Tiếp nối bài viết Hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc (Phần I), PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP xin khái quát các bước triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cho doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Quyết định 4744/QĐ-BYT năm 2010.
>> Hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc (Phần I)
>> Thay đổi lương: nên ký hợp đồng lao động hay phụ lục hợp đồng lao động?
I. Hướng dẫn thành lập hệ thống tổ chức và chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
1. Thành lập ban phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
Doanh nghiệp (DN) cần căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức của DN cũng như số lượng người lao động để quyết định số lượng thành viên của Ban Phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp, tránh bộ máy cồng kềnh và làm việc không hiệu quả.
Một ban phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cần bao gồm các thành phần chính: 01 trưởng ban, 01 phó trưởng ban hoặc uỷ viên thường trực, một số uỷ viên và với cơ cấu hợp lý.
Giám đốc DN là người quyết định thành lập Ban Phòng, chống HIV/AIDS của DN mình.
- Trưởng ban: nên là lãnh đạo DN (Giám đốc hoặc Phó giám đốc hoặc cấp bậc tương đương).
- Phó trưởng ban hoặc uỷ viên thường trực: Là đại diện tổ chức công đoàn hoặc cán bộ y tế. Thông thường Phó trưởng ban hoặc uỷ viên thường trực là cán bộ y tế hoặc cán bộ phụ trách nhân sự hoặc lãnh đạo Công đoàn trong DN.
- Các uỷ viên: Là lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo: Phòng nhân sự/tổ chức hành chính; công đoàn; đoàn Thanh niên; y tế; người lao động...
Tuy nhiên tùy mô hình, cơ cấu, tổ chức và số lượng người lao động của DN mà quyết định số lượng thành viên Ban Phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc, nhưng nên có ít nhất từ 3 thành viên trở nên. Nếu trong DN có người lao động nhiễm HIV thì nên đưa đại diện của họ vào là thành viên của Ban Phòng, chống HIV/AIDS (nếu người nhiễm HIV để tự công khai danh tính) để có ý kiến đóng góp đáp ứng với nhu cầu và quyền lợi cho người nhiễm HIV trong DN.
2. Xây dựng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
Chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại của Chính phủ, các nội qui, qui định của DN nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu thiết thực và phù hợp với điều kiện của người lao động cũng như sản xuất kinh doanh của DN.
Để xây dựng chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc không nhất thiết phải có chuyên gia về lĩnh vực HIV/AIDS tại DN, các nhà quản lí DN cùng các tổ chức xã hội trong DN và đại diện người lao động từ các đơn vị sản xuất trong DN có thể cùng nhau xây dựng được các nội dung của chính sách.
Các nội dung chủ yếu của chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc thường bao gồm các quy định sau:
- Không phân biệt đối xử và kì thị với người nhiễm HIV. Đây là nội dung đã được Luật pháp qui định và bắt buộc phải tuân thủ. Chính sách cần ghi rõ nghiêm cấm các hành vi kì thị, phân biệt đối xử và hình thức xử lí kỉ luật nếu vi phạm.
- Không xét nghiệm HIV bắt buộc khi tuyển dụng hoặc trong quá trình người lao động đang làm việc, đây là nội dung tuân thủ Điều 4 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006.
- Tạo điều kiện, cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông HIV cho người lao động khi mới tuyển dụng cũng như định kì để thể hiện sự cam kết của lãnh đạo DN trong việc bảo vệ sức khoẻ của người lao động, bảo vệ sản xuất.
- Tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV thông qua việc cung cấp và giới thiệu về bao cao su, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS…
- Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS luôn được lồng ghép với các hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục sức khoẻ để nâng cao hiểu biết, phòng lây nhiễm HIV và tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh thu hút sự tham gia của người lao động.
- Hỗ trợ của DN dành cho người nhiễm HIV, người sau cai tại nơi làm việc: chế độ ốm đau, điều trị, thăm hỏi...
- Xác định kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
(Xem thêm ví dụ về một chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc ở Phụ lục 4 Quyết định 4744/QĐ-BYT năm 2010).
Sau khi Chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc được lãnh đạo DN phê duyệt; Ban Phòng, chống HIV/AIDS có kế hoạch phổ biến đến từng người lao động trong DN.
3. Thành lập đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
Đội truyền thông là một nhóm truyền thông viên phòng, chống HIV/AIDS của DN, được lựa chọn từ cán bộ, người lao động của DN, do Giám đốc DN thành lập và do Ban Phòng, chống HIV/AIDS của DN hoặc tổ chức, đơn vị được giám đốc hoặc Ban Phòng, chống HIV/AIDS giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động.
Mỗi Đội truyền thông nên có từ 03 thành viên trở nên. Tùy theo điều kiện, phạm vi, tính chất hoạt động cụ thể của DN để xác định số thành viên của Đội.
Một Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại DN nên có:
- Đội trưởng: Nên là cán bộ phụ trách nhân sự, đội trưởng đội sản xuất, trưởng ca, tổ trưởng, phân xưởng trưởng, nhóm trưởng…để có thể bố trí thời gian, huy động nhân lực…cho các hoạt động truyền thông;
- Phó Đội trưởng: Nên là nhân viên y tế, cán bộ phụ trách công đoàn, đoàn thanh niên của DN;
- Các thành viên khác có thể bao gồm: người lao động có khả năng truyền thông.
II. Hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
Một bản kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đầy đủ, cụ thể và chi tiết sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp, những người quản lý và người thực hiện có một cái nhìn bao quát, chủ động. Giúp tìm kiếm, xác định và sử dụng các nguồn lực (bao gồm cả nhân lực, vật lực và kinh phí) trong và ngoài doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Sau đây là tổng quát những bước trong quá trình lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc:
III. Tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
1. Triển khai một số hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong DN
Có rất nhiều hình thức truyền thông khác nhau có thể sử dụng để chuyển tải thông tin về HIV/AIDS đến người lao động mà DN có thể tiến hành tùy theo điều kiện cụ thể của mình.
2. Triển khai chương trình bao cao su tại nơi làm việc
Để đảm bảo chương trình cung cấp bao cao su đạt hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, DN và Ban Phòng, chống HIV/AIDS cần thực hiện các hoạt động sau:
- Đưa chương trình cung cấp bao cao su vào chính sách và kế hoạch hoạt động của chương trình phòng chống HIV của DN.
Khi truyền thông về HIV và bảo vệ sức khỏe cho người lao động, luôn:
+ Đề cập đến việc sử dụng bao cao su là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV qua hiệu quả, rẻ tiền với người lao động, giới thiệu các loại bao cao su hiện có,
+ Trao đổi với cả nam và nữ về tác dụng và cách sử dụng bao cao su đúng cách, bao gồm cả cách bảo quản và huỷ bỏ bao cao su sau khi sử dụng,
+ Phát cho mỗi người tham gia truyền thông 1-2 bao cao su để dùng thử,
+ Giới thiệu các điểm cung cấp bao cao su nam và nữ hiện có tại DN và ngoài cộng đồng.
Trong trường hợp DN mua bao cao su trợ giá về cấp miễn phí hoặc bán cho người lao động:
+ DN liên hệ với các tổ chức được Chính phủ cho phép bán bao cao su trợ giá (như PSI, DKT...) để đặt hàng mua bao cao su.
+ Cung cấp miễn phí cho người lao động trong giai đoạn đầu, sau đó thông qua hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp vận động người lao động có nhu cầu tự bỏ tiền mua bao cao su.
+ Bao cao su phát miễn phí cần được đặt ở những nơi dễ lấy, đảm bảo tính riêng tư, hạn chế tối đa các khó khăn có thể gây ra cho người có nhu cầu muốn mua hoặc nhận bao cao su miễn phí; ví dụ đặt bao cao su vào các hộp phát miễn phí ở nhà vệ sinh nam hoặc nữ hoặc tại nơi thay quần áo, đồng phục lao động, phòng y tế…
3. Giới thiệu chuyển tiếp, chuyển tuyến người lao động đến các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên địa bàn
Giới thiệu chuyển tiếp, chuyển tuyến được đề cập ở đây là hoạt động giới thiệu thông tin về các dịch vụ có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ người lao động hoặc gia đình họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ đó khi cần một cách phù hợp và thuận tiện nhất tại địa bàn hoặc ở tuyến trên.
4. Chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV tại nơi làm việc
Chăm sóc, hỗ trợ cho người lao động nhiễm HIV là sự chăm sóc, hỗ trợ toàn diện về tinh thần, vật chất, sức khỏe, xã hội…, đặc biệt là không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình họ.
Người nhiễm HIV vẫn có thể làm việc bình thường nếu được chăm sóc, hỗ trợ tốt. Thậm chí, họ sẽ có ý thức hơn trong lao động và trong cả việc tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS của DN và chủ động phòng tránh lây truyền HIV sang người khác.
5. Báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc
Cấp báo cáo |
Tên báo cáo |
Tần xuất |
Người chịu trách nhiệm báo cáo |
Cấp nhận báo cáo |
Thời hạn nộp báo cáo |
Hình thức báo cáo |
Tổ sản xuất/phân xưởng |
Báo cáo hoạt động của truyền thông viên |
Hàng tháng |
Truyền thông viên |
Ban PC HIV/AIDS của DN |
Ngày 5 hàng tháng |
Biểu mẫu tại phụ lục 6 Quyết định 4744/QĐ-BYT |
DN |
Báo cáo hoạt động phòng, chống HIV tại nơi làm việc |
Hàng quý |
Ban PC HIV/AIDS của DN |
Phòng thương mại và công nghiệp/Hiệp hội DN tỉnh |
Ngày 15 tháng cuối của quý |
Biểu mẫu tại phụ lục 7 Quyết định 4744/QĐ-BYT |
Phòng thương mại và công nghiệp/ Hiệp hội DN |
Báo cáo công tác phòng chống HIV/AIDS khối DN trên địa bàn tỉnh |
6 tháng, hàng năm |
Ban PC HIV/AIDS của Phòng thương mại và công nghiệp/Hiệp hội DN |
Ban Phòng, chống HIV/AIDS, khối DN cấp trung ương |
Ngày 30 tháng 6 và tháng 12 |
Biểu mẫu tại phụ lục 8 Quyết định 4744/QĐ-BYT |
Tài liệu này được sử dụng như là một cẩm nang giúp các DN có thể tra cứu và tìm hiểu cách thức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, cũng như thiết lập và triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết hướng dẫn tại Quyết định 4744/QĐ-BYT.
Căn cứ pháp lý: Quyết định 4744/QĐ-BYT
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Hải Hà