Chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng có thể chuyển giao quyền đối với giống cây trồng cho cá nhân, tổ chức khác được thực hiện theo quy định sau đây:
>> Đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
>> Chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng
Căn cứ Điều 192 và Điều 193 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, việc đăng ký chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được quy định như sau:
(i) Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ cho phép người khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng đối với giống cây trồng của mình.
(ii) Các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng:
Khi thực hiện chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, chủ bằng bảo hộ cần chú ý 04 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, trường hợp quyền sử dụng giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
Thứ hai, việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (tham khảo Mẫu hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng).
Thứ ba, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng không được có những điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng, đặc biệt là những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó.
Thứ tư, quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng:
- Bên chuyển giao quyền sử dụng có quyền: cho phép hoặc không cho phép bên nhận chuyển giao quyền sử dụng chuyển giao lại quyền sử dụng cho bên thứ ba.
- Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng có quyền:
+ Chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba, nếu được bên giao quyền sử dụng cho phép;
+ Yêu cầu bên giao quyền sử dụng thực hiện các biện pháp cần thiết phù hợp để chống lại các hành vi xâm phạm của bên thứ ba gây thiệt hại cho mình;
+ Tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi xâm phạm của bên thứ ba, nếu trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên chuyển giao quyền sử dụng không thực hiện yêu cầu bên trên.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Căn cứ Điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12), việc đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được quy định như sau:
(i) Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.
(ii) Các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng
Khi chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng cần lưu ý 04 vấn đề sau:
Thứ nhất, trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
Thứ hai, việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Thứ ba, việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng sau khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
(iii) Thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng
Căn cứ Điều 19 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, việc đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được tiến hành như sau:
- Thành phần hồ sơ đề nghị đăng ký chuyển nhượng:
+ Tờ khai đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (theo quy định tại Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP);
+ Bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng. Nội dung hợp đồng phải bằng tiếng Việt hoặc phải được dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
+ Bản chính Bằng bảo hộ giống cây trồng được chuyển nhượng;
+ Bản chính văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu giống cây trồng trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung.
+ Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp hồ sơ là người đại diện theo ủy quyền.
- Cách thức và nơi nộp hồ sơ:
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Lưu ý: Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP).
- Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản việc chuyển nhượng quyền chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, ghi nhận bên nhận chuyển nhượng là chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng, cập nhật vào Sổ đăng ký quốc gia, cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng theo thông tin ghi nhận việc chuyển nhượng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
- Mẫu hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng.
- hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng.
- văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu giống cây trồng.
- Mẫu giấy ủy quyền thực hiện đăng ký chuyển giao quyền sở hữu đối với giống cây trồng.
- Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 01) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (Mẫu số 18) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 19) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc giống cây trồng (Mẫu số 21) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Quyết định về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 09) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 10) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 11) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 12) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 13) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 14) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.