Đại dịch HIV/AIDS đang là vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của con người cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội mỗi doanh nghiệp. Nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc một cách thuận lợi, Cục Phòng, chống HIV/AIDS biên soạn và phát hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc”.
>> Thay đổi lương: nên ký hợp đồng lao động hay phụ lục hợp đồng lao động?
>> Thỏa ước lao động tập thể và những điều cần biết
Cuốn tài liệu này được ban hành kèm theo Quyết định 4744/QĐ-BYT năm 2010 nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, các chủ sử dụng lao động triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc một cách có kết quả.
1. Những ảnh hưởng do HIV/AIDS gây ra đối với doanh nghiệp
- Ảnh hưởng đến lợi nhuận và năng suất của doanh nghiệp
Dịch HIV/AIDS đã cướp đi mạng sống của nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao… của nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật; làm giảm chất lượng cũng như số lượng lực lượng lao động, làm tăng chi phí tuyển dụng và đào tạo lại. Dịch HIV/AIDS làm tăng sự vắng mặt của nhiều lao động khoẻ mạnh khác do phải nghỉ việc để chăm sóc người nhà ốm, thăm hỏi đồng nghiệp, tham dự tang lễ…. Tại nhiều doanh nghiệp, chi phí do người lao động nghỉ việc, chăm sóc điều trị và các khoản chi phí khác do HIV/AIDS gây ra chiếm một phần rất lớn trong tổng chi phí hàng năm của doanh nghiệp.
- Ảnh hưởng đến chi phí tuyển dụng và đào tạo
Để đào tạo được một cán bộ quản lý giỏi hay một công nhân có tay nghề cao doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều kinh phí và thời gian. Khi nguồn nhân lực đó bị ảnh hưởng như có người đau ốm, thậm chí mất đi vì các bệnh liên quan đến HIV, doanh nghiệp sẽ mất đi sự ổn định về nhân lực và phải tuyển dụng đào tạo lao động khác để thay thế. Do đó tất yếu sẽ làm tăng chi phí tuyển dụng, tăng chi phí đào tạo nguồn nhân lực hay cần có một thời gian dài để làm người thay thế có thể làm quen với doanh nghiệp.
- Ảnh hưởng đến quan hệ lao động của nơi làm việc
Nhiều người lao động chưa hiểu rõ về các đường lây và đường không lây nhiễm HIV, từ đó họ e ngại, thậm chí không chấp nhận làm việc và sinh hoạt cùng với người lao động nhiễm HIV. Do vậy, giữa những người công nhân lao động nhiễm và không nhiễm HIV có sự kỳ thị và phân biệt đối xử lẫn nhau, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trong môi trường làm việc.
2. Lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
- Bảo vệ được nguồn nhân lực
Khi doanh nghiệp tham gia phòng, chống HIV/AIDS, cùng với các chương trình truyền thông tại cộng đồng, người lao động sẽ được cung cấp các kỹ năng cần thiết để có thể nhận biết đúng đắn về HIV/AIDS, có ý thức và biết cách bảo vệ mình trước HIV/AIDS.
- Tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp
Mặc dù Luật pháp quy định chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhưng ở các mức độ khác nhau, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn xảy. Do vậy, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS không những bảo vệ được người lao động không bị lây nhiễm HIV mà còn tăng cường sự hiểu biết của người lao động về HIV/AIDS, tránh kỳ thị, từ đó tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, có hiệu quả.
- Nâng cao uy tín cho doanh nghiệp
Việc triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp bởi vì nó thể hiện rõ:
+ Cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp với việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình cán bộ công nhân viên trước đại dịch HIV/AIDS;
+ Sự công bằng, bình đẳng trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp/ nơi làm việc; tôn trọng quyền và lợi ích của người lao động;
+ Vai trò và những đóng góp của doanh nghiệp vào việc thực hiện chiến lược chung trong phòng chống, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.
+ Doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật và những quy định của Việt Nam cũng như một số công ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.
+ Doanh nghiệp đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp nhân lực và tài chính để bảo vệ cho người lao động của doanh nghiệp và sự phát triển của quốc gia.
3. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc
Các hoạt động chủ yếu của một chương trình Phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc được tóm tắt trong sơ đồ dưới đây:
Để đạt được yêu cầu tối thiểu của chương trình phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc, doanh nghiệp cần phải thực hiện 5 hoạt động thuộc cả 3 phần trên, cụ thể như sau:
- Xây dựng chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc,
- Lập kế hoạch hoạt động và kinh phí,
- Tổ chức các hoạt động truyền thông về HIV,
- Chăm sóc và hỗ trợ người lao động nhiễm HIV.
- Báo cáo hoạt động và đánh giá.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc tại Hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc (Phần II).
Hoặc Quý thành viên có thể xem chi tiết hướng dẫn tại Quyết định 4744/QĐ-BYT.
Căn cứ pháp lý: Quyết định 4744/QĐ-BYT.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Hải Hà