Hóa đơn là một chứng từ quan trọng làm căn cứ để xác định doanh thu, chi phí, số tiền thuế mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nộp. Việc lập hóa đơn điện tử được thực hiện sau:
>> Xử lý hóa đơn giấy đã mua của cơ quan thuế bị mất, cháy, hỏng hoặc không tiếp tục sử dụng
Sau khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế; doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiến hành lập hóa đơn điện tử giao cho người mua khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
Căn cứ Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn điện tử được quy định như sau:
(i) Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa
Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
(ii) Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
(iii) Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ
Mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
(iv) Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể:
a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h bên dưới), nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b bên dưới) được bán theo kỳ nhất định:
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.
b) Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ công nghệ thông tin (bao gồm dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng trên nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ:
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối.
Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) thông qua bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mà khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì cuối mỗi ngày hoặc định kỳ trong tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lập chung một hóa đơn GTGT ghi nhận tổng doanh thu phát sinh theo từng dịch vụ người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.
c) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn:
Thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
d) Đối với tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng:
- Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì thời điểm lập hóa đơn là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng.
- Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản (i) Mục 1 này.
đ) Đối với các trường hợp tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế:
Thời điểm lập hóa đơn: chậm nhất không quá 05 ngày kế tiếp kể từ ngày chứng từ dich vụ vận tải hàng không xuất ra trên hệ thống website và hệ thống thương mại điện tử.
e) Đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô: Thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô (bao gồm cả hoạt động bao tiêu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ) là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua: Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao hàng tháng nhưng chậm nhất không quá 07 ngày kế tiếp kể từ ngày bên bán gửi thông báo lượng khí giao hàng tháng.
Trường hợp thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ có quy định khác về thời điểm lập hóa đơn thì thực hiện theo quy định tại thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
g) Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính (trụ sở chính trực tiếp ký hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từng cửa hàng xuất cho khách hàng xuất qua hệ thống máy tính tiền của từng cửa hàng đứng tên trụ sở chính), hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền cho khách hàng, dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở kinh doanh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.
h) Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện:
Thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện theo quy định của Bộ Công Thương hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn, phê duyệt nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện.
i) Đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng:
Thời điểm lập hóa đơn điện tử là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.
k) Đối với trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý:
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh.
l) Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử, dịch vụ ngừng và cấp điện trở lại của đơn vị phân phối điện cho người mua là cá nhân không kinh doanh (hoặc cá nhân kinh doanh) nhưng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày hoặc cuối tháng đơn vị thực hiện xuất hóa đơn tổng căn cứ thông tin chi tiết từng giao dịch phát sinh trong ngày, trong tháng tại hệ thống quản lý dữ liệu của đơn vị. Trường hợp khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn theo từng giao dịch thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn giao cho khách hàng.
m) Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền theo quy định của pháp luật:
- Tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi các thông tin của chuyến đi cho khách hàng và gửi về cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu của cơ quan thuế. Các thông tin gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (tính theo km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
- Trường hợp khách hàng lấy hóa đơn điện tử thì khách hàng cập nhật hoặc gửi các thông tin đầy đủ (tên, địa chỉ, mã số thuế) vào phần mềm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Căn cứ thông tin khách hàng gửi hoặc cập nhật, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi hóa đơn của chuyến đi cho khách hàng, đồng thời chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo quy định tại Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
n) Đối với cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và quản lý viện phí, từng giao dịch khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ chụp, chiếu, xét nghiệm có in phiếu thu tiền (thu viện phí hoặc tiền khám, xét nghiệm) và có lưu trên hệ thống công nghệ thông tin, nếu khách hàng (người đến khám, chữa bệnh) không có nhu cầu lấy hóa đơn:
Cuối ngày cơ sở y tế căn cứ thông tin khám, chữa bệnh và thông tin từ phiếu thu tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các dịch vụ y tế thực hiện trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở y tế lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.
o) Đối với hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ngày lập hóa đơn điện tử là ngày xe lưu thông qua trạm thu phí. Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có một hoặc nhiều phương tiện cùng sử dụng dịch vụ nhiều lần trong tháng, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể lập hóa đơn điện tử theo định kỳ, ngày lập hóa đơn điện tử chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ thu phí. Nội dung hóa đơn liệt kê chi tiết từng lượt xe lưu thông qua các trạm thu phí (bao gồm: thời gian xe qua trạm, giá phí sử dụng đường bộ của từng lượt xe).
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được lập như sau:
Bước 1: Lập và ký số trên hóa đơn điện tử
Trường hợp 1: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thuộc diện không phải trả tiền dịch vụ trong thời gian 12 tháng đầu sử dụng hóa đơn điện tử:
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp này bao gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (do Chính phủ quy định); hoặc
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính (trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nêu trên nếu truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để lập hóa đơn thì sử dụng tài khoản đã được cấp khi đăng ký để thực hiện:
- Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Ký số trên các hóa đơn đã lập và gửi hóa đơn để cơ quan thuế cấp mã.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh truy cập vào trang thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử của đơn vị để thực hiện:
- Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Ký số trên các hóa đơn đã lập và gửi hóa đơn qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để cơ quan thuế cấp mã.
Bước 2: Cấp mã hóa đơn
Hóa đơn được cơ quan thuế cấp mã là hóa đơn hợp lệ. Cụ thể, hóa đơn phải đảm bảo:
- Đầy đủ nội dung về hóa đơn điện tử;
- Đúng định dạng về hóa đơn điện tử;
- Đúng theo thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn đã gửi cơ quan thuế;
- Không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
>> Xem chi tiết tại: "Hóa đơn điện tử hợp lệ".
Hệ thống cấp mã hóa đơn của Tổng cục Thuế tự động thực hiện cấp mã hóa đơn và gửi trả kết quả cấp mã hóa đơn cho người gửi.
Bước 3: Gửi hóa đơn cho người mua
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua và đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau khi nhận được thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng phần mềm để:
- Lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Ký số trên hóa đơn điện tử;
- Gửi cho người mua bằng phương thức điện tử theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, bên mua phải lập hóa đơn khi xuất hàng hóa dưới hình thức hoàn trả hàng hóa.
Cụ thể:
- Trong trường hợp bên bán đã giao hàng và xuất hóa đơn cho bên mua, nhưng do phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng nên bên mua hoàn trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa cho bên bán thì bên mua phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa gửi cho bên mua.
- Sau khi nhận lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa hoàn trả của bên mua, bên bán phải lập hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót trong trường hợp hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng
- Xem chi tiết tại "Xử lý hóa đơn đã lập có sai sót".
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Cụ thể:
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nếu tuân thủ theo quy định của pháp luật thương mại thì giá tính thuế GTGT ghi trên hóa đơn được xác định bằng không (0).
Một số hình thức khuyến mại cụ thể được thực hiện như sau:
- Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền và hình thức khuyến mại tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì: Giá tính thuế GTGT đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0 (như vậy doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải nộp tiền thuế GTGT cho hàng mẫu, dịch vụ mẫu dùng để khuyến mại).
- Đối với hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng hóa, dịch vụ trước đó thì: Giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo.
- Đối với các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ thì: Không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ cần đảm bảo hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tuân thủ theo quy định của pháp luật thương mại, cụ thể là 02 nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tiến hành thông báo/đăng ký hoạt động khuyến mại đến Sở Công Thương trước khi thực hiện chương trình khuyến mại và tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật thương mại về hoạt động khuyến mại như: thông tin công khai với khách hàng, hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại,...
- Thứ hai, trên hóa đơn được lập phải ghi tên và số lượng hàng hóa dùng để khuyến mại, ghi rõ là hàng khuyến mại, hàng mẫu không thu tiền,... và ghi giá tính thuế (đơn giá) theo hướng dẫn nêu trên.
Ngược lại, trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho (xem chi tiết tại Mục 3.5).
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải lập hóa đơn cho cả các trường hợp dùng hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu, tặng, trao đổi hay trả lương cho người lao động (bao gồm hàng hóa, dịch vụ mua ngoài hoặc do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự sản xuất, cung ứng).
Việc lập hóa đơn trong trường hợp này như sau:
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương: Giá tính thuế GTGT ghi trên hóa đơn là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Ví dụ 1: Công ty cổ phần A sản xuất quạt máy với giá bán (chưa có thuế) là 300.000 đồng/chiếc. Công ty A dùng 20 sản phẩm quạt để trao đổi với đơn vị B lấy sắt thép. Giá tính thuế GTGT đối với số quạt máy dùng để trao đổi là 20 x 300.000 đồng = 6.000.000 đồng.
Lưu ý:
Riêng biếu, tặng giấy mời (trên giấy mời ghi rõ không thu tiền) xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, thi đấu thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì:
- Giá tính thuế đối với giấy mời biếu, tặng được xác định bằng không (0).
- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức biểu diễn nghệ thuật tự xác định và tự chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời, danh sách tổ chức, cá nhân mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh mang biếu, tặng giấy mời trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, thi đấu thể thao.
- Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hành vi gian lận vẫn thu tiền đối với giấy mời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ví dụ 2: Công ty cổ phần C được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức buổi biểu diễn ca nhạc, ngoài số vé in để bán thu tiền cho khán giả, công ty có in một số giấy mời để biếu, tặng không thu tiền để mời một số đại biểu đến tham dự đêm nhạc và có lập danh sách các đại biểu nhận vé mời. Khi khai thuế GTGT, giá tính thuế đối với số giấy mời biếu, tặng được xác định bằng không (0).
Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)
Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn (theo điểm c khoản 1 Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC).
Theo đó, căn cứ khoản 22 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, hóa đơn được lập khi chiết khấu thương mại dành cho khách hàng có giá tính thuế GTGT (đơn giá) là giá bán đã chiết khấu thương mại.
Cụ thể, việc lập hóa đơn được tiến hành như sau:
Trường hợp 01: Chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ
Trong trường hợp này thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.
Ví dụ 3: Công ty cổ phẩn A ký hợp đồng X với Doanh nghiệp tư nhân B, trong đó, Doanh nghiệp B mua 10 máy vi tính để bàn trị giá 10 triệu đồng/chiếc sẽ được chiết khấu 10% (1.000.000 đồng/bộ). Theo đó, Hóa đơn giá trị gia tăng được ghi như sau:
- Ngày thứ nhất: Doanh nghiệp B mua 03 bộ, hóa đơn vẫn được xuất bình thường vì không đủ điều kiện chiết khấu.
- Ngày thứ hai: Doanh nghiệp B mua tiếp 02 bộ. Lần này cũng chưa đủ số lượng nên chưa được chiết khấu, do đó hóa đơn vẫn được xuất như bình thường.
- Ngày thứ ba: Doanh nghiệp B mua tiếp 05 bộ, do đã đáp ứng đủ điều kiện chiết khấu là 10 bộ, do đó, Doanh nghiệp B sẽ được chiết khấu 10% cho toàn bộ hợp đồng.
Lúc này, đối với hóa đơn cuối cùng Công ty A xuất cho Doanh nghiệp B được thể hiện như sau:
- Giá hàng hóa (đối với 05 bộ còn lại) là: 10.000.000 x 5 = 50.000.000 đồng.
- Chiết khấu thương mại theo hợp đồng X được ký kết thì giá trị được chiết khấu là 1.000.000 x 10 bộ= 10.000.000 đồng.
- Cộng tiền hàng chưa tính thuế GTGT là 50.000.000 - 10.000.000= 40.000.000 đồng.
- Thuế suất GTGT là 10% nên tiền thuế GTGT là 4.000.000 triệu đồng.
- Tổng giá trị thanh toán đã có thuế GTGT: 44.000.000 đồng.
Trường hợp 02: Số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán
Trong trường hợp này, doanh nghiệp, hộ kinh doanh lập hóa đơn điều chỉnh kèm theo bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế GTGT điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.
Căn cứ khoản 4 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khỏa 2 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC), hàng hóa luân chuyển nội bộ là hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất). Cụ thể:
Trường hợp 1: Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất
- Khi xuất hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải lập hóa đơn và không phải nộp thuế GTGT.
Ví dụ 3: Công ty cổ phần A là công ty may mặc sản phẩm lụa tơ tằm, sau khi tạo ra lụa, công ty chuyển tiếp qua khâu sản xuất quần áo thành phẩm. Trong trường hợp này thì công ty A không phải lập hóa đơn và không phải nộp thuế GTGT đối với lụa tơ tằm này.
- Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Ví dụ 4: Công ty cổ phần H tự xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần H không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ, Công ty H không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca (đối với nguyên vật liệu xây dựng,...) được kê khai, khấu trừ theo quy định.
- Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả trong nội bộ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.
- Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra nếu có văn bản quy định rõ đối tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy định.
Trường hợp 2: Hàng hóa dùng để tiêu dùng nội bộ không phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi xuất hàng hóa để tiêu dùng nội bộ mà không phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh thì phải lập hóa đơn. Trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
- Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT - Tờ khai đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử theo Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Mẫu số 04/SS-HĐĐT - Thông báo hóa đơn điện tử có sai sót theo Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Mẫu số 06/ĐN-PSĐT - Đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của CQT theo từng lần phát sinh theo Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Mẫu số 01/TH-HĐĐT - Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Mẫu số 03/DL-HĐĐT - Tờ khai dữ liệu hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra theo Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.