Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 16/08/2019) về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, đối tượng này có thể được hỗ trợ pháp lý nếu có vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Để hiểu rõ hơn chính sách hỗ trợ này, chúng tôi xin mời Quý thành viên xem bài viết dưới đây.
>> Bộ biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam
>> Người nước ngoài cần làm gì khi muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam?
Trước tiên, khi có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý, doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là “Doanh nghiệp”) có thể liên hệ và thoả thuận về dịch vụ tư vấn pháp luật với tư vấn viên pháp luật phù hợp thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Mạng lưới tư vấn viên pháp luật là một bộ phận của mạng lưới tư vấn viên theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, gồm luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật, tự nguyện thông báo tham gia và được Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố công khai (sau đây gọi tắt là “Tư vấn viên pháp luật”) để hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp.
Sau khi đã thoả thuận và ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật, Doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật về vụ việc, vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền.
Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật:
1. Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP;
2. Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
3. Hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật giữa Tư vấn viên pháp luật và Doanh nghiệp, trong đó nêu rõ nội dung tư vấn, phí dịch vụ tư vấn.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý tương ứng với lĩnh vực Doanh nghiệp vướng mắc.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Bộ, cơ quan ngang Bộ xem xét thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho Doanh nghiệp. Trường hợp không đồng ý hỗ trợ chi phí thì phải nêu rõ lý do.
Sau khi được Bộ, cơ quan ngang Bộ đồng ý hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật và có văn bản tư vấn pháp thì Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc, vướng mắc được hỗ trợ.
Thành phần hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật:
1. Văn bản tư vấn pháp luật (01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của Doanh nghiệp);
2. Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của Tư vấn viên pháp luật và Doanh nghiệp được tư vấn, trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý về việc hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho Doanh nghiệp, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;
3. Hóa đơn tài chính theo quy định của pháp luật.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý tương ứng với lĩnh vực Doanh nghiệp vướng mắc.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp nội dung văn bản tư vấn pháp luật không thuộc phạm vi tư vấn theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa Tư vấn viên pháp luật và Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “Văn bản thoả thuận”), Bộ, cơ quan ngang Bộ từ chối thanh toán chi phí và có văn bản thông báo với Doanh nghiệp và Tư vấn viên pháp luật.
Theo đó, mức chi phí hỗ trợ cụ thể như sau:
ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ |
MỨC HỖ TRỢ |
Doanh nghiệp siêu nhỏ |
100% chi phí tư vấn pháp luật theo Văn bản thỏa thuận, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm |
Doanh nghiệp nhỏ |
Tối đa 30% chi phí tư vấn pháp luật theo Văn bản thỏa thuận, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm |
Doanh nghiệp vừa |
Tối đa 10% chi phí tư vấn pháp luật theo Văn bản thỏa thuận, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm |
Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị |
Thực hiện theo quy định tại Chương IV của Nghị định 39/2018/NĐ-CP |
Để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quý thành viên có thể tham khảo bài viết: Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Kim Hằng