Người lao động muốn “nhảy việc” (tìm việc làm mới) sau Tết Âm lịch 2024 thì cần lưu ý điều gì? Người lao động sẽ nhận được khoản tiền nào? – Tùng Lâm (Thanh Hóa).
>> Bổ sung 52 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ 15/02/2024
>> Hệ số điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH 2024 (Thông tư 20/2023/TT-BLĐTBXH)
“Nhảy việc” không phải là từ ngữ mang tính pháp lý; thực tế, mọi người dùng từ “nhảy việc” để chỉ cho trường hợp người lao động nghỉ việc ở công ty đang làm để tìm việc mới, chuyển sang một công ty/môi trường làm việc khác.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 22/12/2023) |
“Nhảy việc” sau Tết Âm lịch 2024: Những điều người lao động cần lưu ý (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho công ty trong thời hạn như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ (Quý khách hàng tham khảo thêm Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động 2019.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2019.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động 2019.
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc (trong một số trường hợp “đặc biệt” có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày) kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013, trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Lưu ý: Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu sau khi quyết định “nhảy việc” nhưng chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện hưởng khác được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019.
Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi (i) thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và (ii) thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019).