Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng lao động có trách nhiệm phải xây dựng thang lương, bảng lương và thỏa thuận phụ cấp lương rõ ràng với người lao động, cụ thể như sau:
>> Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm
- Bảng lương là văn bản tổng hợp số tiền thực mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh trả cho người lao động làm việc cho mình, bao gồm các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp,… trong một khoảng thời gian nhất định. Số thu nhập mà người lao động nhận được ghi trong bảng lương đều dựa trên năng suất làm việc, việc hoàn thành công việc của họ.
- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
- Khi xây dựng thang lương, bảng lương; doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
- Thang lương, bảng lương phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi áp dụng thực hiện.
(Căn cứ Điều 93 Bộ luật Lao động 2019).
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo đó, phụ cấp lương là một trong các thành tố của tiền lương.
Cụ thể, phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động (theo điểm b khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH). Trong đó:
- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.
- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.
- Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến khích người lao động đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích người lao động làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải thỏa thuận về phụ cấp lương với người lao động trong hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng lao động phải căn cứ theo Mức lương tối thiểu vùng hiện hành để xây dựng mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định.
Một số lưu ý khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng thang lương, bảng lương:
- Bậc 1 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng (Tra cứu mức lương tối thiểu vùng tại Bảng tra cứu mức lương tối thiểu vùng năm 2024 theo cấp huyện).
- Từ ngày 01/7/2022, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì không còn quy định mức lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do đó, cần lưu ý nội dung sau:
+ Đối với các doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 01/7/2022 trở đi khi xây dựng thang lương, bảng lương thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.
+ Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thành lập trước ngày 01/7/2022, nếu trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung “người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%” thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục thực hiện (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
- Từ ngày 01/01/2021, theo Bộ luật Lao động 2019 thì không còn bắt buộc khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề nhau tối thiểu là 5% (do đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp với tình hình thực tế của mình).
- Tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà có thể xây dựng nhiều hoặc ít bậc lương hơn; nhóm chức danh, vị trí công việc khác nhau.
- Trước đây, tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 quy định khi xây dựng thang lương, bảng lương thì người sử dụng lao động phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã bãi bỏ quy định này.
Do đó, kể từ 01/01/2021, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi xây dựng bảng lương, thang lương không cần gửi hay đăng ký bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước, mà chỉ cần tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và đồng thời phải công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
- Đối với hành vi không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương hoặc không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện thang lương, bảng lương: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hộ kinh doanh sử dụng lao động (theo khoản 1 Điều 17 và khoản 1, 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên quy định bằng văn bản các loại phụ cấp lương của mình, bao gồm các thông tin về: đối tượng, điều kiện hưởng; cách tính, mức hưởng (tính trên mức % hoặc mức cố định cụ thể).
Một số loại phụ cấp lương thường gặp: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút;...
Lưu ý:
- Các khoản phụ cấp của người lao động phải được ghi trong hợp đồng lao động.
- Tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm (căn cứ khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH).
Quý khách hàng có thể tham khảo các mẫu thang lương, bảng lương, phụ cấp lương sau đây:
>> Mẫu thang lương, bảng lương năm 2024 (áp dụng đối với Vùng I)
>> Mẫu thang lương, bảng lương năm 2024 (áp dụng đối với Vùng II)
>> Mẫu thang lương, bảng lương năm 2024 (áp dụng đối với Vùng III)
>> Mẫu thang lương, bảng lương năm 2024 (áp dụng đối với Vùng IV)