Về vấn đề trên, căn cứ theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
...
Dựa trên quy định trên, hộ kinh doanh dạy thêm mà có sử dụng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ vẫn phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hộ kinh doanh dạy thêm có phải đóng BHXH? (Hình từ internet)
Căn cứ vào khoản 2 Điều 7 của Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020:
Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH;
Cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
Như vậy, đối với hộ kinh doanh dạy thêm sẽ đóng BHXH 03 hoặc 06 tháng một lần.
Lưu ý: Đối với những giáo viên có từ 02 hợp đồng trở lên thì sẽ thực hiện đóng BHXH theo phương thức:
- Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên;
- Đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất;
- Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động (tức đóng cả 2 hợp đồng).
Tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, đã nêu 03 quy định về dạy thêm và học thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025 như sau:
(1) Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
(2) Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
(3) Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
Như vậy, từ ngày 14/02/2025 thì việc dạy thêm và học thêm bên ngoài nhà trường phải đảm bảo tuân thủ theo các nội dung của 03 quy định đã nêu trên.