Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
>> Những lưu ý khi đăng ký áp dụng phương pháp tính thuế GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập
>> Chế độ ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Kiểm toán độc lập là gì?
Đó là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và những công việc kiểm toán khác.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy, những đối tượng thực hiện việc kiểm toán là kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoạt động theo những điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Luật Kiểm toán độc lập 2011.
Đối tượng được kiểm toán là báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và những công việc khác.
Đơn vị được kiểm toán
Là doanh nghiệp, tổ chức được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện việc kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán.
Tuy là thực hiện việc kiểm toán theo hợp đồng, nhưng có những trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán và có những trường hợp tự nguyện kiểm toán.
Ngoài trường hợp doanh nghiệp tự nguyện kiểm toán, doanh nghiệp mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng;
- Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Hợp đồng kiểm toán
Để thực hiện việc kiểm toán, doanh nghiệp phái ký hợp đồng kiểm toán với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
Hợp đồng này cũng giống như những loại hợp đồng khác, cũng là sự thỏa thuận của doanh nghiệp với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam về việc kiểm toán. Cụ thể thỏa thuận về những nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
- Mục đích, phạm vi và nội dung dịch vụ kiểm toán, thời hạn thực hiện hợp đồng kiểm toán;
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên;
- Hình thức báo cáo kiểm toán và các hình thức khác thể hiện kết quả kiểm toán như thư quản lý và báo cáo khác;
- Phí dịch vụ kiểm toán và chi phí khác do các bên thỏa thuận.
Giá trị của báo cáo kiểm toán
Sau khi kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp, thì sẽ lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện việc kiểm toán. Kết thúc việc kiểm toán, đơn vị kiểm toán lập báo cáo kiểm toán và xử lý sau kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán được sử dụng để:
- Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan;
- Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
Căn cứ pháp lý:
Tài Giỏi