PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản qua bài viết sau:
>> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 4)
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 20/07/2023
Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng có thể được lập thành văn bản, được xác lập bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định các bên bắt buộc phải lập hợp đồng thành văn bản, nếu không có thể gánh chịu rủi ro pháp lý là hợp đồng vi phạm về mặt hình thức dẫn đến bị vô hiệu.
Do đó, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng mà các bên bắt buộc phải lập thành văn bản như sau:
Tại Điều 344 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cho vay có bảo đảm bằng tín chấp là việc tổ chức tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tiền để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và được đảm bảo trả nợ bằng uy tín của tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời, hình thức và nội dung của việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
- Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 5) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
…
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký...”
Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần sẽ phải được lập thành văn bản và phải được ký bởi bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ.
Việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 191 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Điều 191. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực...”
Theo quy định nêu trên, hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân sẽ bắt buộc phải lập thành văn bản và phải được công chứng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài biển phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của quốc gia nơi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu biển.
Thế chấp tàu biển là việc chủ tàu dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không phải chuyển giao tàu biển đó cho bên nhận thế chấp (căn cứ khoản 1 Điều 37 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015: Hợp đồng thế chấp tàu biển Việt Nam phải được giao kết bằng văn bản.
Hợp đồng thuê tàu là hợp đồng được giao kết giữa chủ tàu và người thuê tàu, theo đó chủ tàu giao quyền sử dụng tàu biển của mình cho người thuê tàu trong một thời hạn nhất định với mục đích cụ thể được thỏa thuận trong hợp đồng và nhận tiền thuê tàu do người thuê tàu trả.
Hợp đồng thuê tàu được giao kết bằng văn bản theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn hoặc hợp đồng thuê tàu trần.
(Căn cứ Điều 215 và Điều 216 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015).
Đang tiếp tục cập nhật >> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 6)