Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Vậy pháp luật có quy định gì về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp? Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi trên:
>> Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 – Phần II: Quyền sở hữu công nghiệp
>> Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 – Phần I: Quyền tác giả
(Hình từ internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong đó đối tượng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh trạnh không lành mạnh.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hình thức chuyển nhượng phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản.
Nội dung của hợp đồng bao gồm:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Ngoài những nội dung cơ bản được đề cập trên đây, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 điều kiện hạn chế bao gồm:
- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
- Không được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý;
- Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó;
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
(Xem thêm Quyền đăng ký nhãn hiệu tại khoản 13 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009)
Thêm vào đó, tại khoản 55 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/1/2023 bổ sung thêm một điều kiện hạn chế là:
Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam;
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì (chủ thể tạo ra đối tượng) theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2005.
Theo quy định khoản 1 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019) và khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019), hợp đồng chuyển nhượng những đối tượng dưới đây phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền sở hữu công nghiệp đối với:
- Sáng chế;
- Kiểu dáng công nghiệp;
- Thiết kế bố trí;
- Nhãn hiệu (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng).
Hợp đồng chuyển nhượng đối với những đối tượng còn lại không phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm: quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Trên đây là Tổng hợp những điều cần biết về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019;