Hiện nay Tiêu chuẩn Quốc gia nào về đánh giá sự phù hợp? Yêu cầu đối với hoạt động của tổ chức tiến hành giám định? Giám định và yêu cầu chung như thế nào? – Thu Hạnh (Bình Phước).
Hiện nay, đang áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17020:2012 Đánh giá sự phù hợp-Yêu cầu đối với hoạt động của tổ chức tiến hành giám định. Theo đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17020:2012 có một số nội dung nổi bật như sau:
Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu đối với năng lực của các tổ chức tiến hành giám định và đối với tính khách quan, nhất quán trong các hoạt động giám định của tổ chức.
Tiêu chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức giám định loại A, B hoặc C được quy định trong tiêu chuẩn và áp dụng cho mọi giai đoạn giám định.
Chú thích: Các giai đoạn giám định bao gồm giai đoạn thiết kế, kiểm tra điển hình, giám định ban đầu, giám định khi đang hoạt động hoặc giám sát.
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Ảnh chụp một phần Lược đồ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
- Tính khách quan và độc lập:
+ Các hoạt động giám định phải được thực hiện một cách khách quan.
+ Tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm về tính khách quan trong các hoạt động giám định của mình và không được để các áp lực về thương mại, tài chính hay các áp lực khác làm tổn hại đến tính khách quan.
+ Tổ chức giám định phải nhận biết những rủi ro đối với tính khách quan một cách liên tục. Điều này phải bao gồm những rủi ro nảy sinh từ các hoạt động hoặc các mối quan hệ của tổ chức hay từ các mối quan hệ của nhân sự của tổ chức. Tuy nhiên, những mối quan hệ này không nhất thiết thể hiện một tổ chức giám định có rủi ro đối với tính khách quan.
Chú thích: Mối quan hệ đe dọa tính khách quan của tổ chức giám định có thể được dựa trên quan hệ sở hữu, điều hành, quản lý, nhân sự, chia sẻ nguồn lực, tài chính, hợp đồng, marketing (bao gồm cả xây dựng thương hiệu) và chi trả hoa hồng bán hàng hay sự thuyết phục khác cho sự chuyển đến của khách hàng mới, v.v.
+ Khi một rủi ro đối với tính khách quan được nhận biết, tổ chức giám định phải có khả năng chứng tỏ cách thức loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro này.
+ Tổ chức giám định phải có sự cam kết của lãnh đạo cao nhất về tính khách quan.
+ Tổ chức giám định phải độc lập ở mức độ cần thiết về các điều kiện theo đó tổ chức thực hiện các dịch vụ của mình. Tùy thuộc vào những điều kiện này, tổ chức phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu được quy định trong Phụ lục A được nêu tóm tắt như dưới đây.
++ Tổ chức giám định cung cấp giám định của bên thứ ba phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức giám định loại A ở điều A.1 (tổ chức giám định bên thứ ba).
++ Tổ chức giám định cung cấp giám định của bên thứ nhất, bên thứ hai, hoặc cả hai, là một bộ phận riêng biệt và có thể nhận biết của một tổ chức liên quan tới thiết kế, chế tạo, cung ứng, lắp đặt, sử dụng hoặc bảo trì các đối tượng mình giám định và chỉ cung ứng các dịch vụ giám định cho tổ chức mẹ (tổ chức giám định nội bộ) phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức giám định loại B ở điều A.2.
++ Tổ chức giám định cung cấp giám định của bên thứ nhất, bên thứ hai, hoặc cả hai, là một bộ phận có thể nhận biết nhưng không nhất thiết là một bộ phận tách biệt của tổ chức liên quan tới thiết kế, chế tạo, cung ứng, lắp đặt, sử dụng hoặc bảo trì đối tượng mình giám định và cung ứng các dịch vụ giám định cho tổ chức mẹ hoặc các bên khác, hay cả hai, phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức giám định loại C ở điều A.3.
- Tính bảo mật:
+ Tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm về việc quản lý của tất cả các thông tin thu được hoặc tạo ra trong quá trình thực hiện các hoạt động giám định, thông qua các cam kết có hiệu lực pháp lý. Tổ chức giám định phải báo trước cho khách hàng về thông tin tổ chức dự kiến công khai. Ngoài các thông tin mà khách hàng công bố rộng rãi, hoặc khi có sự thống nhất giữa tổ chức giám định và khách hàng (ví dụ vì mục đích đáp ứng khiếu nại), tất cả các thông tin khác đều được xem là thông tin thuộc sở hữu của khách hàng và phải được coi là thông tin bảo mật.
Chú thích: Các cam kết có hiệu lực pháp lý có thể là, ví dụ, các thỏa thuận hợp đồng.
+ Khi có yêu cầu của luật pháp hoặc được phép công bố thông tin bí mật theo các cam kết hợp đồng, thì khách hàng hoặc cá nhân liên quan phải được thông báo về thông tin được cung cấp, trừ khi luật pháp ngăn cấm.
+ Thông tin về khách hàng có được từ nguồn khác ngoài khách hàng (ví dụ bên khiếu nại, cơ quan quản lý) phải được xử lý như thông tin bảo mật.
- Yêu cầu về quản trị:
+ Tổ chức giám định phải là một pháp nhân, hoặc bộ phận xác định của pháp nhân để có thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với tất cả các hoạt động giám định của mình.
Chú thích: Tổ chức giám định thuộc chính phủ được coi là pháp nhân trên cơ sở địa vị chính phủ của mình.
+ Tổ chức giám định là bộ phận của pháp nhân liên quan đến các hoạt động khác ngoài giám định phải có thể nhận biết được trong pháp nhân đó.
+ Tổ chức giám định phải có tài liệu mô tả các hoạt động mà tổ chức có năng lực.
+ Tổ chức giám định phải có sự dự phòng thỏa đáng (ví dụ bảo hiểm hoặc quỹ dự trữ) để chi trả cho các trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ hoạt động của tổ chức.
Chú thích: Trách nhiệm pháp lý có thể thuộc Nhà nước theo luật pháp quốc gia, hoặc thuộc tổ chức trong đó tổ chức giám định là một bộ phận.
+ Tổ chức giám định phải có tài liệu mô tả các điều kiện hợp đồng theo đó tổ chức cung cấp việc giám định, trừ khi tổ chức cung cấp các dịch vụ giám định cho pháp nhân mà tổ chức là một bộ phận.
- Tổ chức và quản lý:
+ Tổ chức giám định phải được cơ cấu và quản lý sao cho đảm bảo được tính khách quan.
+ Tổ chức giám định phải được tổ chức và quản lý để có thể duy trì khả năng thực hiện các hoạt động giám định.
Chú thích: Các phương thức giám định có thể đòi hỏi tổ chức giám định tham gia trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật với tổ chức giám định khác để duy trì khả năng này.
+ Tổ chức giám định phải xác định và lập thành văn bản các trách nhiệm và cơ chế báo cáo của tổ chức.
+ Nếu tổ chức giám định là một bộ phận của pháp nhân thực hiện các hoạt động khác, thì mối quan hệ giữa các hoạt động khác này và hoạt động giám định phải được xác định rõ.
+ Tổ chức giám định phải có một hay nhiều người làm phụ trách kỹ thuật có trách nhiệm chung đối với việc đảm bảo rằng các hoạt động giám định được thực hiện phù hợp với tiêu chuẩn này.
Chú thích: Người thực hiện chức năng này không phải luôn có chức danh là phụ trách kỹ thuật.
(Những) người thực hiện chức năng này phải thành thạo về kỹ thuật và có kinh nghiệm về hoạt động của tổ chức giám định. Nếu tổ chức giám định có nhiều phụ trách kỹ thuật thì trách nhiệm cụ thể của từng người phụ trách phải được làm rõ và lập thành văn bản.
+ Tổ chức giám định phải chỉ định một hoặc nhiều người đại diện thay thế trong trường hợp phụ trách kỹ thuật vắng mặt, chịu trách nhiệm đối với các hoạt động giám định đang diễn ra.
+ Tổ chức giám định phải có một bản mô tả công việc hoặc các tài liệu khác đối với từng loại vị trí trong tổ chức liên quan đến các hoạt động giám định.