PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản qua bài viết sau:
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 16/07/2023
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 15/07/2023
Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng có thể được lập thành văn bản, được xác lập bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định các bên bắt buộc phải lập hợp đồng thành văn bản, nếu không có thể gánh chịu rủi ro pháp lý là hợp đồng vi phạm về mặt hình thức dẫn đến bị vô hiệu.
Do đó, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng mà các bên bắt buộc phải lập thành văn bản sau đây:
Hiện tại, hợp đồng gia công theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015 được định nghĩa như sau: “Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.”
Theo đó, hợp đồng gia công theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì không bắt buộc phải được lập thành văn bản.
Mặt khác, tại Điều 178 và Điều 179 của Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
“Điều 178. Gia công trong thương mại
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Điều 179. Hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”
Như vậy, hợp đồng gia công chỉ bắt buộc lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương trong trường hợp: Hợp đồng gia công được giao kết có yếu tố thương mại, tức là hợp đồng được giao kết giữa hai thương nhân hoặc có một bên là thương nhân và một bên không phải là thương nhân (không nhằm mục đích sinh lợi) nhưng bên không phải là thương nhân chọn áp dụng Luật Thương mại 2005.
Tổng hợp các mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản (có hướng dẫn sử dụng) |
Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản - Phần 2 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Mua trả chậm, trả dần có thể được hiểu như sau: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Và, hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(Căn cứ Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015).
Hợp đồng kinh doanh bất động sản là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản và được lập theo mẫu quy định tại Nghị định 02/2022/NĐ-CP.
Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản theo mẫu quy định tại Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP bao gồm:
(i) Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ chung cư.
(ii) Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú.
(iii) Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở riêng lẻ.
(iv) Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp (i), (ii) và (iii).
(v) Hợp đồng thuê nhà ở, công trình xây dựng.
(vi) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
(vii) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.
(viii) Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) dự án bất động sản.
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
(Căn cứ Điều 166 và Điều 168 Luật Thương mại 2005).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì:
Hợp đồng nhận lao động thực tập là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với cơ sở tiếp nhận lao động thực tập ở nước ngoài về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa đi và tiếp nhận người lao động của doanh nghiệp đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
(Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020).
Mời Quý khách xem tiếp tục >> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 3)