Quy định về 03 hoạt động trong kinh doanh dịch vụ tin cậy theo Luật Giao dịch điện tử 2023 được Quốc hội ban hành ngày 22/06/2023 và có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2024.
>> 03 mặt hàng không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá
>> Bảo mật thông tin khách hàng trong Online Banking
Tại Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023, quy định cụ thể liên quan đến dịch vụ tin cậy bao gồm các loại hình dịch vụ sau đây:
- Dịch vụ cấp dấu thời gian.
- Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.
- Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Căn cứ Điều 31 Luật Giao dịch điện tử 2023, quy định chi tiết về dịch vụ cấp dấu thời gian, nêu rõ định nghĩa, hình thức, và yêu cầu đối với loại hình dịch vụ này như sau:
(i) Dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu.
(ii) Dấu thời gian được tạo ra dưới dạng chữ ký số.
(iii) Thời gian được gắn vào thông điệp dữ liệu là thời gian mà tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian nhận được thông điệp dữ liệu đó và được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian.
(iv) Nguồn thời gian của tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian phải theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.
[TIỆN ÍCH] >> CÔNG VIỆC PHÁP LÝ
Quy định về 03 hoạt động trong kinh doanh dịch vụ tin cậy năm 2024
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, theo quy định tại Điều 32 Luật Giao dịch điện tử 2023, được thiết kế để đảm bảo tính an toàn và tin cậy trong quá trình xử lý thông điệp dữ liệu bao gồm hai nội dung chính:
(i) Dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu.
- Là dịch vụ lưu giữ thông điệp dữ liệu và đảm bảo rằng nội dung của thông điệp không bị thay đổi, chỉnh sửa hay tổn hại trong suốt quá trình lưu trữ.
(ii) Dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm.
- Đảm bảo thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận lại một cách an toàn, chính xác, không bị thất lạc hay làm sai lệch trong quá trình truyền tải.
- Thường được áp dụng trong các giao dịch điện tử yêu cầu tính bảo mật cao, như gửi hợp đồng, hóa đơn điện tử hoặc các tài liệu quan trọng khác.
Chữ ký số công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực và bảo mật thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử. Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2023, quy định chi tiết như sau:
Điều 33. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
1. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động công cộng.
2. Chứng thư chữ ký số công cộng được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Phát hành chứng thư chữ ký số công cộng để xác nhận và duy trì trạng thái hiệu lực chứng thư chữ ký số công cộng của chủ thể ký thông điệp dữ liệu;
b) Thu hồi chứng thư chữ ký số công cộng;
c) Kiểm tra hiệu lực chữ ký số công cộng và duy trì trạng thái hiệu lực của chứng thư chữ ký số công cộng; không sử dụng rào cản kỹ thuật, công nghệ để hạn chế việc kiểm tra hiệu lực chữ kỹ số công cộng;
d) Cung cấp thông tin cần thiết để chứng thực chữ ký số công cộng;
đ) Liên thông với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia để bảo đảm cho việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số công cộng.
4. Chứng thư chữ ký số công cộng, chữ ký số công cộng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật đối với chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.