Kinh doanh phần mềm là một trong số ít các ngành nghề dù không mới nhưng vẫn giữ được “sức nóng” của mình trong cộng đồng doanh nghiệp cho đến nay. Sau đây là một số vấn đề mà doanh nghiệp cần biết khi kinh doanh phần mềm.
>> Hành trình lịch sử của Luật Doanh nghiệp (Phần 2)
>> Có được phép thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ?
Điều 3 của Nghị định 71/2007/NĐ-CP định nghĩa: “Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.”
Bên cạnh đó, dịch vụ phần mềm cũng được định nghĩa là “hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp phần mềm có thể là hàng hóa (sản phẩm phần mềm) hoặc dịch vụ.
Căn cứ quy định của pháp luật, phần mềm có thể được phân loại dựa trên tính năng, bao gồm:
- Phần mềm hệ thống là phần mềm dùng để tổ chức và duy trì hoạt động của một hệ thống hoặc một thiết bị số (sau đây gọi chung là thiết bị số). Phần mềm hệ thống có thể tạo môi trường cho các phần mềm ứng dụng làm việc trên đó và luôn ở trạng thái làm việc khi thiết bị số hoạt động.
Ví dụ: Microsoft Windows, iOs, Android, …
- Phần mềm ứng dụng là phần mềm được phát triển và cài đặt trên một môi trường nhất định, nhằm thực hiện những công việc, những tác nghiệp cụ thể.
Ví dụ: Facebook, Photoshop, …
- Phần mềm tiện ích là phần mềm nhằm trợ giúp cho người dùng tổ chức, quản lý và duy trì hoạt động của thiết bị số.
Ví dụ: Clean Master, Kaspersky, …
- Phần mềm công cụ là phần mềm được dùng làm công cụ để cho người phát triển phần mềm sử dụng phát triển các phần mềm khác.
Ví dụ: C++
- Các phần mềm khác.
Hoặc quy trình hình thành:
- Phần mềm đóng gói là sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường.
- Phần mềm sản xuất theo đơn đặt hàng là sản phẩm phần mềm được sản xuất theo các yêu cầu riêng của khách hàng hoặc người sử dụng.
Pháp luật phân loại các hoạt động kinh doanh phần mềm vào 03 nhóm chính như sau:
- Sản xuất phần mềm nhằm tạo mới hoặc nâng cấp, hoàn thiện, chỉnh sửa sản phẩm phần mềm;
- Kinh doanh dịch vụ phần mềm nhằm hỗ trợ hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm, bao gồm:
+ Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;
+ Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;
+ Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
+ Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
+ Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
+ Dịch vụ tích hợp hệ thống;
+ Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;
+ Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
+ Các dịch vụ phần mềm khác.
- Gia công phần mềm là hoạt động trong đó bên nhận gia công thực hiện việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm hoặc thực hiện một số công đoạn để hoàn thành sản phẩm, dịch vụ phần mềm theo yêu cầu của bên thuê gia công.
3.1. Đăng ký kinh doanh
Như mọi doanh nghiệp khác, để kinh doanh phần mềm, doanh nghiệp cũng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Doanh nghiệp lựa chọn mã ngành tương ứng với hoạt động kinh doanh của mình như sau:
- Sản xuất, gia công phần mềm:
+ 6201 đối với hoạt động viết, sửa, thử nghiệm và trợ giúp các phần mềm; lập trình các phần mềm nhúng; gia công phần mềm.
+ 6202 đối với hoạt động lập và thiết kế các hệ thống máy tính tích hợp các phần mềm máy tính và công nghệ giao tiếp;
- Xuất bản phần mềm – 5820 (bao gồm cả phát hành các phần mềm trọn gói; viết và xuất bản phần mềm cho trò chơi video giải trí);
- Bán buôn phần mềm – 4651;
- Bán lẻ phần mềm -4741;
- Sao chép các phần mềm và dữ liệu sang đĩa, băng từ các bản gốc – 1820;
Lưu ý là, bên cạnh việc đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh phần mềm ngụy trang còn phải đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật, xem chi tiết tại công việc “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.
3.2. Thuế
Nhằm triển khai chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào đời sống, phần mềm (không phân biệt là sản xuất hay kinh doanh) không phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với phần mềm nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT khâu nhập khẩu theo thuế suất quy định đối với từng phương tiện chứa đựng phần mềm (như CD, USB) với giá tính thuế không bao gồm phần "giá trị sử dụng bản quyền trí tuệ - phần mềm", cụ thể:
- Nếu phần mềm được chứa trong đĩa CD có mã HS là 8524.39.90.00 ; có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 30% ; thuế suất thuế GTGT là 5%.
- Nếu phần mềm được chứa trong USB dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động có mã HS là 8471.70.50.00 ; có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5% ; thuế suất thuế GTGT là 5%.
Doanh nghiệp cần phải căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu để phân loại mã số thuế hàng hóa.
Ngoài ra, riêng doanh nghiệp sản xuất phần mềm còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi thành lập như sau:
- Từ năm 1 đến năm 4: Sẽ được miễn thuế TNDN.
- Từ năm 5 đến năm 13 (9 năm tiếp theo): Giảm 50% thuế TNDN với thuế suất 10%, hay nói cách khác, doanh nghiệp chỉ cần đóng thuế TNDN với thuế suất 5%;
- Từ năm 14 đến năm 15 (thuế suất 10% trong 15 năm): Thuế suất là 10%.
- Từ năm 16 trở đi: Nộp thuế TNDN như DN bình thường.
Song, trường hợp doanh nghiệp ngoài việc tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm còn tham gia nhiều loại hình hoạt động khác thì chỉ được hưởng các chính sách ưu đãi này đối với các hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: