Các trường hợp, điều kiện và trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định cụ thể như sau:
>> Sửa đổi, cấp lại văn bằng bảo hộ giống cây trồng
>> Sửa đổi, bổ sung, rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 21 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền (sau đây gọi chung là người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng) trong các trường hợp sau:
(i) Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng;
Lưu ý: Sử dụng giống cây trồng trong trường hợp (i) này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai nhu cầu về giống gồm: tên giống cây trồng, mục đích, lượng giống cần sử dụng, phạm vi, thời gian đáp ứng mục đích chuyển giao và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký để tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng giống cây trồng đăng ký.
(ii) Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong 12 tháng (trừ trường hợp bất khả kháng) đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;
(iii) Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
>> Tuy nhiên, người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao nêu trên không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Căn cứ khoản 3 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Quyền sử dụng được chuyển giao không phải là quyền độc quyền;
- Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục đích chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm;
- Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;
- Người được chuyển giao quyền sử dụng phải đền bù thỏa đáng cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được quy định như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng được bảo hộ thuộc các loài cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sinh.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ sử dụng với mục đích làm thuốc.
Căn cứ khoản 1 Điều 197 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ văn bằng bảo hộ bị bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có quyền nhận đền bù tương ứng với giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó hoặc tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng theo hợp đồng có phạm vi và thời hạn tương ứng.
Khung giá đền bù cho chủ bằng bảo hộ được xác định như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng theo pháp luật hiện hành. Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định khung giá đền bù đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng.
- Trong trường hợp không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định giá để xác định khung giá đền bù đối với giống cây trồng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng.
(Căn cứ Điều 22 Nghị định 79/2023/NĐ-CP).
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng giống cây trồng theo trường hợp (i) nêu tại Mục 1 bên trên.
- Tổ chức, cá nhân không đạt được thỏa thuận sử dụng giống cây trồng hoặc bị cản trở cạnh tranh trong trường hợp (ii) và (iii) nêu tại Mục 1 bên trên.
Người yêu cầu có nhu cầu sử dụng giống cây trồng; hoặc không đạt được thỏa thuận sử dụng giống cây trồng hoặc bị cản trở cạnh tranh có quyền nộp hồ sơ đăng ký nhận chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc.
(Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 79/2023/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng bao gồm các loại tài liệu sau đây:
- Đơn yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng (theo Mẫu số 19 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP), trong đó phải nêu rõ phạm vi và thời hạn nhận chuyển giao bắt buộc;
- Bản chính Báo cáo năng lực tài chính (theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP);
- Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là có căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật đối với trường hợp (ii), (iii) nêu tại Mục 1 bên trên;
- Văn bản ủy quyền trường hợp nộp hồ sơ thông qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền (Nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi và khối lượng công việc được ủy quyền, thời hạn ủy quyền).
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông theo một trong các cách thức sau đây:
- Nộp trực tiếp;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp qua môi trường điện tử (Lưu ý: Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP).
Đối với việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo trường hợp (i) nêu tại Mục 1:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đồng thời thông báo cho bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao để thực hiện.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định 79/2023/NĐ-CP)
Đối với việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ theo trường hợp (ii), (iii) nêu tại Mục 1:
- Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, thông báo cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Thông báo, người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng phải trả lời bằng văn bản.
- Trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng không trả lời hoặc có văn bản đồng ý với yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng.
- Trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng có ý kiến phản đối với yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ý kiến phản đối trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phản đối của tổ chức, cá nhân:
Trường hợp yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng phù hợp với quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng và thông báo cho bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao để thực hiện.
Trường hợp yêu cầu chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng không có đủ căn cứ theo trường hợp (ii), (iii) tại Mục 1 bên trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông báo từ chối và nêu rõ lý do.
(Căn cứ khoản 4 Điều 23 Nghị định 79/2023/NĐ-CP).
Lưu ý:
- Quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đều có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật (theo khoản 4 Điều 196 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
- Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ khi điều kiện dẫn đến việc chuyển giao đó đã chấm dứt và việc sửa đổi, huỷ bỏ, đình chỉ hiệu lực đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc (theo khoản 2 Điều 197 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
>> Xem chi tiết quy định tại Điều 24 Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 19) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Báo cáo năng lực tài chính (Mẫu số 20) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Mẫu giấy ủy quyền thực hiện chuyển giao quyền sở hữu đối với giống cây trồng.
- Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 01) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (Mẫu số 18) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của quyết định chuyển giao bắt buộc giống cây trồng (Mẫu số 21) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Quyết định về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 09) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 10) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 11) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 12) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 13) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 14) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị giao quyền đăng ký giống cây trồng (Mẫu số 15) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị cho phép sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 16) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu chấm dứt sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 17) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.