Ngày 16/7/2024, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành Công văn 18833/CTBDU-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế thu nhập cá nhân khi chấm dứt hợp đồng lao động.
>> Thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử
Theo đó, trường hợp công ty và người lao động (ký hợp đồng lao động với công ty từ 03 tháng trở lên), công ty thanh toán cho người lao động các khoản tiền lương tiền công, tiền phép, trợ cấp thôi việc, hỗ trợ khác thì công ty thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân như sau:
(i) Đối với khoản tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công cho thời gian trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần.
(ii) Đối với khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Bộ luật Lao động 2019 thì không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động.
(iii) Đối với các khoản chi hỗ trợ chấm dứt hợp đồng lao động, hỗ trợ thâm niên theo chính sách của công ty, nếu các khoản chi hỗ trợ này nằm ngoài quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sau khi chấm dứt hợp đồng tại công ty, thì mỗi khoản chi từ 2 triệu đồng trở lên, công ty phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trên tổng thu nhập chi trả.
Cụ thể về vấn đề trên như sau:
Công cụ tra cứu mã số thuế và thông tin doanh nghiệp (Cập nhật mới) |
[TIỆN ÍCH] Tính thuế thu nhập cá nhân năm 2024 |
Quy định về khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi chấm dứt hợp đồng lao động năm 2024
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ điểm a và tiết b.6 điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
(i) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
(ii) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
...Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Lưu ý: Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC), quy định về việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công như sau:
(i) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
(ii) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Căn cứ khoản 1, tiết b2 điểm b, điểm i Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:
(i) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
(ii) Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.