PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản qua bài viết sau:
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 20/07/2023
>> Thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC) không cần visa khi xuất, nhập cảnh (Phần 2)
Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng có thể được lập thành văn bản, được xác lập bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định các bên bắt buộc phải lập hợp đồng thành văn bản, nếu không có thể gánh chịu rủi ro pháp lý là hợp đồng vi phạm về mặt hình thức dẫn đến bị vô hiệu.
Do đó, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng mà các bên bắt buộc phải lập thành văn bản như sau:
Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên (căn cứ khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức 2010).
Như vậy, hợp đồng làm việc là một trong những loại hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản.
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014).
Như vậy, hợp đồng để được công chứng (hợp đồng thực hiện công chứng) phải được lập bằng văn bản.
Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành (đang có hiệu lực) |
Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản - Phần 4 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm như sau: Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
Hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
- Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Đồng thời, tại Điều 55 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động như sau: Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Khoản 1 Điều 19 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định như sau: Hợp đồng cung ứng lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Như vậy, hợp đồng cung ứng lao động giữa doanh nghiệp Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động phải được lập thành văn bản.
Mời Quý khách xem tiếp tục >> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 5)