Làn sóng khởi nghiệp bùng nổ đã khiến số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng lên nhanh chóng, mà hầu hết trong số ấy là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với đặc điểm khát vốn và rủi ro lớn, đây là đối tượng cần được sự hỗ trợ đặc biệt để tồn tại và phát triển.
>> Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
>> DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng nhiều ưu đãi từ 01/01/2018
A. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) phải đáp ứng những tiêu chí nào?
1. Được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh;
2. Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người;
3. Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng;
4. Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
5. Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
B. DNKNST được hỗ trợ những gì?
Từ Đề án 844 cho đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, DNKNST vẫn luôn là đối tượng được quan tâm và tăng cường hỗ trợ, tập trung vào việc huy động vốn và chuyển giao công nghệ.
Trong đó, việc cho phép nhà đầu tư cho DNKNST được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNKNST là một lợi thế lớn để các doanh nghiệp này thu hút đầu tư.
Trên nền tảng đó, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ có các chính sách hỗ trợ DNKNST cụ thể như sau:
1. Được tư vấn miễn phí về:
- Thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; kiến thức, yêu cầu thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý.
- Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và tự tổ chức đo lường.
2. Được cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình và những sáng chế đã đăng ký để doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác (tại cơ sở dữ liệu công khai).
3. Được miễn phí khi:
- Đặt gian hàng tại Hội chợ triển lãm thương mại trong nước và quốc tế;
- Nhận hỗ trợ thông tin, truyền thông về kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo , thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
- Sử dụng trang thiết bị kỹ thuật tại các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Được miễn 50% các chi phí sau:
- Thử nghiệm mẫu phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; cấp dấu định lượng hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kĩ thuật đo lường;
- Thử nghiệm chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước (không quá 10 triệu đồng/lần/năm);
- Hợp đồng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm);
- Đào tạo chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới với tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học (không quá 20 triệu đồng/khóa/năm);
- Tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (không quá 05 triệu đồng/tháng).
Từ nội dung của dự thảo, có thể nói rằng Nghị định này sẽ đóng vai trò xác định địa vị pháp lý và là niềm hy vọng mới cho các DNKNST.
Theo kế hoạch, Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét thông qua để có thể kịp thời gian khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ 1/1/2018.
Căn cứ pháp lý:
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quỳnh Như