Khi đi làm, lắm lúc người lao động rơi vào tình trạng chưa hết tháng nhưng đã hết tiền. Lúc này, người lao động có thể được tạm ứng tiền lương. Vậy NLĐ cần lưu ý những gì về tạm ứng lương? Mời quý thành viên cùng tham khảo nội dung dưới đây:
>> Tất tần tật những điều sinh viên cần biết khi đi làm
>> Hướng dẫn người lao động nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ
Theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Tuy nhiên, mặc dù chưa đến kỳ trả lương nhưng người lao động vẫn có thể được tạm ứng trước tiền lương để phục vụ cho sinh hoạt, chi tiêu cá nhân nếu cần thiết. Cụ thể, theo Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc tạm ứng lương như sau:
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Như vậy, khi rơi vào tình trạng chưa hết tháng nhưng đã hết tiền thì NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để được tạm ứng trước tiền lương (mà không bị tính lãi).
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Từ những quy định nêu trên có thể thấy tiền lương được tạm ứng do các bên thảo thuận và thống nhất với nhau. Số tiền được tạm ứng có thể là nửa tháng hoặc toàn bộ tiền lương theo hợp đồng lao động tại tháng tạm ứng tùy theo thỏa thuận của các bên mà không bị pháp luật giới hạn. Thông thường, một số doanh nghiệp chỉ cho phép NLĐ được ứng trước 30 – 50% tiền lương tháng để hạn chế rủi ro NLĐ nhảy việc sau khi nhận tiền lương tạm ứng.
Theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong trường hợp bị tạm đình chỉ công việc khi xử lý kỷ luật lao động thì NLĐ vẫn được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị tạm đình chỉ công việc; nếu bị xử lý kỷ luật lao động, NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Nếu không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương trong trường hợp này, NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức phạt tiền như sau:
- Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: từ 5 đến 10 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: từ 10 đến 20 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: từ 20 đến 30 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: từ 30 đến 40 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên: từ 40 đến 50 triệu đồng.
Đối với NSDLĐ là tổ chức, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Trên đây là quy định về Để tạm ứng tiền lương, người lao động cần làm gì? Nếu còn thắc mắc khác, quý độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: