Khi xây dựng thang bảng lương 2024 thì cần lưu ý những gì? Rất mong PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP hướng dẫn tôi cách xây dượng thang bảng lương 2024. – Kim Thắm (TP. Hồ Chí Minh).
>> Quy định về việc xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP
>> Lùi đóng kinh phí công đoàn đến 31/12/2023 với doanh nghiệp giảm 50% lao động
Khi xây dựng thang lương, bảng lương 2024 (sau đây gọi gọn là thang bảng lương 2024), doanh nghiệp cần lưu ý các nội dung sau đây:
- Thứ nhất, bậc 1 (bậc thấp nhất) của thang bảng lương 2024 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
- Thứ hai, từ ngày 01/7/2022, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định mức lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do đó, phát sinh 02 trường hợp sau đây:
+ Trường hợp các doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 01/7/2022 trở đi khi xây dựng thang bảng lương 2024 thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.
+ Trường hợp các doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/7/2022, nếu trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung “người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%” thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện (trừ các bên có thỏa thuận khác).
- Thứ ba, từ ngày 01/01/2021, theo Bộ luật Lao động 2019 thì không còn bắt buộc khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề nhau tối thiếu là 5%. do đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp mình.
- Thứ tư, tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp mà quý doanh nghiệp có thể xây dựng nhiều hoặc ít bậc lương hơn; nhóm chức danh, vị trí công việc khác nhau để đảm bảo tiền lương tương xứng với hiệu quả làm việc, thâm niên… của người lao động.
File Excel thang bảng lương hiện hành |
File Excel thang bảng lương hiện hành (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Mức lương tối thiểu tháng tại Vùng I, II, III, IV lần lượt là 4.680.000, 4.160.000, 3.640.000, 3.250.000 đồng.
- Mức lương tối thiểu giờ tại Vùng I, II, III, IV lần lượt là 22.500, 20.000, 17.500, 15.600 đồng.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2024 được thực hiện như sau:
- Thứ nhất, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
- Thứ hai, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
- Thứ ba, đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
- Thứ tư, mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
- Thứ năm, mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.