Hiện tại, phương pháp xác định cường độ chịu nén của bê tông áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia nào? Theo đó, việc lấy và chuẩn bị mẫu thử như thế nào? – Việt Cường (Bình Dương).
>> Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7087:2013: Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022 về Bê tông - phương pháp xác định cường độ chịu nén đang được áp dụng hiện nay. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Trong Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022, các nội dung cần chú ý khi áp dụng bao gồm:
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022 quy định phương pháp xác định cường độ chịu nén của bê tông.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022 không áp dụng để xác định cường độ chịu nén của các loại bê tông có tiêu chuẩn quy định riêng.
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết khi áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3118:2022. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng bản mới nhất, bao gồm các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3105:2022, Hỗn hợp bê tông và bê tông - Lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng mẫu thử.
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Ảnh chụp một phần Lược đồ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
(i) Máy nén:
Máy nén có thang lực và tốc độ gia tải phù hợp để nén mẫu tới phá hủy. Thớt nén có diện tích bề mặt phù hợp với kích thước mẫu, trong đó một thớt nén có cơ cấu tự lựa. Máy nén cần có khả năng tăng tải phù hợp và khả năng đo lực với sai số không lớn hơn ± 1,0 % hoặc ± 2,0 % so với lực được đo.
Chú thích 1: Máy nén cần được lắp đặt cố định trên nền cứng, sao cho bề mặt truyền tải của thớt nén không tự lựa vuông góc với phương thẳng đứng.
Chú thích 2: Việc kiểm định máy nén được thực hiện định kỳ và sau mỗi lần lắp đặt.
(ii) Đệm truyển tải:
Đệm truyền tải sử dụng để nén các mẫu lăng trụ. Đệm truyền tải có kích thước bằng kích thước mặt cắt của mẫu tương ứng (70 mm x 70 mm, 100 mm x 100 mm, 150 mm x 150 mm, 200 mm x 200 mm, 250 mm x 250 mm, 300 mm x 300 mm) với sai số không lớn hơn 1 %, chiều dày tương ứng không nhỏ hơn 0,25 lần kích thước cạnh nhỏ nhất của mẫu khi truyền tải qua khớp cầu và độ phẳng mặt không lớn hơn 0,05 mm trên 100 mm.
Chú thích: Trên mặt cạnh của đệm truyền tải cần có vạch đánh dấu để định tâm khi nén.
(iii) Thước đo: có độ dài phù hợp và có vạch chia đến 1 mm.
(iv) Thước góc: có khả năng kiểm tra góc vuông.
(v) Đồng hồ: đo thời gian có khả năng đọc đến 1 s.
(i) Lấy mẫu:
Lấy mẫu xác định cường độ chịu nén theo tổ mẫu. Mỗi tổ mẫu gồm 3 viên được chuẩn bị theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3105:2022.
Chú thích: Lấy mẫu xác định cường độ chịu nén từ kết cấu và cấu kiện thực hiện theo quy trình riêng.
(ii) Chuẩn bị mẫu:
- Trước khi nén, cần bảo quản mẫu (đã dỡ khuôn) trong điều kiện phòng thí nghiệm trong khoảng 4 h. Với mẫu được bảo dưỡng bằng cách ngâm trong nước, thời gian bảo quản là khoảng 24 h. Mẫu ở nhiệt độ cao dùng xác định cường độ truyền ứng lực hoặc cường độ dỡ khuôn được thử nghiệm ngay mà không cần bảo quản trong điều kiện phòng thí nghiệm.
- Mẫu thử xác định cường độ chịu nén phải đảm bảo các yêu cầu về sai số hình dạng và kích thước như quy định trong Điều 6 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3105:2022.
Các mẫu có độ không phẳng của các mặt chịu lực không đáp ứng yêu cầu theo 6.4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3105:2022 cần được làm phẳng mặt bằng cách mài hoặc phủ lớp vật liệu đóng rắn nhanh (ví dụ như xi măng đóng rắn nhanh, lưu huỳnh,...) với chiều dày không lớn hơn 5 mm, có cường độ ở thời điểm thử không nhỏ hơn cường độ dự kiến của bê tông.
- Không sử dụng viên mẫu có khuyết tật sau để xác định cường độ chịu nén:
+ Vết nứt, mất cạnh với chiều sâu lớn hơn 10 mm;
+ Vết rỗ với chiều rộng lớn hơn 10 mm và chiều sâu lớn hơn 5 mm;
+ Có dấu hiệu phân tầng hoặc không được đầm chặt.
- Phần bê tông thừa ở cạnh viên mẫu cần được loại bỏ bằng đá mài.