Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình mang tính may rủi là một trong những hình thức khuyến mại phổ biến hiện nay và được quy định cụ thể như sau:
>> Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng
>> Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh dưới hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (căn cứ khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại 2005), sau đây gọi tắt là hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi.
Ví dụ: Bán hàng có kèm theo tem cào, phiếu bốc thăm trúng thưởng.
Việc tổ chức khuyến mại theo hình thức này được thực hiện như sau:
Ngoài nguyên tắc chung khi thực hiện khuyến mại, hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(i) Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản.
(ii) Trong trường hợp bằng chứng xác định trúng thưởng được phát hành kèm theo hàng hóa (gắn kèm, đính kèm, đặt bên trong hàng hóa hoặc các cách thức khác tương tự), doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hoá cho Sở Công Thương nơi thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa trước khi thực hiện.
(iii) Bằng chứng xác định trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Được thể hiện dưới dạng vật chất (vé số, phiếu, thẻ dự thưởng; phiếu rút thăm, bốc thăm, quay số; thẻ, tem, phiếu cào; tem, phiếu trúng thưởng; nắp, nút, đáy, vỏ, thân của bao bì sản phẩm hoặc của sản phẩm; chính giải thưởng) hoặc thông điệp dữ liệu (tin nhắn; thư điện tử; mã code, mã giao dịch, mã khách hàng, mã sản phẩm) hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương để làm căn cứ cho việc xác định trúng thưởng qua cách thức ngẫu nhiên;
- Có hình thức khác với xổ số do Nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả xổ số của Nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng.
(iv) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.
Trong đó, giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi nêu trên là giải thưởng trong trường hợp hết thời hạn trao thưởng nhưng không có người nhận hoặc không xác định được người trúng thưởng.
(v) Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại còn phải tuân thủ quy định về hạn mức tối đa đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để thưởng như sau:
- Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để thưởng mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
- Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để thưởng là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để thưởng 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trong đó, Chương trình khuyến mại tập trung nêu trên gồm:
- Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Mọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều được quyền tham gia vào các chương trình.
- Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
+ Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
+ Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, trước khi thực hiện chương trình khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại với Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại hoặc Bộ Công thương.
Xem chi tiết tại công việc "Thông báo hoặc đăng ký thực hiện khuyến mại".
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được tổ chức chương trình khuyến mại này khi có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Công Thương hoặc Bộ Công Thương).
(i) Theo quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 97 Luật Thương mại 2005, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại bằng hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng phải thông báo công khai các thông tin dưới đây với khách hàng:
- Tên của hoạt động khuyến mại;
- Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại và các chi phí có liên quan để giao hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại cho khách hàng;
- Tên, địa chỉ, số điện thoại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại;
- Thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại;
- Trường hợp lợi ích của việc tham gia khuyến mại gắn với các điều kiện cụ thể thì trong thông báo phải nêu rõ hoạt động khuyến mại đó có kèm theo điều kiện và nội dung cụ thể của các điều kiện;
- Loại giải thưởng và giá trị của từng loại giải thưởng; thể lệ tham gia các chương trình khuyến mại, cách thức lựa chọn người trúng thưởng.
(ii) Việc thông báo công khai thông tin nêu trên được thực hiện bằng một trong các cách thức quy định tại Điều 98 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:
- Đối với hàng hóa: thông báo tại địa điểm bán và nơi bày bán hàng hóa; hoặc trên hàng hoá hoặc bao bì hàng hóa; hoặc dưới bất kỳ cách thức nào khác nhưng phải được đính kèm với hàng hóa khi hàng hóa được bán.
- Đối với dịch vụ: thông báo tại địa điểm cung ứng hoặc cách thức khác nhưng phải được đính kèm với dịch vụ khi dịch vụ được cung ứng.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại theo hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải thực hiện các công việc bên dưới sau khi có kết quả trúng thưởng:
(i) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh công bố kết quả trúng thưởng và trao giải thưởng của chương trình trong thời hạn không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện khuyến mại.
(ii) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng; doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện chương trình khuyến mại phải báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại đến cơ quan quản lý nhà nước nơi đã đăng ký hoạt động khuyến mại.
Xem chi tiết tại công việc: "Báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại".
(iii) Trong trường hợp phải trích nộp 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có trách nhiệm nộp khoản tiền 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại theo quyết định thu nộp của cơ quan quản lý nhà nước trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định.
(iv) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện chương trình khuyến mại có trách nhiệm thông báo công khai thông tin về kết quả thực hiện khuyến mại tại địa điểm khuyến mại hoặc trên phương tiện thông tin hoặc trên website của doanh nghiệp, hộ kinh doanh (nếu có website).
Nội dung thông tin phải thông báo công khai gồm:
- Tên chương trình khuyến mại;
- Địa bàn thực hiện khuyến mại (các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khuyến mại);
- Hình thức khuyến mại;
- Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại;
- Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (giải thưởng, quà tặng);
- Thời gian thực hiện khuyến mại;
- Khách hàng của chương trình khuyến mại (đối tượng hưởng khuyến mại);
- Cơ cấu giải thưởng và tổng giá trị giải thưởng đã trao của chương trình khuyến mại.
(Căn cứ Điều 21 Nghị định 81/2018/NĐ-CP).
- Mẫu thông báo thực hiện khuyến mại (Mẫu số 01) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu đăng ký thực hiện khuyến mại (Mẫu số 02) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu thể lệ chương trình khuyến mại (Mẫu số 03) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại (Mẫu số 04) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu không xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại (Mẫu số 05) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu thông báo/đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại (Mẫu số 06) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu báo cáo thực hiện khuyến mại (Mẫu số 07) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu quyết định về việc thu nộp ngân sách nhà nước 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại (Mẫu số 08) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu báo cáo kết quả thực hiện nộp ngân sách nhà nước (Mẫu số 09) ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
- Mẫu văn bản ủy quyền cho người thay mặt thương nhân thực hiện thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại.