Cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành thì những tranh chấp nào phải tiến hành hòa giải? – Văn Thành (Bình Phước).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 08/05/2023
>> Phân biệt 05 dạng chữ ký trong soạn thảo văn bản hành chính
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại Điều 180 Bộ luật lao động 2019 thì pháp luật tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp về lao động. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
* Tranh chấp lao động tập thể về quyền
Tại Điều 191 Bộ luật lao động 2019 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
- Tòa án nhân dân.
Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
* Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tại Điều 195 Bộ luật lao động 2019 tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
* Tranh chấp lao động cá nhân
Tại Điều 187 Bộ luật lao động 2019 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân.
Tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, có nhiều vụ tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Cụ thể tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019 thì tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải bao gồm:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Danh sách văn bản Trung ương cập nhật mới nhất |
Tổng hợp những tranh chấp phải tiến hành hòa giải năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi xảy ra tranh chấp, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
- Nếu các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để yêu cầu hòa giải.
- Kết quả hòa giải tại UBND cấp xã xảy ra một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Hòa giải thành (sẽ kết thúc tranh chấp).
Trường hợp 2: Hòa giải không thành.
Khi hòa giải không thành thì được giải quyết như sau:
(1) Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết (khởi kiện tại Tòa án). (Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013)
(2) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp sau:
- Theo thủ tục hành chính:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với nhau do Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất giải quyết.
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết.
- Theo thủ tục tố tụng dân sự (khởi kiện tại tòa án nhân dân nơi có đất đang tranh chấp).
Có phải những tranh chấp đất đai phải tiến hành hòa giải?
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì:
- Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy tranh chấp này phải bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, nếu không hòa giải tại UBND cấp xã thì sẽ không được quyền khởi kiện tại tòa án hoặc yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.
- Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như:
+ Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất
+ Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất
+ Chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất
...
Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như trên thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Do đó, đối với những trường hợp này không bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại cơ sở.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay việc hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là không bắt buộc. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở nhằm giúp các bên có thể tự thỏa thuận, xem xét lại để tự giải quyết những mâu thuẫn nhằm khuyến khích các bên tự giải quyết mâu thuẫn.
Tuy nhiên, thủ tục hòa giải tại Tòa án theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là bắt buộc:
Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo đó, tại Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục hòa giải như sau:
"Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn."
Sau khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử và đã tiến hành hòa giải theo luật định nhưng không thành, Tòa án sẽ ra một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Như vậy, thủ tục hòa giải tại tòa án là bắt buộc và không thể bỏ qua giai đoạn này đối với tranh chấp ly hôn.