Trong khoảng thời gian gần đây có nhiều chính sách mới được ban hành liên quan đến Thuế, Lao động, Bảo hiểm liên quan đến doanh nghiệp. Thế nên, chúng tôi xin gửi đến Quý thành viên bài viết điểm qua những thông tin đáng chú ý về những chính sách mới mà doanh nghiệp chúng ta cần phải biết để thực hiện cho đúng quy định.
>> Khoản chi trang phục cho NLĐ có được trừ khi tính thuế?
>> Các hỏi đáp thường gặp về Thuế - Kế toán (Phần 2)
1. Thuế
Bãi bỏ Thông tư 134 về gia hạn nộp thuế, hoàn thuế GTGT
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 18/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành kề từ ngày 20/5/2019.
Cụ thể, Thông tư 134/2014/TT-BTC được ban hành để hướng dẫn thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư tại Nghị quyết 63/NQ-CPngày 25/8/2014.
Tuy nhiên, ngày 13/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 150/NQ-CP để thống nhất dừng việc thực hiện giải pháp gia hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT tại Nghị quyết 63.
Do đó, để thực hiện nội dung này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 134 kể từ ngày 20/5/2019.
Đối với hồ sơ xin gia hạn nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu và hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã nộp cho cơ quan hải quan trước ngày 20/5/2019 thì cơ quan hải quan tiếp tục giải quyết gia hạn nộp thuế, hoàn thuế theo Thông tư 134.
2. Lao động – Bảo hiểm
Thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với NLĐ nước ngoài
Đây là nội dung tại Quyết định 1904/QĐ-LĐTBXH về việc công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực BHXH thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương Binh – Xã hội
Theo đó, quy định thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con như sau:
- Bước 1: NLĐ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH và xuất trình sổ BHXH.
- Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ thai sản theo quy định này nộp cho cơ quan BHXH.
- Bước 3:
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ.
+ Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam
Đây là nội dung tại Quyết định 166/QĐ-BHXH quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp.
Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ (là người đang đóng BHXH) nghỉ việc khi vợ sinh con gồm:
(1) Danh sách 01B-HSB do người sử dụng lao động lập (ban hành kèm Quyết định này);
(2) Bản sao giấy chứng sinh (GCS) hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà GCS không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp GCS thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
Quyết định 166/QĐ-BHXH sẽ có hiệu lực từ ngày 01/5/2019.
Giải quyết quyền lợi BHYT khi người bệnh chuyển tuyến
Đó là nội dung tại Công văn 1155/BHXH-CSYT của BHXH về giải quyết quyền lợi BHYT khi người bệnh chuyển tuyến. Theo đó:
Hiện nay, một số cơ sở KCB tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến khi tra cứu trên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT không thấy lịch sử KCB nên không giải quyết hưởng BHYT.
Về việc này, BHXH Việt Nam có ý kiến như sau:
- Các cơ sở KCB nơi tiếp nhận người chuyển tuyến từ chối giải quyết hưởng BHYT hoặc yêu cầu người bệnh quay về cơ sở KCB nơi chuyển tuyến để xác nhận mức hưởng BHYT là không đúng quy định, không đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.
- Trường hợp cơ sở KCB tra cứu trên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT không thấy lịch sử KCB của người bệnh tại cơ sở KCB nơi chuyển tuyến thì:
+ Vẫn phải căn cứ vào Giấy chuyển tuyến BHYT để giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định hiện hành.
+ Đồng thời, đề nghị cơ sở KCB gửi dữ liệu điện tử phục vụ quản lý KCB BHYT ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh … của người bệnh theo đúng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018.
Cách tra cứu hồ sơ BHXH dành cho Nhân sự, Kế toán
BHXH vừa triển khai thêm dịch vụ tin nhắn tra cứu quá trình tham gia BHXH, thời hạn sử dụng thẻ BHYT và tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ qua đầu số 8079.
Như vậy, hiện nay việc tra cứu hồ sơ BHXH đã nộp, tình trạng hồ sơ thông qua cú pháp tin nhắn có thể được thực hiện theo 02 cách; cụ thể:
- Cách 1: Soạn TC<dấu cách>HS<dấu cách>{mã hồ sơ} gửi 8179 (Cước phí 1.500 đồng/tin nhắn).
+ Ví dụ: Soạn Tc hs 03524_G/2018/04904
+ Nội dung tin nhắn nhận được: Hồ sơ 03524_G/2018/04904: BHXH đã xử lý xong hồ sơ. Vui lòng đến nhận kết quả.
- Cách 2: Soạn BH<dấu cách>HS<dấu cách>{mã hồ sơ} gửi 8079 (Cước phí 1000 đồng/tin nhắn).
Xem thêm cách tra cứu quá trình trình tham gia BHXH, thời hạn sử dụng thẻ BHYT tại Công văn 330/CNTT-PM ngày 03/4/2019.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Tài Giỏi