Thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Thông tư 56/2024/TT-NHNN được Chính phủ ban hành ngày 24/12/2024.
>> Thời hạn hoạt động tối đa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
>> 08 trường hợp thu hồi GCN đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo từ 01/03/2025
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 56/2024/TT-NHNN, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cụ thể như sau:
1. Thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
a) Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 10, Điều 11, khoản 1, 2, 3 Điều 12, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 13, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Điều 14 Thông tư này và gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước (bộ phận Một cửa).
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Đơn trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc hoặc yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ;
b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi xem xét ý kiến của các cơ quan liên quan. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận;
c) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định tại Điều 10, khoản 4 Điều 12, khoản 7 Điều 13, khoản 14 Điều 14 Thông tư này và gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước (bộ phận Một cửa). Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản bổ sung thì văn bản chấp thuận nguyên tắc đương nhiên không còn giá trị
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản bổ sung.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Theo Điều 5 Thông tư 56/2024/TT-NHNN, thẩm quyền quyết định cấp Giấy phép bao gồm:
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền quyết định cấp Giấy phép đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi văn phòng đại diện nước ngoài dự kiến đặt trụ sở có thẩm quyền quyết định cấp Giấy phép đối với văn phòng đại diện nước ngoài.
Tại Điều 6 Thông tư 56/2024/TT-NHNN, quy định về giấy phép như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nội dung hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài theo mẫu Giấy phép tương ứng quy định tại Phụ lục số 01, 02, 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp Giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải có văn bản nêu rõ lý do và gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước (bộ phận Một cửa) để đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp bản sao Giấy phép từ bản gốc theo quy định của pháp luật và phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cấp lại bản sao từ bản gốc cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài.