Để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, người nộp đơn phải đảm bảo chỉ dẫn địa lý đáp ứng các điều kiện được bảo hộ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ như sau:
>> Gia hạn, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
>> Đăng ký chuyển giao quyền đối với giống cây trồng
Căn cứ khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15): Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể. Trong đó, chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thực hiện như sau:
Căn cứ Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 24 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), chỉ dẫn địa lý muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Lưu ý: Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng 02 điều kiện nêu trên được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Ví dụ: Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan; Chè san tuyết Mộc Châu … là một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của nước ta.
Căn cứ điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14), các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
(i) Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
(ii) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.
(iii) Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
(iv) Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
- Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
(Căn cứ Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
- Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
- Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.
(Căn cứ Điều 82 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ (theo Điều 83 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14): Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 5 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, việc ủy quyền trong các thủ tục liên quan đến việc đăng ký chỉ dẫn địa lý được quy định như sau:
(i) Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý phải được lập thành giấy uỷ quyền. Giấy ủy quyền phải có nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;
- Phạm vi uỷ quyền;
- Thời hạn uỷ quyền;
- Ngày lập giấy uỷ quyền;
- Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.
(ii) Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.
(iii) Trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân không được phép đại diện hoặc ủy quyền cùng một lúc cho nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có tổ chức, cá nhân không được phép đại diện thì đơn bị coi là không hợp lệ.
(iv) Thay đổi ủy quyền:
Người nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể thay đổi người đại diện (sau đây gọi là thay thế ủy quyền). Việc thay thế ủy quyền làm chấm dứt quan hệ ủy quyền giữa người nộp đơn với người đang được ủy quyền. Việc thay thế ủy quyền phải được người nộp đơn tuyên bố bằng văn bản (ngay trong văn bản ủy quyền hoặc văn bản riêng).
(v) Ủy quyền lại:
- Người được ủy quyền có thể ủy quyền lại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 với điều kiện tổ chức, cá nhân được ủy quyền lại đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN).
- Việc ủy quyền lại chỉ được thực hiện sau khi ủy quyền ban đầu đã được Cục Sở trí tuệ thừa nhận.
Thời điểm văn bản ủy quyền được thừa nhận trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận văn bản ủy quyền hợp lệ. Đối với trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại hoặc sửa đổi về thông tin liên quan đến việc thay đổi phạm vi ủy quyền, chấm dứt ủy quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên được ủy quyền, thời điểm này là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận các tài liệu hợp lệ tương ứng.
(vi) Trường hợp văn bản ủy quyền được nộp muộn hơn ngày nộp đơn nhưng trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc được thụ lý, Cục Sở hữu trí tuệ giao dịch với người tự xưng danh là đại diện cho người nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (trong tờ khai) nhằm thực hiện thủ tục thẩm định hình thức để kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, được thụ lý hay không được thụ lý, bao gồm cả kết luận về tính hợp pháp về tư cách đại diện.
(vii) Mọi giao dịch của bất kỳ bên được ủy quyền nào trong phạm vi ủy quyền tại bất kỳ thời điểm nào đều được coi là giao dịch nhân danh người nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người nộp đơn này. Trong trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại, bên được thay thế ủy quyền hoặc bên được ủy quyền lại kế tục việc đại diện với mọi vấn đề phát sinh do bên được ủy quyền trước thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.
(viii) Nếu văn bản ủy quyền có phạm vi ủy quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được ủy quyền phải nộp bản sao văn bản ủy quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc văn bản ủy quyền đó trong tờ khai hoặc tài liệu của thủ tục tiếp theo.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Căn cứ Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 26 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
Chỉ những tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được Nhà nước cho phép mới có quyền thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ cũng có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Để đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, hồ sơ đăng ký phải có tối thiểu các tài liệu sau đây:
(i) Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
(ii) Mẫu trình bày chỉ dẫn địa lý (05 mẫu, nếu chỉ dẫn địa lý không phải là từ ngữ, kích thước không lớn hơn 80mm x 80mm và không nhỏ hơn 20mm x 20mm );
(iii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
(iv) Bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
(v) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
(vi) Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó (nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài);
(vii) Tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý (nếu là chỉ dẫn địa lý đồng âm);
(viii) Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
(Tham khảo mẫu Giấy ủy quyền cho cá nhân hoặc mẫu Giấy ủy quyền cho tổ chức).
(ix) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Lưu ý:
- Các tài liệu trong hồ sơ nêu trên cần đáp ứng các yêu cầu nêu tại Mục III của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý và giấy tờ giao dịch giữa công ty cổ phần và Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Việt, trừ giấy ủy quyền và các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.
- Mỗi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một chỉ dẫn địa lý duy nhất.
(Căn cứ theo Điều 28 Thông tư 23/2023/TT-BKHĐT, Điều 100, Điều 101, Điều 106 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 35 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (mỗi đơn).
Trường hợp nộp đơn theo hình thức trực tuyến:
+ Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn.
+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn.
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí thẩm định đơn: 1.200.000 đồng.
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 đồng.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: 120.000 đồng.
Trường hợp nộp đơn theo hình thức trực tuyến:
+ Kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận: 60.000 đồng/đơn.
+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng/đơn.
- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
(Căn cứ Mục 1.1, Mục 2.1 của Phần A và Mục 1.1, Mục 3 và Mục 4 của Phần B tại Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC và Điều 3 Thông tư 63/2023/TT-BTC).
- Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ.
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn.
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
- Thẩm định nội dung đơn:
+ 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
+ 08 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn.
+ 09 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 11 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ Trong trường hợp đơn có ý kiến phản đối đơn, thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.
- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
(Căn cứ Điều 29, Điều 30 Thông tư 23/2023/TT-BKHĐT và Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12).
Căn cứ khoản 7 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Căn cứ khoản 2 Điều 139 và khoản 1 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng, đồng thời, quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng không được chuyển giao.
- Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 09) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 04) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
-Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (Mẫu số 14) Phụ lục II
- Giấy ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
- Giấy ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
- Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.