PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản qua bài viết sau:
>> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 2)
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 16/07/2023
Hợp đồng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng có thể được lập thành văn bản, được xác lập bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định các bên bắt buộc phải lập hợp đồng thành văn bản, nếu không có thể gánh chịu rủi ro pháp lý là hợp đồng vi phạm về mặt hình thức dẫn đến bị vô hiệu.
Do đó, PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục tổng hợp các loại hợp đồng mà các bên bắt buộc phải lập thành văn bản như sau:
Hợp đồng mua bán điện có thời hạn phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau đây:
- Chủ thể hợp đồng;
- Mục đích sử dụng;
- Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Thời hạn của hợp đồng;
- Các nội dung khác do hai bên thoả thuận.
(Căn cứ Điều 22 Luật Điện lực 2004).
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản - Phần 3 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 146 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển có 2 loại:
- Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển: là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.
- Hợp đồng vận chuyển theo chuyến: là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
Cũng theo quy định tại Điều 146 Bộ luật này, hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận. Trong khi đó, hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
(Căn cứ Điều 284 và Điều 285 Luật Thương mại 2005).
Theo quy định tại Điều 102, Điều 103 Luật Thương mại 2005:
Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình. Theo đó, kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho thương nhân khác.
Đồng thời, tại Điều 110 Luật Thương mại 2005: Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ cho thương nhân khác. Trong đó: Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.
Khi giao kết hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ phải lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
(Căn cứ Điều 117 và Điều 124 Luật Thương mại 2005).
Tại Điều 130 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
- Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ này cung ứng dịch vụ tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân khác để nhận thù lao dịch vụ tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Mời Quý khách tiếp tục >> Tổng hợp các loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản (Phần 4)