PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan từ ngày 26/4/2023 qua bài viết sau đây:
>> Quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan từ 26/4/2023
Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định này có hiệu lực kể từ lúc ban hành.
Theo đó, từ ngày 26/4/2023, Các trường hợp ngoại lệ không bị xem là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước được quy định như sau:
Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) là việc cán bộ, công chức sao chép, chuyển thể, triển lãm hoặc trưng bày tác phẩm để thực hiện hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan từ 26/4/2023 (Phần 2)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, việc trích dẫn hợp lý tác phẩm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.
- Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
- Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại được quy định như sau:
- Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ.
- Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) thực hiện theo nội dung nêu tại Mục 1 phần 1 của bài viết và phải bao gồm thông tin về quyền tác giả xuất hiện trên bản sao được sao chép theo quy định của pháp luật hoặc bao gồm chú thích rõ ràng về việc tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả nếu không có thông tin nào về quyền tác giả được tìm thấy trên bản sao được sao chép.
- Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả và không được cung cấp cho công chúng bản sao tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số bên ngoài khuôn viên của thư viện sử dụng hợp pháp bản sao đó.
- Thiết bị sao chép đặt trong khuôn viên thư viện phải kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan từ 26/4/2023 (Phần 3)