Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được thực hiện theo trình tự được quy định như sau:
>> Gia hạn, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu [cập nhật ngày 01/8/2024]
Căn cứ Điều 138, Điều 141 và Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14), việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được quy định như sau:
(i) Chủ sở hữu thiết kế bố trí có thể chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của mình cho tổ chức, cá nhân khác theo các hình thức sau:
- Chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí: Là việc chủ sở hữu thiết kế bố trí chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
- Chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí: Là việc chủ sở hữu thiết kế bố trí cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng thiết kế bố trí thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
(ii) Việc chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí và chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (cụ thể là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí và hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí).
(iii) Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí:
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên.
Tuy nhiên, hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
- Hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí của bên giao bị chấm dứt.
Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được hướng dẫn cụ thể tại Mục 4 bên dưới.
(Căn cứ Điều 138, Điều 141 và Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14).
Đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 139 (được bổ sung bởi khoản 55 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) và Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện và hạn chế sau đây:
- Chủ sở hữu quyền sở hữu thiết kế bố trí chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Quyền đối với thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định.
- Bên được chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
Căn cứ Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
- Căn cứ chuyển nhượng.
- Giá chuyển nhượng.
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
(i) Các dạng của hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí
Căn cứ Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí gồm các dạng sau đây:
- Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng thiết kế bố trí, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng thiết kế bố trí đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
- Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng thiết kế bố trí, quyền ký kết hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí không độc quyền với người khác.
- Hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó theo một hợp đồng khác.
(ii) Các nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí
Căn cứ khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng.
- Dạng hợp đồng.
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ.
- Thời hạn hợp đồng.
- Giá chuyển giao quyền sử dụng.
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
(iii) Các điều khoản không được có trong hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
- Cấm bên được chuyển quyền cải tiến thiết kế bố trí; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến thiết kế bố trí do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó.
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng thiết kế bố trí sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó.
- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp.
- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
Lưu ý, các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp nêu trên mặc nhiên bị vô hiệu.
Căn cứ Điều 58 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được quy định như sau:
(i) Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí gồm 01 bộ tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
- 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định): nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn trong trường hợp được cấp dưới dạng giấy.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung.
- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
(ii) Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí phải gồm các tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung.
- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
(iii) Lưu ý đối với hồ sơ đăng ký:
Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp thiết kế bố trí được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí riêng.
- Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cục Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ Điều 59 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí là 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).
Căn cứ Mục 2.2 Phần A và Mục 1.5, Mục 4 Phần B của Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi được sửa đổi bởi số thứ tự 14 khoản 1 Điều 1 Thông tư 43/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và Điều 3 Thông tư 63/2023/TT-BTC, quy định về mức phí, lệ phí chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (Áp dụng từ ngày ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024) đối với thiết kế bố trí như sau:
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí: 60.000 đồng. (bằng 50% mức thu lệ phí tại số thứ tự 2.2 phần A Thông tư 263/2016/TT-BTC.
Riêng đối với trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí theo hình thức trực tuyến thì mức lệ phí vẫn áp dụng như mức thu nêu trên là 60.000 đồng.
Lưu ý: Kể từ ngày 01/01/2025 trở đi, mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí áp dụng theo như quy định cũ là 120.000 đồng tại Thông tư 263/2016/TT-BTC.
- Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí/hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí (mỗi đối tượng): 230.000 đồng.
- Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp/Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp/Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí: 120.000 đồng.
- Mẫu hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí.
- Mẫu hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu thiết kế bố trí.
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (Mẫu số 01) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Mẫu số 02) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng thiết kế bố trí (Mẫu số 03) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển giao quyền sở hữu thiết kế bố trí.
- Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 06) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 04) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký thiết kế bố trí (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
-Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (Mẫu số 11) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.