BỘ TÀI
CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 119/2014/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày 25 tháng 8 năm 2014
|
THÔNG
TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 156/2013/TT-BTC NGÀY 06/11/2013, THÔNG
TƯ SỐ 111/2013/TT-BTC NGÀY 15/8/2013, THÔNG TƯ SỐ 219/2013/TT-BTC NGÀY 31/12/2013,
THÔNG TƯ SỐ 08/2013/TT-BTC NGÀY 10/01/2013, THÔNG TƯ SỐ 85/2011/TT-BTC NGÀY 17/6/2011,
THÔNG TƯ SỐ 39/2014/TT-BTC NGÀY 31/3/2014 VÀ THÔNG TƯ SỐ 78/2014/TT-BTC NGÀY 18/6/2014
CỦA BỘ TÀI CHÍNH ĐỂ CẢI CÁCH, ĐƠN GIẢN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng
11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày
03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm
2013;
Căn
cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý
thuế;
Căn
cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng
12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
Căn
cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010
quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010;
Căn
cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn
cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng
12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng
Tổng cục Thuế,
Thực hiện cải cách, đơn
giản các thủ tục hành chính về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi,
bổ sung một số nội dung như sau:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng
dẫn thi hành một số điều của của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của
Chính phủ như sau:
1. Ban
hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:
a) Mẫu Tờ khai
thuế GTGT dành cho người nộp thuế khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (mẫu số 01/GTGT) thay thế cho mẫu Tờ khai thuế
GTGT dành cho người nộp thuế khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (mẫu số 01/GTGT) ban hành kèm theo
Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013
của Bộ Tài chính.
b) Mẫu Bảng kê
hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu
số 01-1/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch
vụ bán ra (mẫu số 01-1/GTGT)
ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC
ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
c) Mẫu Bảng kê
hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào (mẫu
số 01-2/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch
vụ mua vào (mẫu số 01-2/GTGT)
ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC
ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
d) Mẫu Tờ khai
thuế GTGT dành cho người nộp thuế mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý (mẫu số 03/GTGT) thay thế cho mẫu Tờ khai thuế
GTGT dành cho người nộp thuế mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý (mẫu số 03/GTGT) ban hành kèm theo
Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013
của Bộ Tài chính.
đ) Mẫu Bảng kê
hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu
số 04-1/GTGT) thay thế cho mẫu Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ
bán ra (mẫu số 04-1/GTGT)
ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC
ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
e) Mẫu Thông
báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (mẫu số 01-1/LPTB)
thay thế mẫu Thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (mẫu số 01-1/LPTB) ban hành kèm
theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013
của Bộ Tài chính.
g) Mẫu Tờ khai
thuế thu nhập cá nhân dành cho cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động
sản; thu nhập từ nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản (mẫu số 11/KK-TNCN) thay thế cho mẫu Tờ khai
thuế thu nhập cá nhân dành cho cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động
sản; thu nhập từ nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản (mẫu số 11/KK-TNCN) ban hành
kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày
06/11/2013 của Bộ Tài chính.
2. Sửa
đổi
điểm b khoản 3 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“b) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng
tháng, quý áp dụng phương pháp khấu trừ thuế:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa,
dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT ban
hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa,
dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT ban
hành kèm theo Thông tư này;
- Bảng kê số thuế giá trị gia tăng đã
nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển
nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo mẫu số 01-5/GTGT ban hành kèm
theo Thông tư này.
- Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa
phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực
thuộc không thực hiện hạch toán kế toán (nếu có) theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông
tư này”.
3. Sửa
đổi, bổ sung điểm a, d, đ và e
khoản 8 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 11 như sau:
“a) Khai thuế giá trị gia tăng đối với
hoạt động đại lý
- Người nộp thuế là đại lý bán hàng
hóa, dịch vụ hoặc là đại lý thu mua hàng hóa theo hình thức bán, mua đúng giá
hưởng hoa hồng không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ
bán đại lý; hàng hóa thu mua đại lý nhưng phải khai thuế giá trị gia tăng đối
với doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.
- Đối với các
hình thức đại lý khác thì người nộp thuế phải khai thuế giá trị gia tăng đối
với hàng hóa, dịch vụ bán hàng đại lý; hàng hóa thu mua đại lý và thù lao đại
lý được hưởng.”
b) Sửa đổi điểm d, đ, e khoản 8 Điều 11 như sau:
“d) Người nộp thuế kinh doanh dịch vụ
cho thuê tài chính không phải nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ
cho thuê tài chính. Người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế đối với các tài sản
cho đơn vị khác thuê mua tài chính.
đ) Khai thuế đối với người nộp thuế có
hoạt động xuất, nhập khẩu uỷ thác hàng hóa:
Người nộp thuế nhận xuất, nhập khẩu ủy
thác hàng hóa không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhận xuất,
nhập khẩu ủy thác (trong trường hợp hợp đồng ủy thác không có nội dung ủy thác
về thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT thay cho đối tượng ủy thác) nhưng phải khai
thuế giá trị gia tăng đối với thù lao ủy thác được hưởng.
e) Việc lập các Bảng kê hàng hóa, dịch
vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế trong một số
trường hợp được thực hiện như sau:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ bán lẻ
trực tiếp cho đối tượng tiêu dùng như: điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ bưu
chính, viễn thông, dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển hành khách, mua, bán
vàng, bạc, đá quý, bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác thì được kê khai tổng hợp doanh số
bán lẻ, không phải kê khai theo từng hóa đơn.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ mua lẻ, bảng
kê tổng hợp được lập theo từng nhóm mặt hàng, dịch vụ cùng thuế suất, không phải
kê chi tiết theo từng hóa đơn.
- Đối với cơ sở kinh doanh ngân hàng
có các đơn vị trực thuộc tại cùng địa phương thì các đơn vị trực thuộc phải lập
Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra để lưu tại cơ sở chính. Khi tổng hợp
lập Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, cơ sở chính chỉ tổng hợp theo số
tổng hợp trên Bảng kê của các đơn vị phụ thuộc”.
c) Bãi bỏ nội
dung tại khoản 12 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
4. Sửa
đổi, bổ sung
Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ
sung điểm b.2.1, khoản 2 Điều 16 như sau:
“b.2) Hồ sơ khai quyết toán
b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền
lương, tiền công; thu nhập từ đại lý bảo hiểm; thu nhập từ đại lý xổ số; thu
nhập từ bán hàng đa cấp khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế
theo mẫu sau:
- Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 09/KK-TNCN ban hành kèm
theo Thông tư này.
- Phụ lục mẫu số 09-1/PL-TNCN ban hành
kèm theo Thông tư này.
- Phụ lục mẫu số 09-3/PL-TNCN ban hành
kèm theo Thông tư này nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
- Phụ lục mẫu số 09-4/PL-TNCN ban hành
kèm theo Thông tư này.
- Bản chụp các chứng từ chứng minh số
thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản
chụp đó. Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho
cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ
cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân
mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
Trường hợp, theo quy định của luật
pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã
nộp, người nộp thuế có thể nộp bản chụp Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ
đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc
bản chụp chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của
người nộp thuế.
- Bản chụp các hóa đơn, chứng từ chứng
minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
- Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ
các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài
phải có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức
trả
thu nhập ở nước ngoài kèm theo Thư xác nhận thu nhập năm mẫu số 20/TXN-TNCN ban hành kèm theo
Thông tư này.”
b) Sửa đổi dấu
cộng thứ nhất, gạch đầu dòng thứ hai, điểm c.2.1, khoản 2 Điều
16 như sau:
“- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương,
tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ
quyết toán thuế như sau:
+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh
cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán
thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó.
Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu
nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán
thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng. Trường
hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối
cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế
tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).”
c) Sửa đổi, bổ
sung điểm b.1, khoản 6 Điều 16 như sau:
“b) Hồ sơ khai thuế và hồ sơ miễn thuế
b.1) Đối với thừa kế, quà tặng là bất
động sản, hồ sơ khai thuế thực hiện theo hướng dẫn tại tiết b.1, khoản 3 Điều
này. Riêng Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thay thế bằng bản chụp giấy tờ
pháp lý chứng minh quyền được nhận thừa kế, quà tặng và cá nhân cam kết chịu
trách nhiệm vào bản chụp đó.
Trường hợp nhóm cá nhân nhận thừa kế,
quà tặng là bất động sản và làm thủ tục đồng sở hữu thì cá nhân đại diện khai
thuế, các cá nhân khác ký tên xác nhận vào tờ khai mà không bắt buộc từng cá
nhân phải khai thuế. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai để xác định nghĩa vụ thuế
riêng cho từng cá nhân nhận thừa kế, quà tặng.”
d) Sửa đổi, bổ
sung điểm c, khoản 6, Điều 16 như sau:
“c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế
- Cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là
bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai)
nộp hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 3 Điều này.
- Cá nhân nhận thu nhập từ thừa kế,
quà tặng là chứng khoán, phần vốn góp nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản
lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán, doanh nghiệp có phần vốn góp. Trường hợp
cá nhân đồng thời nhận thừa kế, quà tặng của nhiều loại chứng khoán, phần vốn
góp thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký
thường trú hoặc tạm trú).
- Cá nhân nhận thu nhập từ nhận thừa
kế, quà tặng là tài sản khác nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ
khai lệ phí trước bạ”.
5. Bổ
sung
điểm b, Khoản 1, Điều 19 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“b)
Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ nhà, đất
- Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB ban hành kèm theo
Thông tư này;
-
Giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp;
-
Giấy tờ hợp pháp về việc chuyển giao tài sản ký kết giữa bên giao tài sản và
bên nhận tài sản;
-
Các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc đối tượng không phải
nộp lệ phí trước bạ hoặc được miễn lệ phí trước bạ (nếu có).
Riêng
đối với trường hợp tài sản nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản thì hồ sơ kê
khai lệ phí trước bạ không cần phải có tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB nêu trên. Cơ quan
thuế căn cứ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu
số 11/KK-TNCN để tính số tiền lệ phí trước bạ phải nộp của chủ tài sản và
ra thông báo theo mẫu 01-1/LPTB ban hành
kèm theo Thông tư này”.
6. Sửa đổi, bổ sung khổ thứ 2, 3, 4 khoản
11 Điều 21 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như
sau:
“Số
thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh được xác
định như sau:
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên
tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó)
trở lên được giảm 1/3 số thuế phải nộp của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn
02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn
quý được giảm toàn bộ số thuế phải nộp của quý. Trường hợp Hộ nộp thuế
khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế
khoán phải nộp của tháng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh
doanh, Hộ nộp thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế theo thông báo của cơ
quan thuế.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông
tư 156/2013/TT-BTC như sau:
a) Bổ sung khoản 1 Điều 22 như sau:
“1. Nguyên tắc khai thuế.
Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho
thuê thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và nộp thuế môn bài
theo thông báo của cơ quan thuế.
Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân có
tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ một trăm triệu
đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình một tháng trong năm từ 8,4
triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và cơ quan
thuế không thực hiện cấp hóa đơn lẻ đối với trường hợp này”
b) Sửa đổi điểm b, khoản 5 Điều 22 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“5. Thời hạn nộp thuế
...
b) Đối với hình thức khai thuế theo
từng hợp đồng phát sinh thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế”.
8. Sửa
đổi, bổ sung khổ thứ 6, 7, 8, 9 khoản 3 Điều 28 Thông tư số
156/2013/TT-BTC như sau:
“Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phối
hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đồng cấp trong việc khấu trừ thu thuế GTGT các
công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, đồng
thời hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với số thuế GTGT đã khấu trừ theo
nguyên tắc:
Công trình xây dựng cơ bản phát sinh
tại địa phương cấp tỉnh nào, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được hạch toán vào
thu ngân sách của địa phương cấp tỉnh đó.
Đối với các công trình liên tỉnh thì
chủ đầu tư phải tự xác định doanh thu công trình chi tiết theo từng tỉnh gửi
Kho bạc nhà nước để khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu ngân sách cho từng
tỉnh.
Đối với các công trình liên huyện, nếu
xác định được doanh thu công trình chi tiết theo từng huyện, thì số thuế GTGT
khấu trừ sẽ được Kho bạc Nhà nước hạch toán vào thu ngân sách của từng huyện
tương ứng với số phát sinh doanh thu công trình. Đối với các công trình liên
huyện mà không xác định được chính xác doanh thu công trình chi tiết theo từng
địa bàn huyện, thì chủ đầu tư xác định tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng
địa bàn gửi KBNN thực hiện khấu trừ thuế GTGT, trường hợp chủ đầu tư không xác
định được tỷ lệ doanh thu của công trình trên từng địa bàn thì giao Cục trưởng Cục thuế xem
xét quyết định.”
9. Bãi bỏ nội dung tại Khoản 2 Điều 29
Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Điều 2. Sửa
đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều
1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá
nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập
cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị
định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế
theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế
của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu
thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt
nơi trả thu nhập;
Đối với cá nhân là công dân của quốc
gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần
và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là
cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ
tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam
đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng)
không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu
thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập
chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận
thu nhập”
Điều 3. Sửa
đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng
dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá
trị gia tăng như sau:
1. Bổ sung điểm g khoản 7 Điều 5 Thông
tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“g) Cơ sở kinh doanh không phải
nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất
khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả
lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định”.
2. Sửa
đổi, bổ sung
khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“4. Giá tính thuế đối
với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.
Hàng hóa luân chuyển nội
bộ như
hàng hóa được
xuất để
chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục
quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch
vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh
thì không
phải tính, nộp thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh
doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ
sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn
thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT
đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy
định.
Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật
tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và
các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập
hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.
Ví dụ 24: Đơn vị A là doanh nghiệp sản
xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục
vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT
đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.
Ví dụ 25: Cơ sở sản xuất hàng may mặc
B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân
xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không
phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.
Ví dụ 26: Công ty cổ phần P tự xây
dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công
ty cổ phần P không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng
này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ giữa ca, Công ty cổ phần P không phải
lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca được kê khai, khấu
trừ theo quy định.
Ví dụ 27: Công ty Y là doanh nghiệp
sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên
thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai để
phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế
GTGT.
Ví dụ 28: Công ty Y là doanh nghiệp
sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên
thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với
mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai,
tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản
xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử
dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản
xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không
phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh phải có văn bản quy định rõ đối
tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy
định.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 12
Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“3. Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện
áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt
động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT
dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ
theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án
đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo
phương pháp khấu trừ.
Doanh nghiệp mới thành lập có thực
hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp
đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập
có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy
định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền
của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng
phương pháp khấu trừ thuế.
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành
lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc,
thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
d)
Tổ
chức nước ngoài,
cá
nhân nước ngoài kinh
doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
đ) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được
thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.
Doanh
nghiệp, hợp tác xã hướng dẫn tại điểm a khoản này phải gửi Thông báo về việc áp
dụng phương pháp tính thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là
ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp
tính thuế mới.
Cơ sở kinh
doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng
phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi gửi Thông
báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế trực tiếp, cơ
sở kinh doanh không phải gửi các hồ sơ, tài liệu chứng minh như dự án đầu tư
được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án đầu tư được người có thẩm quyền của
doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt, hóa đơn đầu tư, mua sắm, hồ sơ
nhận góp vốn, hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. Cơ sở kinh doanh lưu giữ và xuất
trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Trường hợp cơ sở kinh doanh mới thành
lập từ ngày 01/01/2014 chưa đủ điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp
khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC
ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, nếu đáp ứng được các điều kiện hướng dẫn tại
điểm b, c khoản này thì được áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b, c khoản 3 Điều
12 Thông tư này.
Cơ sở kinh
doanh hướng dẫn tại điểm d khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương
pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Cơ sở kinh
doanh hướng dẫn tại điểm đ khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương
pháp tính thuế GTGT tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 20 tháng 12
của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới.
Trong thời
gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo về việc áp dụng phương pháp
khấu trừ, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã,
cơ sở kinh doanh biết việc chấp thuận hay không chấp thuận Thông báo về việc áp
dụng phương pháp khấu trừ thuế.
4. Các trường hợp khác:
a) Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt
động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán
riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị
gia tăng hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.
b) Đối với doanh nghiệp đang nộp
thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi
nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật
về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo
phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động. Trường
hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi doanh nghiệp có
trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì
thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh
nghiệp.
c) Đối với doanh
nghiệp, hợp tác xã mới thành lập khác không thuộc các trường hợp hướng dẫn tại
khoản 3 Điều này thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo hướng dẫn tại Điều
13 Thông tư này.
d) Khi hết
năm dương lịch đầu tiên từ khi thành lập, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh
thu từ 1 tỷ đồng trở lên theo cách xác định tại khoản 2 Điều này và thực hiện
đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế
toán, hóa đơn, chứng từ thì tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; nếu
doanh nghiệp, hợp tác xã không đạt mức doanh thu từ một tỷ đồng trở lên nhưng
vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật
về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì được đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng
phương pháp khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều này. Sau năm
dương lịch đầu tiên từ khi thành lập, doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng ổn định
phương pháp tính thuế trong 2 năm liên tục.
Ví dụ 53: Công ty TNHH thương mại dịch
vụ X thành lập và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2014, Công ty TNHH thương mại
dịch vụ áp dụng phương pháp tính trực tiếp các kỳ tính thuế GTGT trong năm
2014. Đến hết kỳ tính thuế tháng 11/2014, Công ty TNHH thương mại dịch vụ X xác
định doanh thu như sau:
Lấy chỉ tiêu tổng doanh thu trên tờ
khai thuế GTGT của kỳ tính thuế từ tháng 4 đến hết tháng 11 năm 2014 chia cho 8
tháng, sau đó nhân với 12 tháng.
Trường hợp doanh thu ước tính xác định
được từ 1 tỷ đồng trở lên thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ X chuyển sang áp
dụng phương pháp khấu trừ thuế từ ngày 1/1/2015 và cho hai năm 2015, 2016.
Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng và
Công ty TNHH thương mại dịch vụ X thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn,
chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì Công ty
TNHH thương mại dịch vụ X thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương
pháp khấu trừ theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này. Nếu Công ty TNHH thương mại
dịch vụ X tiếp tục đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì Công ty
TNHH thương mại dịch vụ X tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ
trong hai năm 2015, 2016.”
4. Sửa
đổi
khoản 1 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương
pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá
trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý
được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá
thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý
bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả
tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu
thêm mà bên bán được hưởng.
Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý
mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã
có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế phát
sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá
trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá
trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị
gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau
trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết
chuyển tiếp sang năm sau”.
5. Bổ sung ví dụ số 58a tại khoản 4 Điều
14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“Ví dụ số 58a: Doanh nghiệp A đầu tư
xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy để sản xuất khép kín từ khâu nuôi
trồng (bao gồm cả
thuê gia công nuôi trồng mà doanh nghiệp A đầu tư toàn bộ giống,
ao, hồ, hàng rào, hệ thống tưới tiêu, tàu thuyền và nguyên, vật liệu đầu vào
khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ thú y…), đến khâu chế biến phi-lê cá tra
đông lạnh để xuất khẩu và bán trong nước. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp
A đã mua thêm cá tra của các doanh nghiệp khác hoặc của các hộ nông dân. Cá tra
mua ngoài trước khi đưa vào nhà máy đều được tập trung nuôi tại ao hồ của doanh
nghiệp A cùng cá tra do doanh nghiệp A tự nuôi. Cá tra do doanh nghiệp tự nuôi
và cá tra mua ngoài được đưa vào nhà máy chế biến thành sản phẩm cá tra phi-lê
(cá fillet) qua công đoạn và theo quy trình: Cá nguyên liệu - làm sạch - cắt
đầu, lột da - bỏ nội tạng - cắt phi-lê - ướp muối - đông lạnh - xuất bán. Doanh
nghiệp A được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT như sau:
- Doanh nghiệp A được khấu trừ toàn bộ
thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không
hình thành tài sản cố định tại nhà máy phục vụ khâu sơ chế cá tra phi-lê theo
quy trình nêu trên.
- Cá tra phi-lê có nguồn gốc do doanh
nghiệp A tự nuôi để xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và doanh nghiệp được
khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào có liên quan đến hoạt động xuất khẩu cá tra
phi-lê. Trường hợp doanh nghiệp nuôi cá tra sau đó chế biến thành cá tra phi-lê
vừa để xuất khẩu vừa để bán trong nước thì thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo
tỷ lệ % doanh thu xuất khẩu/Tổng Doanh thu (doanh thu xuất khẩu và doanh thu
bán trong nước).”
6. Sửa
đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi khổ thứ nhất
điểm c khoản 3 Điều 15 như sau:
“c) Đối với hàng hóa,
dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi
triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ
bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của
hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm
thanh toán theo hợp đồng hoặc trước ngày 31 tháng 12 hàng năm đối với trường
hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, cơ sở kinh
doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào”.
b) Sửa đổi,
bổ sung khổ đầu khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng
được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua
sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải
là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế. Bên mua không cần phải
đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín
dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp) mở tại các tổ chức cung ứng
dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật
hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân
hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán
khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của
bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua
thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài
khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).”
c) Sửa đổi, bổ
sung điểm c khoản 4 Điều 15 như sau:
“c) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua
vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm
cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ
ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho
bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng
dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt
động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sau khi thực hiện các hình
thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có
giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp
có chứng từ thanh toán qua ngân hàng”.
7. Sửa đổi khoản 4 Điều 16 Thông tư số
219/2013/TT-BTC như sau:
“Hóa đơn thương mại. Ngày xác định
doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan
trên tờ khai hải quan”.
Điều
4. Sửa đổi mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu C1-02/NS và C1-03/NS) tại Phụ lục
ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về
việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính và mẫu
Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011
của Bộ Tài chính như sau:
Ban hành
kèm theo Thông tư này:
1.
Mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu
số C1-02/NS và C1-03/NS) thay thế cho mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày
16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và
Kho bạc (gọi tắt là TABMIS).
2. Mẫu Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) thay thế cho mẫu Bảng kê nộp
thuế (01/BKNT) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày
17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách
nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các ngân
hàng thương mại.
Điều 5. Sửa
đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng
dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP
ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch
vụ như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản
2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“2. Các loại hóa đơn:
a) Hóa đơn giá trị
gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3
và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban
hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính
thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc
tế;
- Xuất vào khu phi thuế
quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
b) Hóa đơn bán hàng dùng
cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai,
tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ
trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất
khẩu (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm
theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong
khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán
hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan
với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế
quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5
ban hành kèm theo Thông tư này).
Ví dụ:
- Doanh nghiệp A là doanh
nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động
bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử
dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước và không
cần lập hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
- Doanh
nghiệp B là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ
vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá
nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động
bán hàng trong nước và cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan.
- Doanh nghiệp C là doanh
nghiệp chế xuất bán
hàng vào nội địa và bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì sử
dụng hóa đơn bán hàng khi bán vào nội địa, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ
chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”; khi bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài
lãnh thổ Việt Nam), doanh nghiệp C không cần lập hóa đơn bán hàng.
- Doanh nghiệp D là doanh nghiệp khai
thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, khi bán hàng hóa, dịch vụ
trong nước, cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp D sử dụng hóa đơn bán hàng. Khi
xuất hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp D không cần lập hóa đơn bán hàng.
c) Hóa đơn khác gồm: tem;
vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…
d) Phiếu thu tiền cước vận
chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch
vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy
định của pháp luật có liên quan.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“g) Tên hàng
hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi
bằng số và bằng chữ. Trường hợp tổ chức kinh doanh có sử dụng phần mềm kế toán
theo hệ thống phần mềm của công ty mẹ là Tập đoàn đa quốc gia thì chỉ tiêu đơn
vị tính được sử dụng bằng tiếng Anh theo hệ thống phần mềm của Tập đoàn.”
b)
Sửa đổi điểm a Khoản 3 Điều 4
Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“a)
Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn
không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của
người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ
viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn
tại Thông tư này.
Trường hợp kinh doanh dịch
vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính””.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại điểm b, c
khoản 1 Điều 16 như sau:
“b) Người bán
phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm
cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;
hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người
lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá
trình sản xuất.
Nội dung trên hóa đơn phải
đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa;
phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và
chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn
và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt
in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải
gạch chéo.
c) Hóa đơn được
lập một lần thành nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất
trên các liên hóa đơn có cùng một số.
Đối với hóa đơn
thu cước dịch vụ viễn thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu
phí của các ngân hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại
tem, vé, thẻ và một số trường hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi lập hóa đơn
được thay thế liên 1 bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn thực tế đã lập. Chi tiết
mỗi số hóa đơn giao khách hàng được thể hiện trên một dòng của Bảng kê với đầy
đủ các tiêu thức đã được đăng ký tại hóa đơn mẫu gửi cùng Thông báo phát hành
hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Bảng kê được lập hàng tháng, được in
ra giấy để lưu trữ bảo quản hoặc lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Ví dụ như:
bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa cứng gắn ngoài, đĩa cứng gắn
trong). Việc bảo quản, lưu trữ bảng kê thực hiện theo quy định hiện hành về bảo
quản, lưu trữ tài liệu kế toán. Nếu lưu trữ bằng giấy thì bảng kê phải có đầy
đủ tên, chữ ký người lập bảng kê; tên, chữ ký thủ trưởng đơn vị; dấu đơn vị.
Nếu lưu trữ bằng phương tiện điện tử thì bảng kê phải có chữ ký điện tử của đơn
vị và nội dung bảng kê phải đảm bảo có thể truy cập kết xuất và in ra giấy khi
cần tham chiếu. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ
thông tin trên bảng kê hóa đơn đã lập trong ngày, trong tháng và phải đảm bảo
lưu trữ để cung cấp cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác khi có yêu
cầu”.
b) Bãi bỏ khổ
thứ 7 điểm a khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
4. Sửa đổi khổ thứ hai Điều 27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“Riêng doanh nghiệp sử
dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in,
đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của
cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư này thực hiện nộp Báo cáo tình
hình sử dụng hóa đơn theo tháng.”
Điều
6. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính
hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ
quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 5 Thông
tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để
trao đổi (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương
trên thị trường tại thời điểm trao đổi.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có chức năng sản
xuất phụ tùng ôtô và lắp ráp ôtô. Doanh nghiệp A dùng sản phẩm lốp ôtô do doanh
nghiệp sản xuất để trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc dùng lốp ôtô để tiếp tục
lắp ráp thành ôtô hoàn chỉnh thì trong trường hợp này sản phẩm lốp ôtô của
doanh nghiệp không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh
nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp B là doanh nghiệp
sản xuất máy tính. Trong năm doanh nghiệp B có xuất một số máy tính do chính
doanh nghiệp sản xuất cho cán bộ công nhân viên để dùng làm việc tại doanh
nghiệp thì các sản phẩm máy tính này không phải quy đổi để tính vào doanh thu
tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6
Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“1. Trừ các khoản chi không
được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi
nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên
quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ
hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu
có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên
(giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không
dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền
mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có
giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi
nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không
dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh
toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí
đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng
tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong
trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra,
kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch
vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu
lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Ví dụ 7: Tháng 8 năm 2014 doanh nghiệp
A có mua hàng hóa đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 30 triệu đồng
nhưng chưa thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2014, doanh nghiệp A đã
tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với giá trị mua
hàng hóa này. Sang năm 2015, doanh nghiệp A có thực hiện thanh toán giá trị mua
hàng hóa này bằng tiền mặt do vậy doanh nghiệp A phải kê khai, điều chỉnh giảm
chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc
thanh toán bằng tiền mặt (kỳ tính thuế năm 2015).
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa,
dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn
in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn
này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn
này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi
phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa,
dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn
in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn
này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh
nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh
nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm
đ khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như
sau:
“đ) Thu nhập của doanh
nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản
xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng
một trong hai tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối
thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được
cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn
tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể
từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt
tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm).
- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu
6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp
Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ
năm có doanh thu (chậm nhất năm thứ 4 kể
từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt
điều kiện sử dụng số lao động thường xuyên bình quân năm trên 3.000 lao động).
Số lao động quy định
tại điểm này là số lao động có ký hợp đồng lao động làm việc toàn bộ thời gian,
không tính số lao động bán thời gian và lao động hợp đồng ngắn hạn dưới 1 năm.
Số lao động sử dụng thường xuyên bình
quân năm được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2009 của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng
các tiêu chí quy định tại điểm này (không kể bị chậm tiến độ do nguyên nhân
khách quan trong khâu giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính của cơ
quan nhà nước hoặc do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn và được cơ quan cấp Giấy
chứng nhận đầu tư chấp thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thì doanh
nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời doanh
nghiệp phải kê khai, nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã kê khai hưởng ưu
đãi của các năm trước (nếu có) và nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định,
nhưng doanh nghiệp không bị xử phạt về hành vi khai sai theo quy định của pháp luật
về quản lý thuế.”
Điều 7. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.
Đối với những trường hợp thực hiện thủ
tục, biểu mẫu theo các Thông tư quy định tại khoản 2 Điều này mà doanh nghiệp
cần thời gian chuẩn bị thì doanh nghiệp được chủ động lựa chọn thủ tục, biểu mẫu
theo quy định hiện hành và theo quy định sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thực hiện
đến hết 31/10/2014 mà không cần thông báo, đăng ký với cơ quan thuế. Tổng cục
Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này.
2. Bãi bỏ các
hướng dẫn, mẫu biểu tại các Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày
06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính
đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ tại Thông tư này.
3. Các thủ tục hành chính về thuế khác
không được hướng dẫn tại Thông tư này tiếp tục thực hiện theo các văn bản pháp luật
hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ
Tài chính để được nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở TC, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ; Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT; TCT (VT, CS).
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|