Dưới đây là 07 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện nay, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
>> Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện
>> Bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống thông tin trong cung cấp dịch vụ Online Banking
Căn cứ Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, sẽ có 07 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bao gồm:
(i) Tạm ngừng kinh doanh.
(ii) Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
(iii) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế.
(iv) Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập.
(v) Đang làm thủ tục phá sản.
(vi) Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại.
(vii) Đang hoạt động.
Định nghĩa từng tình trạng pháp lý như sau:
- Tạm ngừng kinh doanh: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh của Cơ quan quản lý thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký.
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập:
+ Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có nghị quyết, quyết định giải thể theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020.
+ Doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế.
+ Doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của Tòa án theo khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020.
+ Doanh nghiệp đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập và đang làm thủ tục quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập.
- Đang làm thủ tục phá sản: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại:
+ Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020.
+ Doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản.
+ Doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Đang hoạt động: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không thuộc tình trạng pháp lý tại mục (i), (ii), (iii), (iv), (v), (vi).
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
07 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện nay (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
(ii) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
(iii) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
(iv) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Căn cứ khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
(i) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.
(ii) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
(iii) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
(iv) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020 đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
(v) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.