Trong trường hợp người lao động nghỉ thai sản thì doanh nghiệp có phải quyết toán thuế cho họ không? Lao động nữ nghỉ thai sản có được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay không?
>> Phân biệt hóa đơn điện tử có mã số và không có mã số của cơ quan thuế
>> Nên tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hay khấu trừ?
Theo tiết d.2 điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:
d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.Như vậy, nếu lao động nghỉ thai sản đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được phép ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thuế TNCN thay.
Khi ủy quyền quyết toán thuế TNCN, lao động nghỉ thai sản phải làm giấy ủy quyền quyết toán (theo mẫu 08/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC).
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết tại công việc Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.
Ngoài ra, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản trợ cấp là các khoản không chịu thuế TNCN.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết tại bài viết Mức hưởng chế độ thai sản có tính thuế TNCN không?
Như vậy, lao động nghỉ thai sản chỉ phải quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công do doanh nghiệp chi trả.
Ví dụ: Năm 2019, bà A làm việc từ tháng 01/2019 đến hết tháng 06/2019. Bà A nghỉ thai sản từ tháng 07/2019.
Như vậy, trong năm 2019 bà A được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01/2019 đến hết tháng 06/2019 (tương ứng với tháng có phát sinh thu nhập). Khi bà A thực hiện quyết toán thuế năm 2019 thì bà A được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng là 108 triệu đồng/năm.
Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, con dưới 18 tuổi là người phụ thuộc của người nộp thuế.
“Điều 9. Các khoản giảm trừ
1. Giảm trừ gia cảnh
…
d) Người phụ thuộc bao gồm:
d.1) Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:
d.1.1) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).”
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Như vậy, khi quyết toán thuế TNCN, lao động nghỉ thai sản được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng (tháng sinh con), nếu lao động nghỉ thai sản đã có mã số thuế và đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc.
Lao động nghỉ thai sản không đăng ký người phụ thuộc cho con mới sinh trước khi quyết toán thuế TNCN của năm sinh con, thì không được giảm trừ gia cảnh cho con mới sinh vào thu nhập chịu thuế của năm sinh con.
Ví dụ: Tháng 12/2019 bà B sinh con, tháng 01/2019 công ty của bà B nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thay cho người lao động.
Vậy bà B phải đăng ký người phụ thuộc trước ngày công ty nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN để được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Nếu bà B đăng ký sau thời điểm công ty nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thì không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Căn cứ pháp lý: Thông tư 111/2013/TT-BTC.