Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi điều động người lao động làm thêm thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động. Mức lương làm thêm giờ được tính theo quy định sau:
>> Trả lương cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh
>> Xây dựng và thông báo Thang lương, Bảng lương và phụ cấp lương
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức làm thêm giờ đối với người lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật (xem chi tiết tại công việc "Tổ chức làm thêm giờ"). Đồng thời, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải trả đầy đủ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định sau đây:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 và Điều 106 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Trong đó:
- Làm thêm giờ vào ban ngày là việc người lao động làm thêm giờ trong khoảng thời gian từ 06 giờ đến 22 giờ.
- Làm thêm giờ vào ban đêm là việc người lao động làm thêm giờ trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.
Trong cùng một ngày, nếu người lao động vừa có thời giờ làm thêm vào ban đêm, vừa có thời giờ làm thêm vào ban ngày; thì tiền lương làm thêm giờ phải được tính tương ứng với từng thời giờ đó.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 (được hướng dẫn bởi Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP), tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày của người lao động được xác định như sau:
Tùy vào ngày người lao động phát sinh làm thêm giờ mà tiền lương làm thêm giờ của họ được tính theo các công thức tương ứng sau đây:
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
Tiền lương làm thêm giờ |
Ngày làm việc bình thường |
Ít nhất bằng (=) 150% x A x Số giờ làm thêm |
Ngày nghỉ hàng tuần |
Ít nhất bằng (=) 200% x A x Số giờ làm thêm |
Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
Ít nhất bằng (=) 300% x A x Số giờ làm thêm (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày). |
Trong đó:
- A là tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường và KHÔNG bao gồm các khoản tiền sau: tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
- Cách xác định A (tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường):
A |
= |
Tiền lương thực trả của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà NLĐ làm thêm giờ |
Tổng số giờ thực tế làm việc trong tháng hoặc tuần hoặc ngày NLĐ làm thêm giờ |
Lưu ý:
Tổng số giờ thực tế làm việc trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 (cụ thể là không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần) mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm
Ví dụ 1:
Công nhân S có tiền lương hàng tháng theo hợp đồng lao động là 8.000.000 đồng, mỗi tuần làm 06 ngày (nghỉ hàng tuần ngày Chủ nhật), mỗi ngày làm 08 giờ.
Tháng vừa qua S có phát sinh làm thêm giờ vào ban ngày 02 giờ trong 01 ngày làm việc bình thường. Tháng đó có tổng cộng 30 ngày, trong đó có 26 ngày làm việc (do chỉ có 04 ngày Chủ nhật trong tháng).
- Số giờ làm việc trong tháng là: 27 x 8 = 208 giờ.
- Theo đó, tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền lương làm thêm giờ là:
A = 8.000.000 / 208 = 38.461 đồng.
- Như vậy, tiền lương làm thêm giờ của công nhất S ít nhất bằng:
150% x A x số giờ làm thêm = 150% x 38.461 x 2 = 115.383 đồng.
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
Tiền lương làm thêm giờ |
Ngày làm việc bình thường |
Ít nhất bằng (=) 150% x C x Số sản phẩm làm thêm |
Ngày nghỉ hàng tuần |
Ít nhất bằng (=) 200% x C x Số sản phẩm làm thêm |
Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
Ít nhất bằng (=) 300% x C x Số sản phẩm làm thêm |
Trong đó: C là đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2:
Công nhân C làm việc và hưởng lương theo sản phẩm với đơn giá là 20.000 đồng/sản phẩm được hoàn thành. Tháng vừa qua, C có 03 ngày phải làm thêm giờ vào ban ngày, mỗi ngày làm thêm 02 giờ được 20 sản phẩm; trong đó, 02 ngày làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường và có 01 ngày phải làm thêm giờ vào ngày Chủ nhật - ngày nghỉ hàng tuần.
Tiền lương làm thêm giờ của C từng ngày được xác định như sau:
- Tiền lương làm thêm giờ của mỗi ngày làm việc bình thường bằng: 150% x 20.000 x 20 = 600.000 đồng/ngày.
Tổng tiền lương làm thêm của 02 ngày làm thêm vào ngày làm việc bình thường là 600.000 x 2 = 1.200.000 đồng.
- Tiền lương làm thêm vào ngày Chủ nhật bằng: 200% x 20.000 x 20 = 800.000 đồng.
=> Tổng tiền lương làm thêm giờ của công nhân C trong 03 ngày là: 1.200.000 + 800.000 = 2.000.000 đồng.
- Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, mà ngày đó trùng vào ngày nghỉ hàng tuần; thì, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tính tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết.
- Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày nghỉ lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần; thì, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tính tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Ví dụ 3:
Công nhân X làm việc cho doanh nghiệp Y, hưởng lương theo tháng, có phát sinh làm thêm giờ trong ngày nghỉ lễ 30/4, mà ngày này lại trùng vào ngày nghỉ hàng tuần Chủ nhật. Khi đó, doanh nghiệp Y phải tính trả tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Tức là, ít nhất bằng 300% x tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm.
Ví dụ 4:
Do ngày nghỉ lễ 30/4 trùng vào ngày nghỉ hàng tuần Chủ nhật nên doanh nghiệp Y bố trí cho người lao động nghỉ bù vào ngày thứ Hai liền sau. Công nhân X vẫn tiếp tục làm thêm giờ trong ngày thứ Hai này. Khi đó, doanh nghiệp Y phải tính trả tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần cho công nhân X. Tức là, ít nhất bằng 200% x tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm.
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính với mức cao hơn tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày. Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 (được hướng dẫn bởi Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm |
Ngày làm việc bình thường |
Ít nhất bằng (150%A + 30%A + 20%B) x Số giờ làm thêm vào ban đêm |
Ngày nghỉ hàng tuần |
Ít nhất bằng (200%A + 30%A + 20%B) x Số giờ làm thêm vào ban đêm |
Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
Ít nhất bằng (300%A + 30%A + 20%B) x Số giờ làm thêm vào ban đêm (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày) |
Trong đó:
- A là tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường: được xác định tương tự như hướng dẫn tại Mục 2.1 bên trên.
- B là tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương. Cách xác định B:
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
B |
Ngày làm việc bình thường |
Nếu trong ngày, người lao động chỉ phát sinh làm thêm giờ vào ban đêm chứ không phát sinh làm thêm giờ vào ban ngày thì B ít nhất bằng 100% A. |
Nếu trong ngày đó, người lao động vừa phát sinh làm thêm giờ vào ban đêm lẫn ban ngày thì B ít nhất bằng 150% A. |
|
Ngày nghỉ hàng tuần |
B ít nhất bằng 200% A. |
Là ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
B ít nhất bằng 300% A. |
Quay lại ví dụ 01: Trong tháng mà công nhân S làm thêm có tổng cộng 30 ngày, trong đó có 26 ngày làm việc (do chỉ có 04 ngày Chủ nhật trong tháng). Theo đó, A (tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường) bằng 38.461 đồng.
Giả sử, trong tháng đó, công nhân S có 02 ngày phải làm thêm giờ vào ban đêm, mỗi đêm làm thêm 02 giờ; trong đó:
- 01 ngày làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường (chỉ làm thêm giờ vào ban đêm, không đồng thời có làm thêm giờ vào ban ngày).
- 01 ngày phải làm thêm giờ vào ban đêm của ngày Chủ nhật (ngày nghỉ hàng tuần).
Như vậy, tiền lương làm thêm giờ được tính như sau:
- Đối với ngày làm việc bình thường:
+ B ít nhất = 100% x A = 100% x 38.461 = 38.461 đồng.
+ Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ít nhất bằng:
(150%A + 30%A + 20%B) x Số giờ làm thêm vào ban đêm
= (150% x 38.461 + 30% x 38.461 + 20% x 38.461) x 2= 153.844 đồng.
- Đối với ngày Chủ nhật:
+ B ít nhất = 200% x A = 200% x 38.461 = 76.922 đồng
+ Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ít nhất bằng:
= (200%A + 30%A + 20%B) x Số giờ làm thêm vào ban đêm
= [200% x 38.461 + 30% x 38.461 + 20% x 76.922] x 2 = 207.689 đồng.
=> Tổng tiền lương làm thêm mà công nhân S nhận được ít nhất bằng: 153.844 + 207.689 = 361.533 đồng.
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm |
Ngày làm việc bình thường |
Ít nhất bằng (150%C + 30%C + 20%D) x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm |
Ngày nghỉ hàng tuần |
Ít nhất bằng (200%C + 30%C + 20%D) x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm |
Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
Ít nhất bằng (300%C + 30%C + 20%D) x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm |
Trong đó:
- C là đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường và được xác định theo đơn giá mà đôi bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- D là đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Cách xác định D:
Ngày phát sinh làm thêm giờ |
D |
Ngày làm việc bình thường |
Nếu trong ngày đó, người lao động chỉ phát sinh làm thêm giờ vào ban đêm chứ không phát sinh làm thêm giờ vào ban ngày thì ít nhất D = 100% C |
Nếu trong ngày đó, người lao động vừa phát sinh làm thêm giờ vào ban đêm lẫn ban ngày thì ít nhất D = 150% C |
|
Ngày nghỉ hàng tuần |
Ít nhất D = 200% C |
Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương |
Ít nhất D = 300% C |
Ví dụ 8:
Công nhân X làm việc và hưởng lương theo sản phẩm với đơn giá (C) là 20.000 đồng/sản phẩm được hoàn thành. Tháng vừa qua, công nhân X có 02 ngày phải làm thêm giờ vào ban đêm, mỗi đêm làm thêm 02 giờ được 20 sản phẩm; trong đó, 01 ngày làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường (chỉ làm thêm giờ vào ban đêm, không đồng thời có làm thêm giờ vào ban ngày) và có 01 ngày phải làm thêm giờ vào ngày Chủ nhật - ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, tiền lương làm thêm giờ được tính như sau:
- Đối với ngày việc bình thường:
+ D ít nhất = 100% C = 100% x 20.000 = 20.000 đồng.
+ Tiền lương làm thêm giờ ban đêm ít nhất bằng:
(150%C + 30%C + 20%D) x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm
= (150% x 20.000 + 30% x 20.000 + 20% x 20.000) x 20 = 800.000 đồng
- Đối với ngày Chủ nhật:
+ D ít nhất = 200% C = 200% x 20.000 = 40.000 đồng.
+ Tiền lương làm thêm giờ ban đêm ít nhất bằng:
(200%C + 30%C + 20%D) x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm
= [200% x 20.000 + 30% x 20.000 + 20% x 40.000] x 20 = 1.080.000 đồng.
>> Tổng tiền lương làm thêm mà công nhân X nhận được ít nhất = 800.000 + 1.080.000 = 1.880.000 đồng.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm >> File Excel tính tiền lương hàng tháng của người lao động và >> File Excel tính tiền lương làm thêm giờ, làm vào ban đêm.