Có phải Cục Quản lý Dược vừa ra công văn thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm Serum phục hồi da hư tổn do Công ty TNHH TM & DV Hải Tâm sản xuất hay không? – Khánh Ngân (Khánh Hòa).
>> File word Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực năm 2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 07/05/2024
Ngày 03/5/2024, Cục Quản lý Dược ban hành Công văn 1271/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm. Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo: đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn, Số phiếu công bố: 24/22/CBMP-KH do công ty TNHH Bích Cao White (Địa chỉ: Số 163 hẻm 278, Châu Thị Kim, phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và công ty TNHH TM & DV Hải Tâm (Địa chỉ: Thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) sản xuất.
Thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm Serum phục hồi da hư tổn (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Cũng theo Công văn 1271/QLD-MP, Serum phục hồi da hư tổn có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm được duyệt (không ghi thành phần Pentylene Glycol, Sargassum Fusiforme Extract). Thuộc trường hợp bị thu hồi số tiếp nhận, phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo điểm b, khoản 1, Điều 46 Thông tư 06/2011/TT-BYT qui định về quản lý mỹ phẩm.
Theo khoản 3 Công văn 1271/QLD-MP, công ty TNHH Bích Cao White và công ty TNHH TM & DV Hải Tâm có trách nhiệm:
- Gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn nêu trên.
- Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định.
- Gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/5/2024.
Điều 13. Yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm - Thông tư 06/2011/TT-BYT Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm. Nhà sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm phải đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN. Giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN quy định tại Phụ lục số 06-MP. Thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các Phụ lục (Annexes) - bản mới nhất của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN (địa chỉ truy cập: www.dav.gov.vn hoặc www.aseansec.org). Điều 14. Các thành phần chất cấm, các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm mỹ phẩm - Thông tư 06/2011/TT-BYT Các tổ chức, cá nhân không được đưa ra thị trường những sản phẩm mỹ phẩm có chứa: 1. Các chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm với điều kiện đi kèm được liệt kê trong Phụ lục II (Annex II). 2. Các thành phần được liệt kê trong phần thứ nhất của Phụ lục III (Annex III), với nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc nằm ngoài điều kiện cho phép. 3. Các chất màu khác với các chất được liệt kê trong Phụ lục IV (Annex IV), phần 1, trừ trường hợp các mỹ phẩm chứa các chất màu với mục đích duy nhất để nhuộm tóc. 4. Các chất màu được liệt kê trong Phụ lục IV (Annex IV), phần 1 được sử dụng ngoài điều kiện đã nêu. 5. Các chất bảo quản nằm ngoài danh mục trong Phụ lục VI (Annex VI), phần 1. 6. Các chất bảo quản được liệt kê trong Phụ lục VI (Annex VI), phần 1, với hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc nằm ngoài điều kiện cho phép, trừ trường hợp các chất này được sử dụng với mục đích đặc biệt, không liên quan đến công dụng là chất bảo quản. 7. Các chất lọc tia tử ngoại nằm ngoài danh mục trong Phụ lục VII (Annex VII), phần 1. 8. Các chất lọc tia tử ngoại nằm trong Phụ lục VII (Annex VII), phần 1 nhưng có hàm lượng vượt quá giới hạn hoặc điều kiện cho phép. Sự có mặt của các chất được liệt kê trong Phụ lục II (Annex II) với hàm lượng vết vẫn được chấp nhận nếu vì lý do kỹ thuật không thể tránh được trong “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” và vẫn đảm bảo yêu cầu về độ an toàn của mỹ phẩm như quy định tại Điều 13 của Thông tư này. |