Điều kiện để một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế và trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế được quy định cụ thể như sau:
>> Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
>> Gia hạn, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định về việc đăng ký bảo hộ sáng chế như sau:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (theo khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Sáng chế được đăng ký bảo hộ theo quy định sau đây:
Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp. Cụ thể như sau:
1.1. Thứ nhất, có tính mới:
Căn cứ Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
- Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
Lưu ý:
(i) Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
(ii) Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ. Quy định này cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.
1.2. Thứ hai, có trình độ sáng tạo:
Căn cứ Điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Lưu ý: Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ theo quy định tại lưu ý (ii) của Mục 1.1 bên trên không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.
1.3. Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp:
Căn cứ Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định..
Ngoài ra, sáng chế còn có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tính mới.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ, những đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
- Cách thức thể hiện thông tin;
- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
- Giống thực vật, giống động vật;
- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể có quyền đăng ký sáng chế là:
- Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý:
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sáng chế có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Căn cứ khoản Điều 100, 101, 102 Luật Sở hữu trí tuệ, Phần III của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP và khoản 2, 3 Điều 14 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, hồ sơ đăng ký sáng chế gồm:
(i) Tờ khai đăng ký sáng chế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
(ii) Bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế (01 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
(iii) Bản tóm tắt sáng chế (01 bản);
(iv) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác;
(v) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (bản sao đơn (các đơn) đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn, trừ đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT);
(vi) Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
(vii) Giấy ủy quyền cho cá nhân Hoặc Giấy ủy quyền cho tổ chức (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
(viii) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Đối với đơn đăng ký sáng chế mật: Ngoài các tài liệu nêu trên, người nộp đơn cần nộp văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Số lượng hồ sơ cần chuẩn bị: 01 (bộ).
Người nộp đơn nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sáng chế đến Cục Sở hữu trí tuệ bằng một trong các cách thức sau:
- Trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng;
- Riêng đối với Đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy về Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
(Căn cứ Điều 8 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN).
Căn cứ Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC và Thông tư 63/2023/TT-BTC), phí, lệ phí phải nộp khi đăng ký sáng chế bao gồm:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (cho mỗi đơn)
+ Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến:
++ Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn.
++ Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 trở đi, mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn.
- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000 đồng (mỗi đơn/yêu cầu)
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng (từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình)
- Phí công bố thông tin từ trang bản mô tả thứ 7 trở đi: 10.000 đồng/trang
- Phí thẩm định: 900.000 đồng (cho mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập)
+ Phí thẩm định hình thức: 20% x 900.000 đồng (mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập)
+ Phí thẩm định nội dung: 80% x 900.000 đồng (mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập)
+ Bản mô tả có trên 6 trang, từ trang thứ 7 trở đi phải nộp thêm 40.000 đồng/trang
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 600.000 đồng (cho mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập)
- Phí phân loại quốc tế về sáng chế: 100.000 đồng/phân nhóm
- Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (cho 1 yêu cầu bảo hộ độc lập) (từ yêu cầu bảo hộ độc lập thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1 yêu cầu bảo hộ độc lập)
- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình).
- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ.
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn.
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
- Công bố đơn: trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn.
- Thẩm định nội dung:
+ 18 tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn trong trường hợp đơn hợp lệ.
+ 24 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn.
+ 21 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ 27 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
+ Trong trường hợp đơn có ý kiến phản đối đơn, thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
* Đối với đơn đăng ký sáng chế mật, thời hạn thẩm định nội dung nêu trên sẽ được tính kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.
- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.
- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ (trừ văn bằng bảo hộ sáng chế mật) trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
(Căn cứ Điều 15, Điều 16 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN).
Thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT (Đơn PCT) được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương I Phần thứ ba của Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký sáng chế (Mẫu số 01) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế.
- Giấy ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế.
- Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
- Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sáng chế (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (Mẫu số 04) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (Mẫu số 05) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích (Mẫu số 10) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị Nhà nước mua sáng chế, sáng kiến (BM III.1) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.
- Bản thể hiện hiệu quả áp dụng sáng chế, sáng kiến trong thực tiễn và khả năng mở rộng quy mô áp dụng (BM III.2) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.
- Bản kiến nghị của cơ quan, tổ chức về sự cần thiết mua sáng chế, sáng kiến và phương án quản lý, khai thác, chuyển giao (BM III.3) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.
- Phiếu đánh giá hồ sơ đề nghị mua sáng chế, sáng kiến (BM III.4) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.
- Biên bản họp Hội đồng đánh giá hồ sơ đề nghị mua sáng chế, sáng kiến (BM III.5) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.
- Văn bản thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề nghị mua sáng chế, sáng kiến (BM III.6) ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BKHCN.