Chắc có lẽ, chúng ta không còn xa lạ với chương trình Shark Tank, một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng trên thế giới về kinh doanh dành cho StartUp. Chương trình có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 và đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
>> Những vấn đề doanh nghiệp kinh doanh phần mềm cần lưu ý
>> Hành trình lịch sử của Luật Doanh nghiệp (Phần 2)
Nơi đó là nơi các ý tưởng kinh doanh được vẫy vùng, là nơi để doanh nghiệp gặp gỡ các nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội kêu gọi vốn cho doanh nghiệp của mình.
Tuy là chương trình truyền hình, nhưng nó là điển hình cho một thương vụ đầu tư trong thực tế.
Đó là sự gặp gỡ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp cần vốn, khi đó doanh nghiệp sẽ trình bày về ý tưởng, dự án và định hướng kinh doanh của mình, sau đó trao đổi, phản biện và thuyết phục các các nhà đầu tư.
Quá trình gặp gỡ này sẽ mang đến cho doanh nghiệp 02 kết quả: sự chia tay đầy nuối tiếc khi hai bên không đến được với nhau hay cái gật đầu đồng ý để tìm hiểu nhau sâu hơn để tiến đến một kết thúc đầy viên mãn – nhà đầu tư giải ngân vốn đầu tư vào doanh nghiệp theo thỏa thuận.
Cái gật đầu, bắt tay trong cuộc gặp gỡ chỉ là sự bắt đầu. Quá trình tiếp theo mới là quá trình quyết định sự thành, bại của thương vụ, nhà đầu tư sẽ trực tiếp đến doanh nghiệp tìm hiểu, thẩm định doanh nghiệp và đưa ra quyết định giải ngân vốn đầu tư. Quá trình này được gọi là Due Diliigence.
Nhìn từ 02 mùa Shark Tank, rất nhiều những cái gật đầu, bắt tay cam kết đầu tư trên sóng truyền hình, nhưng số lượng StartUp thực sự nhận được vốn đầu tư từ các Shark là rất khiêm tốn. Theo thống kê chỉ khoảng 1/3 số lượng StartUp được nhận vốn từ các nhà đầu tư.
Bởi đằng sau những cái gật đầu cam kết trên sóng truyền hình, nhà đầu tư và các StartUp sẽ bước vào quá trình thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence) và rất nhiều StartUp không vượt qua được giai đoạn này hay hay đang mòn mỏi chờ cái gật đầu tiếp theo sau quá trình Due Diligence từ các nhà đầu tư.
Vậy Due Diligence diễn ra thế nào? Doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua giai đoạn này?
Due Diligence hay còn gọi là quá trình thẩm định doanh nghiệp, là quá trình nhà đầu tư sẽ đến doanh nghiệp của StartUp thẩm định và đưa ra quyết định có giải ngân vốn.
Đứng ở vị trí của nhà đầu tư, việc bỏ vốn ra đầu tư vào một doanh nghiệp cũng là hoạt động kinh doanh nên cần phải thận trọng với từng quyết định của mình. Đặc biệt, đầu tư vào những doanh nghiệp StartUp là một hoạt động đầy mạo hiểm và chứa đựng nhiều rủi ro, nên càng thẩn trọng nhiều hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.
Những lời trình bày về doanh nghiệp trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, chưa đủ làm căn cứ để họ đưa ra quyết định cuối cùng, mà họ cần trực tiếp thẩm định, tìm hiểu những thông tin họ muốn và từ đó mới quyết định có giải ngân vốn đầu tư hay không.
Việc thẩm định này nhằm mục đích để cho nhà đầu tư hiểu rõ và chi tiết hơn những thông tin về doanh nghiệp, về quá trình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua và những định hướng, kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Tùy theo mỗi nhà đầu tư mà sẽ có những nội dung, mức độ và thời gian thẩm định khác nhau.
Thông thường các nhà đầu tư sẽ thẩm định về tài chính (Finance Due Diligence), thẩm định về rủi ro pháp lý doanh nghiệp (Legal Due Diligence), thẩm định về thuế (Tax Due Diligence) và đối với các doanh nghiệp công nghệ sẽ có thể thẩm định về công nghệ (IT Due Diligence)...
Các doanh nghiệp phải cung cấp những hồ sơ, tài liệu, hợp đồng giao dịch liên quan đến doanh nghiệp theo yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình diễn ra Due Diligence. Ví dụ: Hồ sơ liên quan đến thành lập doanh nghiệp, báo cáo tài chính, chứng từ thuế, các hợp đồng với đối tác…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải trình bày kế hoạch, định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Đây là một trong những phần quan trọng, doanh nghiệp cần phải trình bày thực sự thuyết phục và tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tương lai phát triển của doanh nghiệp.
Quá trình Due Diligence kéo dài nhanh hay chậm tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố và yếu tố quan trọng là nằm ở chính doanh nghiệp, nếu như thông tin hoạt động và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư thì quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng, nhưng ngược lại, nếu như quá trình thẩm định nhận thấy hoạt động của doanh nghiệp xuất hiện nhiều vấn đề, xuất hiện nhiều rủi ro và định hướng hoạt động chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư thì việc gọi vốn sẽ kéo dài và có thể đi đến kết quả không mong muốn.
Due Diligence sẽ dẫn đến 02 kết quả, một là sự chia tay trong tiếc nuối hai là sự kết hợp viên mãn của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đó là sự thành công của một thương vụ.
Để có được một cái kết viên mãn cho thương vụ đầu tư, các doanh nghiệp nên chuẩn bị thật tốt cho quá trình Due Diligence, những hồ sơ, tài liệu cung cấp phải chính xác, minh bạch, rõ ràng và hơn hết phải chuẩn bị một chiến lược kinh doanh thật tốt, thật tiềm năng và tạo cho nhà đầu tư niềm tin mãnh liệt về tương lai phát triển của doanh nghiệp.
Để hiểu hơn về Due Diligence, Quý thành viên có thể những bài viết lần sau.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Tài Giỏi