Ở phần I của bài viết Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã đề cập đến một số thay đổi về quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tiếp nối bài này, mời quý thành viên xem những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 về quyền sở hữu công nghiệp.
>> Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 – Phần I: Quyền tác giả
>> Tất tần tật những thông tin cần biết về nhãn phụ
(Hình từ internet)
1.1. Tính mới của sáng chế
Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 thì sáng chế được coi là mất đi tính mới nếu bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
Đồng thời khoản 19 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm một trường hợp sáng chế sẽ mất đi tính mới, đó là bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
Như vậy, kể từ ngày Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực, sáng chế sẽ mất đi tính mới nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên;
- Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
1.2. Bổ sung quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm Điều 86a quy định về quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước như sau:
- Đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:
+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước;
+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước.
1.3. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài
Một trong những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 chính là đặt ra vấn để kiểm soát an ninh với các sáng chế có tác động đến quốc phòng, an ninh muốn được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Cụ thể tại khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định bổ sung thêm Điều 89a vào Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2023, sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của công nhân Việt Nam thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam phải thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài.
1.4. Nghĩa vụ trả thù lao cho người sáng chế
Theo khoản 53 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã quy định theo hướng cụ thể hơn các trường hợp và cách thức chủ sở hữu sáng chế phải trả tiền cho tác giả như sau:
- Trường hợp sáng chế không phải là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ:
+ Trả thù lao cho tác giả theo thỏa thuận; hoặc
+ Trả thù lao cho tác giả bằng 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế;
+ 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sở hữu sáng chế.
- Trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu trả thù lao cho tác giả:
+ Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế;
+ Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trước khi nộp thuế theo quy định.
Lưu ý:
- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có đồng tác giả, mức thù lao nói trên là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
- Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
2.1. Thay đổi cách hiểu về nhãn hiệu nổi tiếng
Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009 xác định nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thay đổi cách hiểu về nhãn hiệu như sau: Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, kể từ thời điểm Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng không còn dựa trên sự biết đến rộng rãi của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu đó nữa mà chỉ cần dựa trên một bộ phận công chúng có liên quan.
2.2. Bổ sung thêm dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu
Về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nhãn hiệu được bảo hộ là dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của sở hữu nhãn hiệu này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu được bảo hộ phải nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc sử kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm 1 hình thức mới của nhãn hiệu được bảo hộ, đó là dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2023, các dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa cũng có thể được xem là nhãn hiệu nếu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Trên đây là quy định về Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 – Phần II: Quyền sở hữu công nghiệp. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009;
- Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019;