Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu trong bối cảnh ngày nay diễn ra ngày càng nhiều. Nhưng liệu việc chuyển nhượng quyền sở hữu này đã đúng quy định pháp luật chưa?. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những quy định liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
>> Phân biệt nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu thông thường
>> Phân biệt giữa Tác giả và Chủ sở hữu quyền tác giả
1. Khái niệm về chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Theo quy định điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có định nghĩa về quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh
Tại điều 138 Luật Sở hữu trí 2005 có định nghĩa về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác
Theo quy định trên thì có hiểu Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là việc chủ sở hữu quyền sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Điều kiện để chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Tại điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định một số điều kiện hạn chế đối với việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu như sau:
- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó
Và tại điều 148 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019 cũng có quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau: hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Vì vậy, để việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu có hiệu lực thì cần phải tuân thủ những điều kiện hạn chế đã nêu trên và hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
3. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 140 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cần phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
4. Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Hồ sơ đăng ký:
Tại khoản 9 điều 1 Thông tư 18/2011/TT-BKHCN và được bổ sung bởi khoản 39 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN có quy định về hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu như sau:
a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư Thông tư 16/2016;
b) 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
c) Bản gốc văn bằng bảo hộ;
d) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
e) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
g) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
h) Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:
(i) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(ii) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định lại yêu cầu về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định.
Trình tự thực hiện:
- Người nộp hồ đơn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như vừa nêu nộp tại Cục sở hữu trí tuệ (hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, người nộp đơn còn có thể nộp trực tuyến tại trang Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Thời gian thẩm định: 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót)
- Kết quả thực hiện: Ra Quyết định về việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền Sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp hoặc Quyết định về việc từ chối đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền Sở hữu công nghiệ. Cập nhật nội dung chuyển nhượng vào bản gốc văn bằng bảo hộ nếu hợp đồng được đăng ký và trả văn bằng cho người nộp đơn.
5. Phí, lệ phí:
Căn cứ quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định về mức phí, lệ phí đối với các thủ tục liên quan đến sở hữu công nghiệp thì khi chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu có thể đống các loại phí, lệ phí sau:
- Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 230.000 đồng/VBBH
- Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 180.000 đồng/VBBH
- Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền SHCN: 120.000 đồng/VBBH
- Phí thẩm định quyền nộp đơn và quy chế sử dụng NH (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận): 550.000 đồng/đơn
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu): 120.000 đồng/VBBH
Trên đây là Những quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Cơ sở pháp lý:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019;