiểm soát nội
bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; có chương
trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định
pháp luật.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hoặc
doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có
trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 31. Phương
thức triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực
hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức
đồng bảo hiểm trên tất cả các hợp đồng bảo hiểm.
Điều 32. Hợp đồng
bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nông
nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo
hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm quy định sau:
1. Hợp đồng bảo hiểm có đầy đủ các nội
dung quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
2. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm
khi tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều
22 Nghị định này và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối tượng được hỗ
trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
3. Giao kết độc lập với các hợp đồng
bảo hiểm nông nghiệp khác.
4. Tách biệt cụ thể số phí bảo hiểm
mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ và số
phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tự chịu trách nhiệm đóng
(không được ngân sách nhà nước hỗ trợ).
5. Thỏa thuận cụ thể về thời hạn và
phương thức đóng phí bảo hiểm bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật. Trong đó,
đối với số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được ngân sách
nhà nước hỗ trợ, việc đóng phí bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị
định này.
6. Thỏa thuận thời hạn hiệu lực bảo
hiểm không quá 01 năm.
Điều 33. Hồ sơ,
trình tự, thủ tục phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp
1. Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các
sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc
đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp phải được Bộ Tài chính phê chuẩn
trước khi triển khai.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm gửi (trực tiếp
hoặc qua đường bưu điện) 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn bao gồm các
tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo
hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Quy tắc, điều
khoản, biểu phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển
khai;
c) Công thức, phương pháp và giải
trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí, dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm
dự kiến triển khai có xác nhận của chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng
thanh toán về việc phí bảo hiểm được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm
khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm;
d) Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng
bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng và các mẫu
giấy tờ khác mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.
3. Trình tự, thủ tục phê chuẩn sản phẩm
bảo hiểm nông nghiệp
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
nhận được đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính tổng hợp,
xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề nghị phê chuẩn sản
phẩm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm.
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có văn bản tham gia ý kiến về đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông
nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm.
c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
nhận được văn bản tham gia ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
căn cứ hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo
hiểm, Bộ Tài chính xem xét, có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận,
Bộ Tài chính có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm
tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu
phí đã được phê chuẩn. Trường hợp thay đổi phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước
khi thực hiện.
Điều 34. Theo
dõi doanh thu, chi phí
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo
dõi riêng doanh thu, chi phí, kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và doanh
thu, chi phí, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 35. Trách
nhiệm của Bộ Tài chính
1. Tổ chức tuyên truyền về bảo hiểm
nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định
tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo quy
định tại Điều 33 Nghị định này.
4. Bố trí ngân sách để thực hiện
chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định này theo yêu cầu của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 36. Trách
nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức tuyên truyền thực hiện bảo
hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
2. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định
này.
3. Phối hợp với
Bộ Tài chính phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại
Điều 33 Nghị định này.
4. Ban hành văn bản hướng dẫn quy
trình công bố thiên tai; quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh theo quy định
tại Điều 20 Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định này theo yêu cầu của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
6. Ban hành quy trình, quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều
kiện cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông
nghiệp.
Điều 37. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động tổ
chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định
tại Nghị định này.
2. Tổ chức thực hiện bảo hiểm nông
nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn phối hợp thực hiện bảo hiểm
nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định
này.
3. Tổ chức thực hiện phê duyệt đối tượng
được hỗ trợ theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
4. Căn cứ dự toán ngân sách đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo
hiểm nông nghiệp và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo
quy định tại Nghị định này.
5. Chỉ đạo các cơ quan chức năng có
liên quan tổ chức thực hiện công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất
và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định
này.
6. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy
định sau:
a) Định kỳ hàng quý, hàng năm, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo chi tiết về kinh phí hỗ trợ phí bảo
hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Bộ Tài chính; báo cáo kết quả thực
hiện bảo hiểm nông nghiệp cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị định này gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Thời hạn báo cáo
- Báo cáo quý: Chậm nhất là 30 ngày kể
từ ngày kết thúc quý.
- Báo cáo năm: Chậm nhất là 60 ngày kể
từ ngày kết thúc năm tài chính.
Điều 38. Trách
nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam
1. Phối hợp với chính quyền địa
phương để tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định
này.
2. Hướng dẫn, vận động hội viên tuân
thủ quy định pháp luật về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và các quy định pháp
luật có liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
3. Chủ động tuyên truyền về việc thực
hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Điều 39. Trách
nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm
1. Tổ chức thực hiện bảo hiểm nông
nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện
chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm:
a) Thực hiện lập và gửi cho Bộ Tài
chính các báo cáo nghiệp vụ theo tháng, quý, năm theo Mẫu
số 10, Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý, năm
theo Mẫu số 12, Mẫu số
13 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Thời hạn báo cáo
- Báo cáo tháng: Chậm nhất là 15 ngày
kể từ ngày kết thúc tháng.
- Báo cáo quý: Chậm nhất là 30 ngày kể
từ ngày kết thúc quý.
- Báo cáo năm: Chậm nhất là 90 ngày kể
từ ngày kết thúc năm tài chính.
c) Ngoài các báo cáo nghiệp vụ quy định
tại điểm a Khoản này, Bộ Tài chính có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo
bổ sung về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp để phục vụ
cho công tác thống kê và đánh giá tình hình triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
d) Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách
nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo của mình.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. Hiệu lực
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành
từ ngày 05 tháng 6 năm 2018. Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Khoản 1 Điều 22 Nghị
định này trong từng thời kỳ.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu
trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). XH
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
Mẫu số 01
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT, PHÊ DUYỆT ĐỐI
TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ
Kính gửi:
Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn....
Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP
ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
/QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;
Trường hợp cá nhân sản xuất nông
nghiệp:
- Tên cá nhân sản xuất nông nghiệp:
[Tên đầy đủ]
- Ngày, tháng, năm sinh:
- CMND/Hộ chiếu/Thẻ
căn cước công dân số: [...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...tại [Nơi
cấp]
- Địa chỉ thường trú:
- Thuộc diện: □ Hộ nghèo □ Hộ cận nghèo □ Hộ
khác
Trường hợp tổ chức sản xuất nông
nghiệp:
- Tên tổ chức sản xuất nông nghiệp:
[Tên đầy đủ]
- Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
[...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...
- Địa chỉ:
- Là tổ chức sản xuất nông nghiệp thuộc
diện đối tượng tổ chức được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số .../QĐ-TTg ngày tháng
năm 20... của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Ủy ban nhân dân xã/phường/thị
trấn ... rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chúng tôi
là đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày... tháng... năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm
nông nghiệp.
Tôi cam kết chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.
Hồ sơ kèm theo:
- Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, thủy sản….
(Liệt kê đầy đủ)
|
…., ngày.... tháng.... năm...
Chủ hộ/Người đại diện tổ chức
(Ký tên, đóng dấu (nếu có))
|
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;
|
|
Mẫu số 02
BẢN KÊ KHAI
VỀ
CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN
Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp:...
STT
|
Loại
cây trồng/ vật nuôi/thủy sản
|
Diện
tích cây trồng
|
Số
lượng vật nuôi
|
Diện
tích nuôi trồng thủy sản
|
1
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH/
THÀNH PHỐ...
-------
|
Mẫu số 03
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ……./QĐ-UBND
|
….., ngày … tháng … năm 20…
|
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt danh sách đối tượng
được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định số ... /2018/NĐ-CP
ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm
nông nghiệp
CHỦ
TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/THÀNH PHỐ...
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số..../2018/NĐ-CP
ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
/QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố...,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định số
/2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính
phủ về bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn... (danh sách kèm theo).
Điều 2. Định
kỳ hàng quý, theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày tháng
năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh/thành phố rà soát, đảm bảo danh sách đối tượng
được hỗ trợ phí bảo hiểm kèm theo Quyết định này phù hợp với Quyết định số
/QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về ...
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ
NN&PTNT;
- Bộ Tài chính;
- Sở Tài chính tỉnh/thành phố...;
- Sở NN&PTNT tỉnh/thành phố...;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố...;
- …..
|
CHỦ TỊCH
(Ký tên và đóng dấu)
|
DANH
SÁCH ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ BẢO HIỂM
(Ban
hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 20... của UBND tỉnh/thành phố...)
STT
|
Địa
bàn
|
Tổ
chức/cá nhân sản xuất nông nghiệp
|
Diện
hộ/ tổ chức sản xuất nông nghiệp
|
Loại
cây trồng/ vật nuôi/ thủy sản
|
Diện
tích cây trồng
|
Số
lượng vật nuôi
|
Diện
tích nuôi trồng thủy sản
|
A
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Xã….
|
|
|
|
|
|
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Xã…
|
|
|
|
|
|
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
B
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Xã…
|
|
|
|
|
|
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Xã…
|
|
|
|
|
|
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 04
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
THÔNG BÁO KHÔNG CÒN THUỘC ĐỐI TƯỢNG
ĐƯỢC HỖ TRỢ BẢO HIỂM/THAY ĐỔI DIỆN HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO
Kính gửi:
Ủy ban nhân dân xã.
Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP
ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
/QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;
Trường hợp cá nhân sản xuất nông
nghiệp:
- Tên cá nhân sản xuất nông nghiệp:
[Tên đầy đủ]
- Ngày, tháng, năm sinh:
- CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân số: [...] do [Tên cơ quan cấp]
ngày...tháng...năm...tại [Nơi cấp]
- Địa chỉ thường trú:
- Chúng tôi xin thông báo:
□ Không còn thuộc đối tượng được hỗ
trợ
□ Thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo
(Trước đây...; Hiện nay...)
Trường hợp tổ chức sản xuất nông
nghiệp:
- Tên tổ chức sản xuất nông nghiệp:
[Tên đầy đủ]
- Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
[...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...
- Địa chỉ:
- Chúng tôi xin thông báo: Chúng tôi
không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Tôi cam kết chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.
Hồ sơ kèm theo:
- Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, thủy sản….
(Liệt kê đầy đủ)
|
…., ngày.... tháng.... năm...
Cá nhân/Người đại diện
theo pháp luật của tổ chức
(Ký tên, đóng dấu (nếu có))
|
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;
|
|
Mẫu số 05
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ NGHỊ CHI TRẢ PHÍ BẢO HIỂM
Kính gửi:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP
ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;
Căn cứ số lượng tham gia bảo hiểm tại
địa bàn tỉnh, thành phố...
Chúng tôi là:
- [Tên đầy đủ và chính thức của doanh
nghiệp bảo hiểm]
- Giấy phép thành lập và hoạt động số:…….
do Bộ Tài chính cấp ngày.... tháng.... năm....
- Địa chỉ trụ sở chính:
Đề nghị Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố... thực hiện các thủ tục cần thiết
để chi trả cho công ty chúng tôi phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ
theo quy định tại Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày...tháng....năm 2018.
Số tiền đề nghị chi trả: ……. đồng
Công ty cam kết chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.
Hồ sơ kèm theo:
(Liệt kê đầy đủ)
|
…., ngày.... tháng.... năm...
Đại diện trước pháp luật
Chủ tịch/Tổng Giám đốc
(Ký tên và đóng dấu)
|
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;
|
|
Mẫu số 06
BẢNG KÊ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TẠI ĐỊA
BÀN TỈNH....
TÊN DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM...
Báo cáo tháng... (từ ngày... tháng...
đến ngày... tháng... năm 20...)
STT
|
HĐBH
|
Đối
tượng hỗ trợ
|
Số
tiền bảo hiểm (đồng)
|
Số
phí bảo hiểm (đồng)
|
Tổ
chức, cá nhân mua bảo hiểm
|
Số
HĐBH
|
Ngày
HĐBH
|
Nghèo,
cận nghèo
|
Không thuộc nghèo, cận nghèo
|
Tổ
chức
|
Cây
trồng
|
Vật
nuôi
|
Thủy
sản
|
Tổng
số
|
NSNN
hỗ trợ
|
Tổ
chức, cá nhân nộp
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi cam kết những thông tin
trên là đúng sự thật./.
|
....,
ngày.... tháng.... năm....
Đại diện trước pháp luật
Chủ tịch/Tổng Giám đốc
(Ký tên và đóng dấu)
|
Mẫu số 07
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
...,
ngày...tháng...năm… …
ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ CHUẨN
SẢN
PHẨM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
Kính gửi:
Bộ Tài chính.
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số
24/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 và các văn bản
hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 73/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh
doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số
/2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính
phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
Chúng tôi là:
- Tên đầy đủ và tên viết tắt của
doanh nghiệp bảo hiểm/chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
Giấy phép thành lập và hoạt động số...
do Bộ Tài chính cấp ngày....
Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính chấp
thuận sản phẩm bảo hiểm với những nội dung như sau:
1. Tên sản phẩm bảo hiểm đề nghị phê
chuẩn/sửa đổi, bổ sung
STT
|
Tên
sản phẩm
|
Nghiệp
vụ bảo hiểm
|
Tên
thương mại (nếu có)
|
..
|
…
|
…
|
…
|
2. Nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm
đề nghị phê chuẩn/sửa đổi, bổ sung (tóm tắt các nội dung cơ bản)
- Bên mua bảo hiểm
- Người được bảo hiểm
- Thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng
phí bảo hiểm
- Quyền lợi bảo hiểm
3. Đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung sản
phẩm bảo hiểm
- Nội dung đề nghị sửa đổi (liệt kê
rõ các nội dung trước và sau sửa đổi);
- Giải trình lý do sửa đổi, bổ sung
trong đó kèm theo các giải trình kỹ thuật liên quan.
Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm về
sự chính xác và phù hợp với quy định pháp luật, các thông lệ quốc tế về định
phí bảo hiểm đối với quy tắc, điều khoản,
biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm đề nghị phê chuẩn./.
CHUYÊN
GIA TÍNH TOÁN/
CHUYÊN GIA TÍNH TOÁN DỰ PHÒNG VÀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
TỔNG
GIÁM ĐỐC/
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên và đóng dấu)
|
Hồ sơ kèm theo:
- Liệt kê rõ tài liệu kèm theo
Mẫu số 08
BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHI TRẢ PHÍ BẢO
HIỂM NÔNG NGHIỆP
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
Báo cáo quý, năm
Đơn
vị: nghìn đồng
STT
|
Địa
bàn
|
Số
lượng cá nhân/tổ chức tham gia bảo hiểm
|
Tổng
giá trị bảo hiểm
|
Tổng
phí bảo hiểm
|
Bao
gồm
|
Lý
do chưa thanh toán
|
Phần
các cá nhân/ tổ chức đã nộp
|
Phần
NSNN hỗ trợ (đã chi)
|
Bao
gồm
|
Cây
trồng
|
Vật
nuôi
|
Nuôi
trồng thủy sản
|
Cây
trồng
|
Vật
nuôi
|
Nuôi
trồng thủy sản
|
Chi
từ nguồn NSTW
|
Chi
từ nguồn NSĐP
|
Chưa
thanh toán theo đề nghị của DNBH
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin
trên là đúng sự thật.
|
….., ngày ….. tháng ….. năm
…..
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
(Ký tên đóng dấu)
|
Mẫu số 09
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN BẢO HIỂM
NÔNG NGHIỆP
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
Báo cáo quý, năm
STT
|
Tên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản
|
Đơn vị tính
|
Số lượng tham gia bảo hiểm
|
Tổng giá trị bảo hiểm (triệu đồng)
|
Số hộ
tham gia (hộ)
|
Tổng phí bảo hiểm (triệu đồng)
|
Số lượng được hỗ trợ bảo hiểm
|
Số hộ được hỗ trợ (hộ)
|
Tổng phí bảo hiểm do ngân sách hỗ trợ (triệu đồng)
|
Rủi ro xảy ra
|
Đền bù thiệt hại
|
Số hộ bị ảnh hưởng (hộ)
|
Khối lượng thiệt hại
|
Giá trị thiệt hại (triệu đồng)
|
Khối lượng
|
Giá trị bồi thường (triệu đồng)
|
Số hộ được bồi thường (hộ)
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
I
|
Loại cây
trồng
|
ha
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Lúa
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Cao su
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3
|
Cây....
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Vật nuôi
|
Con
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Trâu
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Bò
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3
|
Con ……
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III
|
Thủy sản
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Tôm sú
|
ha
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Cá tra
|
ha
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3
|
Thủy sản ……
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin
trên là đúng sự thật
|
…..,
ngày …. tháng ….. năm …..
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
(Ký tên đóng dấu)
|
Ghi chú: Số liệu ở cột 4, 8, 12, 14 được ghi theo đơn vị tính ở cột 3
Mẫu số 10
BẢNG
TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG HỘ, DIỆN TÍCH CÂY TRỒNG, SỐ LƯỢNG VẬT NUÔI, DIỆN TÍCH NUÔI THỦY
SẢN THAM GIA BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ..../2018/NĐ-CP
Tên doanh nghiệp bảo hiểm:
Báo cáo tháng, quý, năm
STT
|
DNBH
|
Số lượt cá nhân/tổ chức tham gia
|
Số lượng cá nhân/tổ chức tham gia
|
Diện tích cây trồng tham gia BH (ha)
|
Số lượng vật nuôi tham gia BH (con)
|
Diện tích nuôi trồng thủy sản tham gia BH (ha)
|
Doanh thu phí bảo hiểm gốc (đồng)
|
Tổng doanh thu phí bảo
hiểm giữ lại (đồng)
|
Giá trị được bảo hiểm (triệu đồng)
|
Bồi thường bảo hiểm gốc (đồng)
|
Bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại (đồng)
|
Tổng số tiền đã bồi thường
|
Dự phòng bồi thường
|
A
|
CÂY TRỒNG
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B
|
VẬT NUÔI
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
….
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
C
|
THỦY SẢN
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
TỔNG CỘNG
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin
trên là đúng sự thật.
Người
lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
…, ngày....
tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)
|
Mẫu số 11
BẢNG TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG HỘ, DIỆN TÍCH
CÂY TRỒNG, SỐ LƯỢNG VẬT NUÔI, DIỆN TÍCH NUÔI THỦY SẢN ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỖ
TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ..../2018/NĐ-CP
Tên doanh nghiệp bảo hiểm:
Báo cáo tháng, quý, năm
STT
|
DNBH
|
Số lượt cá nhân/tổ chức tham gia
|
Số lượng cá nhân/tổ chức tham gia
|
Diện tích cây trồng tham gia BH (ha)
|
Số lượng vật nuôi tham gia BH (con)
|
Diện tích nuôi trồng thủy sản tham gia BH (ha)
|
Doanh thu phí bảo hiểm gốc (đồng)
|
Tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại (đồng)
|
Giá trị được bảo hiểm (triệu đồng)
|
Bồi thường bảo hiểm gốc (đồng)
|
Bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại (đồng)
|
Tổng số tiền đã bồi thường
|
Dự phòng bồi thường
|
A
|
CÂY TRỒNG
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B
|
VẬT NUÔI
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
C
|
THỦY SẢN
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Tỉnh...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Huyện...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Xã...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
TỔNG CỘNG
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin
trên là đúng sự thật.
Người
lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
....,
ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)
|
Mẫu số 12
BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH
DOANH
BẢO
HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ……./2018/NĐ-CP
Tên doanh nghiệp bảo hiểm:
Đơn vị
tính: đồng
Chỉ
tiêu
|
Mã
số
|
Tại
thời điểm 31/12/....
|
Tại
thời điểm 31/12/20....
|
1. Doanh thu phí bảo hiểm (01 = 01.1 + 01.2 - 01.3)
|
1
|
|
|
- Phí bảo hiểm gốc
|
01.1
|
|
|
- Phí nhận tái bảo hiểm
|
01.2
|
|
|
- Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận
tái bảo hiểm
|
01.3
|
|
|
2. Phí nhượng tái bảo hiểm (02 = 02.1 - 02.2)
|
2
|
|
|
- Tổng phí nhượng tái bảo hiểm
|
02.1
|
|
|
- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm
|
02.2
|
|
|
3. Doanh thu phí bảo hiểm thuần
(03 = 01-02)
|
3
|
|
|
4. Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm
|
4
|
|
|
5. Doanh thu thuần hoạt động
kinh doanh bảo hiểm (10 = 03+04)
|
5
|
|
|
6. Chi bồi thường (6 = 6.1 -
6.2)
|
6
|
|
|
- Tổng chi bồi thường
|
6.1
|
|
|
- Các khoản giảm
trừ (Thu đòi người thứ 3 bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%)
|
6.2
|
|
|
7. Thu bồi thường nhượng tái bảo
hiểm
|
7
|
|
|
8. Dự phòng bồi thường bảo hiểm
gốc và nhận tái bảo hiểm
|
8
|
|
|
9. Dự phòng bồi thường nhượng
tái bảo hiểm
|
9
|
|
|
10. Tổng chi bồi thường bảo hiểm
(10 = 6 - 7 + 8 - 9)
|
10
|
|
|
11. Dự phòng dao động lớn
|
11
|
|
|
12. Chi phí khác hoạt động kinh
doanh bảo hiểm (12 = 12.1 + 12.2)
|
12
|
|
|
- Chi hoa hồng bảo hiểm
|
12.1
|
|
|
- Chi phí khác hoạt động kinh doanh
bảo hiểm (chi tiết từng mục chi lớn)
|
12.2
|
|
|
13. Tổng chi phí hoạt động kinh
doanh bảo hiểm (13 = 10 + 11 + 12)
|
13
|
|
|
14. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm (14 = 5 - 13)
|
14
|
|
|
15. Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho nghiệp vụ (chi tiết từng mục chi lớn)
|
15
|
|
|
16. Lợi nhuận thuần từ hoạt động
kinh doanh (16 = 14 -15)
|
16
|
|
|
Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin
trên là đúng sự thực.
Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
....,
ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)
|
Mẫu số 13
BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH
DOANH
CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ……/2018/NĐ-CP
Tên doanh nghiệp bảo hiểm:
Đơn vị
tính: đồng
Chỉ
tiêu
|
Mã
số
|
Tại
thời điểm 31/12/....
|
Tại
thời điểm 31/12/20....
|
1. Doanh thu phí bảo hiểm (01 = 01.1 + 01.2 - 01.3)
|
1
|
|
|
- Phí bảo hiểm gốc
|
01.1
|
|
|
- Phí nhận tái bảo hiểm
|
01.2
|
|
|
- Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận
tái bảo hiểm
|
01.3
|
|
|
2. Phí nhượng tái bảo hiểm (02 = 02.1 - 02.2)
|
2
|
|
|
- Tổng phí nhượng tái bảo hiểm
|
02.1
|
|
|
- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm
|
02.2
|
|
|
3. Doanh thu phí bảo hiểm thuần
(03 = 01-02)
|
3
|
|
|
4. Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm
|
4
|
|
|
5. Doanh thu thuần hoạt động kinh
doanh bảo hiểm (10 = 03+04)
|
5
|
|
|
6. Chi bồi thường (6 = 6.1 -
6.2)
|
6
|
|
|
- Tổng chi bồi thường
|
6.1
|
|
|
- Các khoản giảm
trừ (Thu đòi người thứ 3 bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%)
|
6.2
|
|
|
7. Thu bồi thường nhượng tái bảo
hiểm
|
7
|
|
|
8. Dự phòng bồi thường bảo hiểm
gốc và nhận tái bảo hiểm
|
8
|
|
|
9. Dự phòng bồi thường nhượng
tái bảo hiểm
|
9
|
|
|
10. Tổng chi bồi thường bảo hiểm
(10 = 6 - 7 + 8 - 9)
|
10
|
|
|
11. Dự phòng dao động lớn
|
11
|
|
|
12. Chi phí khác hoạt động kinh doanh
bảo hiểm (12 = 12.1 + 12.2)
|
12
|
|
|
- Chi hoa hồng bảo hiểm
|
12.1
|
|
|
- Chi phí khác hoạt động kinh doanh
bảo hiểm (chi tiết từng mục chi lớn)
|
12.2
|
|
|
13. Tổng chi phí hoạt động kinh
doanh bảo hiểm (13 = 10 + 11 + 12)
|
13
|
|
|
14. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh
doanh bảo hiểm (14 = 5 - 13)
|
14
|
|
|
15. Chi phí quản lý doanh nghiệp
phân bổ cho nghiệp vụ (chi
tiết từng mục chi lớn)
|
15
|
|
|
16. Lợi nhuận thuần từ hoạt động
kinh doanh (16 = 14 - 15)
|
16
|
|
|
Chúng tôi xin đảm
bảo những thông tin trên là đúng sự thực.
Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
....,
ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)
|