Vì nhiều lý do mà người lao động mong muốn được chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Nếu không thỏa thuận được với người sử dụng lao động thì người lao động sẽ được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo trước trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn người lao động xác định thời gian báo trước khi xin nghỉ việc.
>> Những điều người lao động cần biết về tạm ứng tiền lương
>> Tất tần tật những điều sinh viên cần biết khi đi làm
Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Riêng, đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như sau:
- Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
- Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời hạn báo trước đối với các ngành, nghề, công việc đặc thù được quy định như sau:
- Ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
- Ít nhất bằng 1/4 thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.
Lưu ý: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Thời gian báo trước được tính theo ngày làm việc hoặc ngày bình thường
Dựa trên quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 2 Điều 6 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian báo trước sẽ tính theo ngày bình thường, tức là bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần (Thứ Bảy, Chủ Nhật), ngày lễ, Tết. Tuy nhiên riêng đối với trường hợp người lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì thời gian báo trước sẽ được tính theo ngày làm việc.
Ví dụ 1: Anh A muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ (không xác định thời hạn) vào ngày 01/07/2022. Vì không thuộc trường hợp không phải báo trước và công việc mà anh A đang làm cũng không thuộc ngành, nghề, công việc đặc thù (nêu bên trên). Do đó, anh A phải tuân thủ thời gian báo trước ít nhất là 45 ngày, tức là anh A phải báo trước chậm nhất là ngày 17/05/2022 (bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần).
Ví dụ 2: Chị C làm việc theo HĐLĐ có thời hạn 10 tháng và muốn đơn phương chấm HĐLĐ để dành thời gian chăm sóc cho gia đình. Theo đó, chị C sẽ phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc (do ký kết HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng). Biết rằng, chị C muốn chấm dứt HĐLĐ vào ngày 17/05/2022 và ngày nghỉ hằng tuần là vào Chủ Nhật. Như vậy, chị phải thông báo trước cho người sử dụng lao động chậm nhất là vào ngày 13/05/2022 (ngày nghỉ Chủ Nhật không được tính vào thời gian báo trước).
Không cần phải làm đủ thời gian báo trước
Pháp luật về lao động chỉ quy định thời hạn báo trước mà không bắt buộc người lao động phải làm đủ số ngày báo trước. Ví dụ: trường hợp người lao động muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thời hạn 36 tháng thì phải tuân thủ thời gian báo trước là ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, người này sẽ không cần phải làm việc đủ 30 ngày trước khi nghỉ việc.
Bởi, trong thời gian báo trước, HĐLĐ vẫn còn hiệu lực và do đó, người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải tuân thủ các quy định tại HĐLĐ, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy định của pháp luật.
Theo đó, người lao động vẫn sẽ được hưởng các quyền lợi một cách đầy đủ theo quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên, bao gồm cả quyền được nghỉ hằng tuần, nghỉ phép năm, nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc chế độ ốm đau,... trong thời gian báo trước.
Lấy lại ví dụ trên: Người lao động khi xin nghỉ việc sẽ phải báo trước ít nhất 30 ngày, tức là muốn nghỉ việc vào ngày 10/05/2022 thì sẽ phải báo trước chậm nhất vào ngày 10/04/2022. Như vậy, người lao động sẽ không bắt buộc phải làm đủ 30 ngày báo trước này mà sẽ vẫn được nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ 30/4 – 01/5 và các ngày nghỉ khác theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Trên đây là quy định về Hướng dẫn người lao động tính thời gian báo trước khi nghỉ việc. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: