Quy định của pháp luật hiện hành về kết quả kiểm toán độc lập với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Những nội dung trong hợp đồng kiểm toán.
>> 05 yêu cầu tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán tổ chức tài chính vi mô
>> Các hành vị bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán độc lập
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 51/2024/TT-NHNN, kết quả kiểm toán độc lập bao gồm những nội dung sau đây:
(i) Kết quả kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
- Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính.
- Báo cáo thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
- Thư quản lý và các tài liệu, bằng chứng liên quan.
(ii) Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thư quản lý phải phản ánh những vấn đề, sự kiện cụ thể trong quá trình kiểm toán, bao gồm: hiện trạng thực tế, khả năng rủi ro, kiến nghị của kiểm toán viên và ý kiến của người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến sự kiện đó.
Thư quản lý tối thiểu phải có các nội dung sau:
(i) Phương pháp tiếp cận chung, phạm vi của cuộc kiểm toán và các yêu cầu cần bổ sung.
(ii) Đánh giá những thay đổi về chính sách và thông lệ quan trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(iii) Rủi ro có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(iv) Đề xuất điều chỉnh của tổ chức kiểm toán độc lập và kiểm toán viên hành nghề đối với vụ việc, sự kiện đã ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(v) Ý kiến không thống nhất với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc đến ý kiến của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải nêu rõ tình trạng giải quyết những ý kiến không thống nhất đó và mức độ ảnh hưởng của vấn đề.
(vi) Các vấn đề khác được thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán.
[TIỆN ÍCH] >> CÔNG VIỆC PHÁP LÝ
Kết quả kiểm toán độc lập với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Tại Điều 42 Luật Kiểm toán độc lập 2011, quy định về hợp đồng kiểm toán như sau:
(i) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện dịch vụ kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán.
(ii) Hợp đồng kiểm toán là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam với khách hàng về việc thực hiện dịch vụ kiểm toán. Hợp đồng kiểm toán được lập thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
- Mục đích, phạm vi và nội dung dịch vụ kiểm toán, thời hạn thực hiện hợp đồng kiểm toán.
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
- Hình thức báo cáo kiểm toán và các hình thức khác thể hiện kết quả kiểm toán như thư quản lý và báo cáo khác.
- Phí dịch vụ kiểm toán và chi phí khác do các bên thỏa thuận.